• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trong đoàn quân năm ấy

75 mùa thu đã đi qua nhưng bằng cách này hay cách kia, trong mỗi người vẫn còn nhớ mãi khí thế của mùa thu Cách mạng Tháng Tám. Khí thế của đoàn quân giải phóng dưới gốc đa Tân Trào và lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phấp phới rầm rập lên đường. Đoàn quân tiến vào thị xã, tiến sang Thái Nguyên, các tỉnh lân cận và tiến về giải phóng Hà Nội làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những chiến sỹ của đoàn quân năm ấy trên đất Tuyên Quang giờ không còn ai, chỉ còn lại thân nhân của họ và những kỷ vật lịch sử. Thế nhưng ký ức và niềm xúc động về họ vẫn còn vẹn nguyên…

Chúng tôi trở lại ngôi nhà của cụ Trần Ngọc Khiết tức Châu Khiết, trước đây là thôn Trường Tiến, xã Ỷ La, nay là tổ 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Tại chính ngôi nhà của cụ, nay con trai của cụ đang sống, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, các đơn vị giải phóng quân, du kích, tự vệ thị xã đã tập kết lực lượng chuẩn bị lễ xuất quân trước khi tiến vào giải phóng thị xã Tuyên Quang dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa Tuyên Quang. Buổi lễ xuất quân diễn ra đúng vào 2 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, lực lượng khởi nghĩa chia làm hai hướng tấn công. Hướng tấn công thứ nhất có đơn vị của đồng chí Hồng Thái và Long Giang, do đội tự vệ, dân quân dẫn đường từ đồn điền nhà ông Châu Khiết, qua xã Tắc, tấn công xuống phía Nam thị xã, đánh trụ sở hiến binh, bao vây phía Nam thành Tuyên Quang, đồng thời khống chế đường rút lui của quân Nhật, làm nhiệm vụ chặn tiếp viện của địch từ thị xã Phú Thọ lên. Hướng tấn công thứ hai do đồng chí Trần Thế Môn phụ trách, từ đồn điền nhà ông Châu Khiết, dọc theo đường Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang và dọc đường bờ sông Lô, đến nhà thương rồi chia làm 3 cánh bao vây quân Nhật. Ngày 19-8-1945, giữa lúc trại lính Nhật bị quân ta bao vây, cụ Châu Khiết cùng với quân giải phóng chặn đánh Nhật từ Hà Giang rút về tại Km5 xã Trung Môn. Tại đây, cụ bị quân Nhật bắn và hy sinh.

                                          Các con của cụ Châu Khiết, tổ 2, phường Tân Hà xem lại những kỷ vật lịch sử.

Con trai của cụ là ông Trần Ngọc Thuận năm nay 88 tuổi thắp một nén nhang lên bàn thờ và nói: “Ngày 19-8 là ngày Tổng khởi nghĩa nổ ra cũng là ngày hy sinh của cha tôi”. Với truyền thống cách mạng, các con của cụ Châu Khiết đều trưởng thành, nay hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu. Ông Thuận chỉ cho chúng tôi khoảnh vườn trước nhà, đây chính là địa điểm 75 năm trước, đoàn quân giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến vào giải phóng thị xã, giờ đã được ông trồng đầy hoa thơm.

Từ Tân Hà theo những cuốn lịch sử kể lại, chúng tôi tìm về thôn 4, phường An Tường (TP Tuyên Quang). Trong ngôi nhà của ông Hà Hưng Chiến, những cuốn hồi ký và kỷ vật về cha mình vẫn được ông Chiến giữ cẩn thận. Ông Chiến là con trai của cụ Hà Hưng Long, một trong 34 chiến sỹ trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Hồi ký của ông Long đã ghi chép lại cẩn thận về những năm tháng tham gia cách mạng. Sau khi tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông Long tham gia cả ba trận đánh đầu tiên của Đội là Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Đầu năm 1945, thực hiện chủ trương “Nam tiến” để tổng khởi nghĩa, ông được điều về làm tiểu đội trưởng tiểu đội vũ trang tuyên truyền chống Nhật ở Bắc Kạn. Sau đó, đơn vị của ông phát triển thành trung đội, được lệnh chia thành nhiều tổ tỏa đi các tỉnh miền Bắc để tuyên truyền, huấn luyện cán bộ. Ông Long được đi cùng tổ tuyên truyền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các huyện chợ Rã (Bắc Kạn), chợ Chu (Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Tổng khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra, ông Long cùng đơn vị tước vũ khí Nhật tiến về giải phóng thị xã Bắc Kạn, tạo thành gọng kìm thép tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ông Long có 7 người con, các con ông đều thành đạt, có công việc ổn định. Mỗi khi kể về cha mình, ông Chiến lại lật giở từng dòng hồi ký của cha để hồi tưởng lại và không khỏi tự hào.

Chúng tôi xuôi về mảnh đất thiêng Tân Trào để gặp cụ Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập. Nói về những ngày trước Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, cụ Ngọc hăng say kể. Cụ bảo: “Khi Bác Hồ về đây lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa, tôi mới chỉ là cậu bé lên 10 tuổi nhưng vẫn nhớ cái không khí lúc ấy. Bà con trong thôn ai cũng sẵn sàng, ủng hộ tất cả cho cách mạng. Chiều ngày 16-8, hàng trăm người tề tựu dưới gốc đa Tân Trào để chuẩn bị làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ai cũng chung một lòng quyết tâm đánh giặc”.

Nhà văn Phù Ninh kể lại: “Trước tình hình Nhật đảo chính Pháp, Phân khu ủy Nguyễn Huệ quyết định tổ chức cuộc khởi nghĩa giải phóng châu Sơn Dương và thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do. Từ đây, lực lượng vũ trang phát triển nhanh chóng và trở thành lực lượng nòng cốt tiến về giải phóng thị xã, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các đoàn thể quần chúng, ủng hộ quân giải phóng. Vì vậy, trước khi Tổng khởi nghĩa nổ ra, tại thị xã Tuyên Quang, phong trào ủng hộ cho cách mạng của các tầng lớp nhân dân, kể cả địa chủ diễn ra rất sôi nổi. Có người không quản hiểm nguy xuống sông mò vũ khí, đột nhập vào kho vũ khí của Nhật, vào bệnh viện lấy thuốc men để mang ủng hộ cho quân giải phóng”.

Tìm về dòng lịch sử hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, trực tiếp gặp gỡ thân nhân và nghe kể lại câu chuyện về những chiến sỹ từng tham gia cuộc tổng khởi nghĩa càng thêm tự hào về cha anh và hiểu thêm một bài học về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quân và dân. Trong nhiều nguyên nhân làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám đó chính là Đảng đã đào tạo những cán bộ xuất sắc làm lực lượng nòng cốt, tiên phong cho cách mạng và biết phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, sự ủng hộ hết mình của nhân dân. 

Theo TQĐT


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 515
Hôm qua : 579