GIỚI THIỆU CHUNG VỀ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

03/05/2022 - 09:27
166

Thành phố Tuyên Quang là một trong 7 đơn vị hành chính của tỉnh Tuyên Quang. Trong suốt tiến trình lịch sử, địa bàn thành phố luôn là thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Tuyên Quang.

 Vị trí địa lý

     Nằm ở phía nam, thuộc vùng thấp của tỉnh Tuyên Quang; cách Thủ đô Hà Nội 165km về phía nam theo quốc lộ 2; cách thành phố Hà Giang 154 km về phía bắc theo quốc lộ 2; cách thành phố Thái Nguyên 60 km về phía đông theo quốc lộ 37; cách thành phố Yên Bái 40 km về phía tây theo quốc lộ 37.
Diện tích tự nhiên là 184,38 km2; gồm 10 phường (Tân Quang, Minh Xuân, Phan Thiết, Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến, An Tường, Đội Cấn và Mỹ Lâm) và 5 xã (Tràng Đà, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long, Kim Phú).
Địa giới hành chính: Phía bắc giáp xã Tân Long, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn. Phía nam giáp xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn và xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương. Phía đông giáp xã Thái Bình, xã Tiến Bộ huyện Yên Sơn và xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương. Phía tây giáp các xã Trung Môn, Hoàng Khai, Nhữ Hán, huyện Yên Sơn.
Thành phố Tuyên Quang là đầu mối giao thông trong tỉnh và liên tỉnh giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam. Trên địa bàn có các tuyến quốc lộ và đường tỉnh chạy qua: quốc lộ 2 dài 20km, nối Tuyên Quang với Hà Nội qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc về phía nam, với Hà Giang về phía bắc; quốc lộ 37 dài 11km nối Tuyên Quang với Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc; với Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và các tỉnh Đông Bắc; quốc lộ 2C dài 9,1km; đường tỉnh ĐT.186 dài 4 km.
Đường thủy có sông Lô, tàu lớn xuôi tới Việt Trì, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mùa mưa, tàu nhỏ có thể ngược sông Lô lên đến thành phố Hà Giang; hoặc ngược sông Gâm lên đến Chiêm Hóa... rất thuận lợi để giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Đặc điểm địa hình
     Địa hình được phân bố thành 2 vùng rõ rệt: Vùng có địa hình tương đối bằng phẳng tập trung chủ yếu ở các phường Tân Hà, Ỷ La, Hưng Thành, Phan Thiết, Minh Xuân, Tân Quang và xã An Tường. Vùng đồi núi tập trung ở các xã, phường Nông Tiến, Tràng Đà, An Khang, Thái Long, Đội Cấn, Lưỡng Vượng. Hệ thống đồi núi chủ yếu là đồi núi thấp, có độ cao từ 75 m - 200 m so với mực nước biển.
Ngoài ra, thành phố được bao bọc bởi dãy núi Dùm có đỉnh cao nhất 529 m ở phía đông bắc; dãy núi Là, đỉnh cao nhất 948 m ở phía tây bắc và phía đông nam là dãy núi Nghiêm, đỉnh cao nhất 482 m.
Nguồn nước từ ba dãy núi cao đổ về sông Lô chảy ngang qua thành phố tạo thành hệ thống ngòi, suối, ao hồ tương đối dày, gồm suối Là, suối Chả, suối Thục, suối Kỳ Lãm, suối Yên Lĩnh, suối Thôn Thượng, hồ Tân Quang, hồ Cô Ve, hồ Trung Việt, hồ Kỳ Lãm... Đặc biệt, có dòng sông Lô chảy qua trung tâm thành phố theo hướng bắc - nam (từ Ghềnh Gà đến Tân Tạo), dài gần 20km.
Sự ưu đãi của thiên nhiên đã mang lại sắc thái một đô thị đặc thù có rừng, có núi, có sông, có suối; tạo nét đặc sắc về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và sự cân bằng về môi trường sinh thái cho thành phố Tuyên Quang.
Khí hậu: Thành phố Tuyên Quang nằm ở khu vực phía đông bắc của vùng núi Việt Bắc - Hoàng Liên Sơn nên khí hậu mang nét đặc trưng của vùng khí hậu miền núi phía Bắc, đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều.

