• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ vật của người lính Điện Biên

Theo thời gian, những chiếc Huy chương “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” đã hoen gỉ; những bức ảnh, giấy chứng nhận chiến sỹ, dân công vẻ vang… đã ố vàng nhưng vẫn được những người lính Điện Biên ép vào khung giữ gìn cẩn thận. Họ nâng niu những kỷ vật ấy như tuổi thanh xuân của mình đã cống hiến, không tiếc máu xương hiến dâng cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

 


 

"Huỳnh huỳnh một chiếc tay ngai
Đèo cao vượt đẩy suối dài vác vai
Mặc cho mưa trận phong ba
Thuốc men, đạn dược hàng ta cứ thồ".

Ông Nguyễn Văn Mạo, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điên Biên năm xưa nay ở tổ 7, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những câu thơ như vậy.

Ông Nguyễn Văn Mạo hứng khởi khi nói về thời gian làm dân công hỏa tuyến
phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm nay ông Mạo đã 94 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nhớ như in những kỷ niệm về Điện Biên Phủ. Kỷ vật mà ông vẫn còn giữ, ép plastic cất giữ cẩn thận là những huân, huy chương trong chiến dịch Điện Biên Phủ và Giấy chứng nhận Chiến sỹ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ của Ủy ban Hành chính tỉnh Tuyên Quang cũ. Năm 27 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, nhưng vì không đủ cân nặng, chiều cao nên không trúng tuyển. Ở địa phương, ông hăng hái tham gia công tác vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp tiền của chi viện cho Điện Biên. Nhờ đó, ông được chính quyền cử làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội xe thồ xã Ỷ La.

Ông làm nhiệm vụ thồ gạo phục vụ cho chiến trường Điện Biên từ tháng 8-1953 đến khi chiến dịch thắng lợi. Tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng những cung đường vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược của tiểu đội xe thồ mà ông tham gia cũng gian lao, nguy hiểm không kém.

Giấy chứng nhận Chiến sỹ dân công vẻ vang Mặt trận Điện Biên Phủ
và Huy chương Chiến sỹ Điện Biên Phủ của ông Mạo được ông giữ gìn cẩn thận.

Ông kể: “Chúng tôi chỉ đi được ban đêm. Mỗi xe đạp phải thồ từ 250 - 300 kg gạo và phải có 3 người vừa kéo, vừa đẩy, vừa giữ. Xe đạp thồ được cải tiến hai săm, hai lốp. Săm phải cuốn thêm những lớp vải màn. Bánh xe được lắp đặt thêm 4 thanh tre. Tay ngai xe đạp được buộc thêm cành tre nối dài về phía sau để bóp phanh. Ngoài ra, xe còn có cọc đẩy để tì vào vai lấy lực đẩy khi lên đèo. Phương châm là người ướt nhưng không được để gạo ướt. Vì vậy, qua suối, ông Mạo và đồng đội lại phải khiêng gạo, mưa thì lấy áo, lấy nilon che. Những chỗ đèo cao, vực sâu, những người lính dân công hỏa tuyến lại hát vang câu hát: “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần phục vụ còn cao hơn nhiều”.

Ông Mạo bảo, đối với ông, những kỷ vật dù chỉ là tờ giấy chứng nhận cũng thiêng liêng lắm. Đó là minh chứng của tuổi trẻ mà ông đã vào sinh ra tử cho chiến thắng Điện Biên. Bây giờ tất cả đồng đội của ông trong Tiểu đội xe thồ Ỷ La năm ấy đã không còn vì tuổi cao sức yếu, chỉ còn lại mình ông. Những ngày này, kỷ vật Điện Biên lại làm ông nhớ đồng đội khôn xiết.

Ông Nguyễn Văn Đác nâng niu
những kỷ vật Điện Biên.

Chúng tôi tìm đến với chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Văn Đác, tổ 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang), người chiến sỹ thông tin trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Kỷ vật mà ông Đác vẫn giữ vẹn nguyên tới giờ đó là bức ảnh ông cùng hai đồng đội thu chiến lợi phẩm ngày 7-5-1954 tại Điện Biên Phủ. Bức ảnh đen trắng, ông Đác đem phóng to treo trang trọng trong nhà. Ông kể lại, làm anh lính thông tin phải đi trước về sau. Trời tháng 3, tháng 4 mưa không ngớt, dưới hầm hào, bùn đất lầy lội, quần áo ướt sũng nhưng ông và đồng đội đều ý thức được “thông tin là huyết mạch trong chiến dịch” nên dù gian khổ ông và đồng đội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Đác cầm tấm ảnh mà mắt rưng rưng: “Cả cuộc đời tôi không thể quên giây phút ấy. Giây phút chiến thắng, tôi và đồng đội được cử vào hầm Đờ Cát để thu hoạch điện đài của địch. Chúng tôi vui mừng khôn xiết sau bao nhiêu ngày chiến đấu gian khổ cuối cùng chúng tôi cũng chiến thắng”.

 

Những kỷ vật Điện Biên, ông Đác luôn trân trọng và cất giữ.

Những ngày tháng 5 lịch sử, ông Nguyễn Văn Yên, 91 tuổi, tổ An Hòa 2, phường An Tường lại bồi hồi nhớ về kỷ niệm chiến trường Điện Biên. Vợ chồng ông cất kỹ những huy chương về chiến thắng Điện Biên Phủ trong một chiếc hộp để thi thoảng lại khoe với con, cháu. Ông Yên làm nhiệm vụ lái xe kéo pháo từ Sơn La lên chiến trường Điện Biên từ tháng 12 -1953 đến tháng 5 -1954.

Ông Nguyễn Văn Yên và vợ ôn lại kỷ niệm Điện Biên.

Ông Yên bảo, cho đến giờ ông vẫn không quên được giây phút chiến thắng, ai có gì dùng nấy, từ nồi niêu, xoong chảo mang ra tạo nên những âm thanh vang đội mừng chiến thắng. Nhưng hạnh phúc và xúc động nhất là khi ông được gắn Huy chương Chiến sỹ Điện Biên lên ngực. Là người lính lái xe chở pháo nhiều lần bị địch dội bom, nhưng ông đều may mắn thoát chết và đảm bảo an toàn cho những chuyến xe vận chuyển vũ khí cho quân ta. Những chuyến xe của ông và đồng đội đều phải đi đêm, nguỵ trang bằng lá cây rừng. Nhiệm vụ của ông là vừa phải đảm bảo an toàn cho vũ khí vừa phải tuyệt đối giữ bí mật. Mỗi chuyến xe được nghe thông tin quân ta đánh thắng các cứ điểm, ông Yên lại có thêm quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kỷ vật Điện Biên được ông Yên lưu giữ cẩn thận nhiều năm liền.​

Sống giữa thời bình nhưng được nghe kể về chiến dịch Điện Biên, được nhìn thấy những kỷ vật của những người lính một thời “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, mỗi chúng ta càng thêm tự hào, khâm phục những chiến sỹ Điện Biên. Từ đó trân trọng hơn những giá trị của ngày hôm nay.

                                                                                                                                                                TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 343
Hôm qua : 301