• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẹn nguyên cảm xúc ngày độc lập

75 năm đã đi qua nhưng những cảm xúc ngày Tết độc lập trong cái nắng Ba Đình mùa thu năm ấy vẫn vẹn nguyên trong mỗi thế hệ. Người già thì nhớ về ngày độc lập của dân tộc qua ký ức còn người trẻ thì qua sách vở và những câu chuyện kể song tất cả đều chung niềm hân hoan, tự hào về ngày Tết độc lập của dân tộc.

Theo dòng lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà của Đại tá Nguyễn Văn Sinh, 91 tuổi, tổ 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) - người lính vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Ông Sinh tuy đã già yếu nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn, từng lời kể vẫn rành rọt. Năm 1945, ông Sinh khi ấy mới 15 tuổi nhưng không khí hào hùng của ngày Quốc khánh vẫn in đậm vào trí nhớ của ông đến giờ. Ông Sinh kể, trước ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, không khí khắp nơi rộn ràng lắm. Nhà nào nhà nấy cũng hân hoan. Hồi ấy không có đài, có ti vi nên mọi người chỉ truyền tai nhau và được nghe Việt Minh tuyên truyền. Dẫu vậy ai cũng phấn khởi, già trẻ, gái trai đổ ra khắp các con đường, hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Không khí ấy mãi khắc sâu vào trí nhớ của cậu bé như ông. Để rồi hình ảnh người chiến sỹ cách mạng trở thành thần tượng mà ông Sinh theo đuổi. Ông bảo: “Khí thế của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã thôi thúc tôi lên đường nhập ngũ khi 19 tuổi”. Ông vào bộ đội và được cử lên biên giới Cao Bằng lấy vũ khí về cho cách mạng ở đồng bằng. Ông phấn đấu và chiến đấu hết mình. Sau đó ông Sinh được bổ sung vào Trung đoàn 246 là Trung đoàn bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu ATK. Lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ tại Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ II tại Hà Nội. Hai lần sau ông được gặp Bác khi Người trở lại thăm Tuyên Quang năm 1961. 

 

Các em học sinh trường THCS Tân Trào (Sơn Dương) tham quan Bảo tàng Tân Trào để tìm hiểu rõ hơn về ngày Quốc khánh của dân tộc.

Chúng tôi đến gặp ông Đỗ Tiến, tổ 16, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). Cũng đã ở cái tuổi gần 90 nhưng ông Tiến vẫn nhớ như in không khí ngày Quốc khánh mùa thu năm 1945. Khi ấy, ông Tiến 14 tuổi, ông tham gia vào Đội Nhi đồng cứu quốc. Đúng ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, ông cùng các thành viên trong Đội Nhi đồng theo các tổ chức cách mạng đi diễu hành dọc các con phố của khu chợ Tam Cờ, đường Tân Quang. Đi đến đâu, Đội Nhi đồng cũng đi trước. Ông còn cùng các thành viên trong Đội len lỏi vào rạp chiếu phim, nhà hát để rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng và ngày độc lập giành chính quyền trong cả nước. Từng đoàn người đi diễu hành dưới lá cờ đỏ sao vàng như những dòng thác đổ về trung tâm của khu chợ Tam Cờ, ai nấy cũng sục sôi khí thế cách mạng. Được chứng kiến khí thế cách mạng sôi nổi ấy, ông Tiến quyết tâm lên đường nhập ngũ vào bộ đội. Ông tham gia nhiều cuộc chiến đấu như Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và sau này khi đất nước thống nhất, ông là giảng viên của Học viện Lục quân. Ông Tiến chia sẻ: “Những năm tháng còn trẻ, chính khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã ghi sâu vào tôi để từ đó cho tôi ý chí, khát khao hiến dâng tuổi xuân cho cách mạng”.

 

Đại tá Nguyễn Văn Sinh, tổ 7, phường Hưng Thành kể lại khí thế cách mạng trong ngày Quốc khánh 2-9-1945 cho đoàn viên thanh niên.

Xuôi theo dòng sông Phó Đáy, chúng tôi tìm về làng Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Trong ngôi nhà của bà Hoàng Thị Mai, con dâu của cụ Nguyễn Tiến Sự, một cảm xúc thiêng liêng cứ vấn vít bên câu chuyện của bà. Bà Mai kể, khi các cụ thân sinh ra bà và chồng bà còn sống vẫn kể lại cho con cháu rằng, ngày 2-9-1945, tuy không được nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vì lúc ấy nghèo, chẳng có ti vi hay đài nhưng cả làng đều được cán bộ Việt Minh thông báo nên ai nấy đều dậy từ rất sớm. Ai cũng muốn mặc những bộ quần áo đẹp nhất rồi cùng rủ nhau tề tựu dưới đình làng để chuyện trò và cùng hướng về Ba Đình.

Khí thế của mùa thu độc lập cách đây 75 năm không chỉ còn đọng lại vẹn nguyên trong cảm xúc của những người lính. Ở họ mãi vẫn là niềm tự hào sắt son về Đảng và Bác Hồ. Với thế hệ trẻ hôm nay, những người được sinh ra trong hòa bình, họ chỉ biết về mùa thu độc lập qua những câu chuyện kể, qua hồi ức nhưng cũng tràn đầy niềm tự hào về thế hệ cha anh. Em Trần Quốc Khánh, tổ 4, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) sinh ra đúng vào ngày 2-9. Khánh nói: “Em luôn tự hào vì mình sinh ra đúng ngày độc lập của dân tộc. Vì vậy em ý thức mình phải sống và học tập thật tốt để xứng đáng với truyền thống của cha anh”. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 chị em Khánh ăn học nên ngoài giờ học trên lớp, Khánh còn giúp mẹ bán hàng ở chợ Tam Cờ để lấy tiền đi học, phụ giúp bà ngoại làm việc nhà. Nhiều năm liên tục, Khánh là học sinh khá, giỏi của nhà trường.

Cô giáo Đỗ Thị Thùy Ly, Tổng Phụ trách Đội trường THCS Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, những năm qua, khơi dậy niềm tự hào cách mạng của học sinh, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống như sinh hoạt liên đội dưới cờ, trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, thi viết và kể chuyện về Đảng, Bác Hồ, vẽ tranh chủ đề “Tự hào Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” tới các đội viên.

Niềm tự hào về ngày Quốc khánh của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác chính là dòng cảm xúc bất tận, là tài sản tinh thần vô giá làm nên quyết tâm, ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành mọi nhiệm vụ. Mỗi mùa thu về, trong mỗi chúng ta lại thấy rạo rực, bồi hồi, nhớ về lịch sử hào hùng và thêm yêu quê hương, đất nước…

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 221
Hôm qua : 353