Dân số và quá trình phát triển dân số, gắn với điều chỉnh địa giới hành chính
     Với vị trí địa lý quan trọng, dưới thời phong kiến, địa bàn thành phố Tuyên Quang ngày nay đã sớm trở thành nơi tụ cư của người Kinh, Tày, Cao Lan...
Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, việc thiết lập bộ máy cai trị thực dân đã làm thay đổi cơ cấu dân số và kết cấu dân cư trên địa bàn: Có số quan lại trong bộ máy hành chính và nhân viên giúp việc; khu mỏ có công nhân người Kinh, công nhân đồn điền; khu phố, chợ... thu hút thương nhân, thị dân đến buôn bán, lập nghiệp; ngoài ra, còn có binh lính, cai đội, cha cố và một bộ phận giáo dân...
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thị xã Tuyên Quang chỉ có hai khu phố Xuân Hòa và Tam Cờ, nằm ở bên hữu ngạn sông Lô, với diện tích khoảng 1km2. Tháng 5/1948, do điều kiện kháng chiến, Chính phủ tạm thời giải thể thị xã Tuyên Quang. Thời kỳ này, dân cư thưa thớt; phần lớn là người lao động, buôn bán nhỏ sống tập trung ở cảng sông Tam Cờ, hữu ngạn sông Lô.
Tháng 2/1955, Thủ tướng Chính phủ ra nghị định tái lập thị xã Tuyên Quang. Địa giới thị xã gồm thị xã Tuyên Quang cũ và hai thôn Minh Tân, Cầu Lườn của xã Ỷ La (huyện Yên Sơn). Hình thành 5 khu phố là Minh Tân, Xã Tắc, Tam Cờ, Xuân Hòa, Quang Trung; dân số trên 7.500 người.
Trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954), có thêm cán bộ, nhân viên các cơ quan Trung ương từ Hà Nội di chuyển lên đóng tại địa bàn và nhân dân từ miền xuôi sơ tán lên.
Sau năm 1954, thị xã Tuyên Quang được mở rộng, từ 01km2 (năm 1946), phát triển và mở rộng lên 43,7 km2 (năm 1968); dân số tăng lên đáng kể, trên 11.000 người, trong đó, đã tiếp nhận một lượng lớn đồng bào ở các tỉnh miền xuôi, vùng đồng bằng sông Hồng (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tây, Hưng Yên…), thực hiện chủ trương đi xây dựng kinh tế miền núi phía Bắc chuyển lên sinh sống.
Tháng 7/1968, thị xã Tuyên Quang được mở rộng, sáp nhập thêm 4 xã: Ỷ La, Hưng Thành, Nông Tiến, Tràng Đà thuộc huyện Yên Sơn. Dân số tăng thêm trên 8.500 người.
Thời kỳ tỉnh Hà Tuyên, năm 1984 dân cư thị xã Tuyên Quang có 44.400 người.
Năm 1991, Tuyên Quang tái lập tỉnh, thị xã Tuyên Quang trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh; số cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan hành chính nhà nước, công nhân, thương nhân, học sinh… gia tăng. Đến năm 1992, toàn thị xã có 52.400 người, so với năm 1990 tăng 2.900 người.
    Năm 2008, thị xã Tuyên Quang được điều chỉnh địa giới hành chính, nhập thêm 5 xã: An Tường, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long, Đội Cấn (thuộc huyện Yên Sơn); đồng thời, thành lập phường Ỷ La và phường Tân Hà trên cơ sở xã Ỷ La; nâng cấp hai xã Nông Tiến và Hưng Thành lên thành phường. Dân số thị xã đạt mức gần 100.000 người, tăng gần gấp 2 lần so với năm 1990.
Năm 2010, thành phố Tuyên Quang được thành lập, gồm 7 phường nội thị (Tân Quang, Minh Xuân, Phan Thiết, Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến) và 6 xã ngoại thị (Tràng Đà, An Tường, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long, Đội Cấn). Dân số trên 110.000 người.
Đến tháng 1/2020, thành phố tiếp tục được điều chỉnh địa giới hành chính , nhập thêm xã Kim Phú, Phú Lâm và thị trấn Tân Bình (thuộc huyện Yên Sơn) vào thành phố; thành lập phường Đội Cấn trên cơ sở xã Đội Cấn và thị trấn Tân Bình; thành lập phường Mỹ Lâm trên cơ sở xã Phú Lâm; thành lập phường An Tường trên cơ sở xã An Tường. Sau điều chỉnh, dân số thành phố có trên 191.000 người.


Các dân tộc
    Thành phố Tuyên Quang có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 3 dân tộc có số dân đông là dân tộc Kinh, dân tộc Tày và nhóm Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay.

bình luận

Bài viết liên quan

Tìm kiếm

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: UBND Thành phố Tuyên Quang

Đơn vị thường trực: Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Thành phố Tuyên Quang

Trưởng Ban biên tập: Bà Vũ Quỳnh Loan - Thành uỷ viên - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố

Địa chỉ: Phường An Tường, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.

Điện thoại hỗ trợ: (02073) 823 300 - Fax: (02073) 823 300

Email: thanhpho@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang