A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá xăng dầu, vật liệu tăng, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Giá các mặt hàng xăng, dầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nay càng khó khăn hơn.

Từ ngày 1-4, dù mỗi lít xăng dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng giá xăng vẫn liên tục tăng cao và lập mốc kỷ lục sau kỳ điều chỉnh ngày 23-5. Theo đó, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, tăng thêm 670 đồng/lít lên mức 31.260 đồng/lít; E5 RON 92 tăng thêm 680 đồng/lít lên mức 30.220 đồng/lít.

Giá xăng tăng cao nhất trong nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh thêm khó khăn. Bởi giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào nên khi xăng, dầu biến động về giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp. Anh Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Yến chia sẻ, hiện công ty đang vận hành 20 đầu xe kinh doanh vận tải hành khách. Hiện dịch bệnh được kiểm soát, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu hồi phục. Tuy nhiên, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao khiến đơn vị bị ảnh hưởng. Đơn cử như tuyến Na Hang – Hà Nội dài trên 230km/lượt, khi chưa tăng giá, chi phí xăng dầu khoảng 3,2 triệu đồng/2 chiều thì nay tăng lên khoảng 4,5 triệu đồng/2 chiều. Hoặc như tuyến Tuyên Quang - Hà Nội, chi phí xăng dầu cũng tăng từ 2,5 triệu đồng lên 3,8 triệu đồng/2 chiều. Trong khi giá vé lại không tăng, mỗi chuyến đơn vị phải bù chi phí xăng dầu từ 1,3 – 1,5 triệu đồng/đầu xe.

Bán lẻ xăng dầu tại thành phố Tuyên Quang.

Là doanh nghiệp taxi có thị phần lớn trên địa bàn tỉnh, anh Nguyễn Xuân Thành, Công ty TNHH Thành Tín cho biết, hiện công ty đang có khoảng 50 đầu xe taxi. Thời gian qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách sử dụng taxi sụt giảm mạnh, làm giảm doanh thu của công ty cũng như thu nhập của lái xe. Giờ giá nhiên liệu đầu vào liên tục được điều chỉnh tăng, trong khi giá xăng, dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Thời điểm này, giá cước taxi của đơn vị chưa điều chỉnh tăng, tuy nhiên, nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục giữ giá như hiện nay hoặc điều chỉnh tăng thêm thì việc điều chỉnh tăng giá cước vận tải là bắt buộc và phải tăng tối thiểu 5 - 10% nữa thì mới đảm bảo thu nhập cho đơn vị và các lái xe. 

Giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều gia đình đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày. Chị Hoàng Thị Thu Trang, tổ 4, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, nơi làm việc của chị cách nhà hơn 15 km nên bình thường chi phí đi lại cũng khá tốn kém, giá xăng tăng, khiến gia đình thêm chi phí sinh hoạt, trong khi đồng lương vẫn vậy. Không những vậy, giá xăng tăng khiến cho các chi phí vận chuyển tăng theo, giá các loại lương thực, thực phẩm cũng tăng lên gần 20% so với trước. Để đảm bảo cuộc sống, gia đình chị đã phải thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt hàng ngày, chi tiêu của gia đình sẽ phải thắt chặt hơn nữa.

Cùng với giá xăng tăng, hàng loạt nguyên, vật liệu xây dựng khác như cát, bê tông, đá, xi măng, gạch, sơn... cũng liên tục điều chỉnh gây rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, hiện giá xi măng thêm 40.000-70.000 đồng/tấn lên 1 triệu – 1,2 triệu đồng/tấn; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; cát xây 200.000 nghìn đồng/m3; cát bê tông 220.000 nghìn đồng/m3; sơn nước tăng 1,2 lên 1,4 - 1,7 triệu đồng/thùng; sàn gỗ công nghiệp từ 300.000 tăng lên 350.000 đồng/m2; giá sắt, thép có giá dao động từ 19,3- 19,8 triệu đồng/tấn; các mặt hàng trang trí nội thất cũng tăng giá 10-20% so với thời điểm đầu tháng 4.

Ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Tân Bình (TP Tuyên Quang) nói, hơn chục năm nay, giá thép, vật liệu xây dựng mới lại tăng mạnh như thế này. Năm trước, có công trình khi đơn vị trúng thầu thép chỉ khoảng 16 triệu đồng/tấn nay đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn. Những công trình sử dụng hàng trăm tấn thép chi phí tăng thêm không nhỏ. Không chỉ có vậy, giá xi măng, cát, sỏi, nhân công cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, hợp đồng ký với chủ đầu tư lại theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định nên doanh nghiệp không chỉ giảm lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Trước sức ép từ dịch bệnh, giá nhiên liệu, vật liệu tăng cao, người dân và các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các bộ ngành chức năng có biện pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm giữ nhịp tăng trưởng bền vững.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 35
Hôm qua : 17