Theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, từ xưa đến nay lễ tang là nơi thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu, nghĩa tình và sự kính trọng của xóm làng và thân hữu dành cho người đã khuất. Bởi vậy, lễ tang cũng là một biểu hiện nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội. Việc tổ chức lễ tang vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của dân tộc, vừa được cách tân ngày càng vǎn minh theo sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên từ phong tục, những năm qua, không ít nơi vẫn còn nhiều thủ tục nặng nề, khi gia đình có việc tang đều tổ chức ăn uống linh đình, kèm theo nhiều hủ tục lạc hậu hoặc phô trương gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Gây ra những hệ lụy không đáng có cho cả gia đình và cộng đồng, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng hướng đến thực hiện các nội dung nếp sống văn minh trong việc tang gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Từ tình huống thực tế
Tình huống thực tế về công tác dân vận tại tổ dân phố 2 xảy ra vào hồi tháng 12 năm 2023 trên địa bàn phường An Tường là nhà Ông Dinh có người qua đời nhưng lại không muốn tổ chức tang lễ theo nếp sống văn minh vì mang nặng quan niệm nhà có điều kiện phải làm thật hoành tráng, bề thế phô trương tốn kém. Với tình huống về công tác dân vận nêu trên, để thay đổi được thói quen, tạo dựng nếp sống văn minh của người dân, nhất là trong việc tang là điều rất khó.
Sự đồng bộ vào cuộc của cả hệ thống
Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, để người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Các mô hình đã chủ động đổi mới đa dạng các hình thức tuyên truyền, lồng ghép ghép tuyên truyền tại 295 cuộc họp Ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm tại tổ dân phố, sinh hoạt các câu lạc bộ thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ thu hút trên 11.500 lượt người nghe. Đặc biệt các mô hình đã ứng dụng hình thức công nghệ thông tin bằng điện thoại thông minh qua mạng xã hội như trang zalo của Tổ dân phố, ban công tác Mặt trận kết nối đến từng hộ gia đình đồng thời tuyên truyền qua hình ảnh trực quan, sinh động cụ thể là mỗi mô hình đều đặt 01 cặp biển (việc tang) sử dụng trong đám tang với tổng kinh phí gần 5 triệu đồng từ nguồn các khu dân cư tự đầu tư.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đảng viên gương mẫu đi đầu tuyên truyền, thực hiện, Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn phường An Tường có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi MTTQ phường triển khai và xây dựng mô hình khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Chỉ tính từ tháng 5/2023 đến nay, trên địa bàn phường có 96 đám tang được diễn ra. Việc tổ chức tang lễ cũng được thực hiện đơn giản, tiết kiệm, song vẫn đảm bảo sự tôn kính, trang nghiêm với người đã khuất. 100% các đám tang đều thực hiện không mời thuốc lá, không tổ chức ăn uống linh đình. 100% tổ dân phố đều thành lập Ban tang lễ có đại diện của chính quyền cơ sở, gia đình tang chủ, hội người cao tuổi, cơ quan, đoàn thể. Ban tang lễ xây dựng nội dung chương trình và điều hành việc tang theo nếp sống văn hoá. Đối với hội viên của Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh khi qua đời đã được tổ chức Hội phúng viếng chu đáo, có trang phục nghi lễ để tiễn đưa hội viên của mình về nơi an nghỉ cuối cùng đầy tình nghĩa, thắm tình đồng đội.
Thành quả từ công tác Dân vận khéo
Trong thực hiện việc tang có trên 90% gia đình có người thân qua đời thực hiện hình thức phúng viếng vòng hoa luân chuyển. Không có hiện tượng rải vàng mã, tiền Việt Nam đồng. Trên 95% gia đình sử dụng nhạc hiếu. Đặc biệt đối với đám tang của cán bộ lão thành cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng đều được các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể địa phương đứng ra tổ chức chu đáo. Các trường hợp tang chủ gặp khó khăn về kinh tế, neo đơn không nơi nương tựa đều được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương đứng ra giúp đỡ. Hiện trên địa bàn phường An Tường có 19 mô hình khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Qua thực tế có thể khẳng định rằng, việc thực hiện văn minh việc tang trên địa bàn phường An Tường đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, là cơ sở nền tảng để xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.
Để tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong thời gian tới, phường An Tường tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, gắn với thực tiễn cuộc sống của người dân để nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình điểm, đưa việc thực hiện văn minh trong việc tang thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân. Tiếp tục thực hiện văn minh trong việc tang lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác giám sát, phát hiện, phê phán đối với các gia đình, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang góp phần xây dựng phường An Tường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Tác giả: Nguyễn Thị Hoài Phương - Đảng bộ phường An Tường