I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc về mục tiêu, nội dung, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; qua đó, góp phần tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Yêu cầu
Công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền phải được triển khai nghiêm túc, với hình thức phong phú, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với việc xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.
II. NỘI DUNG HÌNH THỨC NGHIÊN CỨU, QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền
1.1. Về nội dung cốt lõi của cuốn sách
- Phần thứ nhất: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc”: Gồm 19 bài viết, bài phát biểu của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị công tác tư tưởng, văn hóa toàn quốc... tập trung làm rõ nội hàm khái niệm, nội dung, mục tiêu xây dựng và phát triển văn
hóa; khái quát những thành tựu, hạn chế, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam.
- Phần thứ hai: “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững”: Gồm 73 bài phát biểu, bài viết, thư... của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa (văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; báo chí, xuất bản...); quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa.
- Phần thứ ba: “Từ luận điểm văn hóa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống”: Tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân qua nghiên cứu, học tập và triển khai cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xác định các giải pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.
1.2. Về giá trị căn bản của cuốn sách
- Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu quý giá; hệ thống hóa, khái quát hóa các chủ trương, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương thức triển khai đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung của tác phẩm là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa.
- Cuốn sách đã phân tích, làm rõ quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đúc rút những vấn đề có tính quy luật khách quan, có giá trị định hướng sâu sắc về xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới; trọng tâm là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; là một công trình có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” về công tác xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.
- Cuốn sách bao gồm những chỉ đạo cụ thể, những thông điệp sâu sắc đối với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa; đồng thời khắc họa sâu sắc tầm văn hóa cao rộng của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; có sức lay động lớn, truyền cảm hứng và niềm tin, nhân lên quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
2. Hình thức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền
2.1. Tổ chức hội nghị, hội thảo nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách
- Tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối Hội nghị Báo cáo viên Trung ương toàn quốc, thông tin giới thiệu nội dung cuốn sách, giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
- Thời gian thực hiện: Trong quý IV năm 2024 (theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh).
2.2. Tổ chức sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ chuyên đề về nội dung cuốn sách
- Tổ chức các hình thức sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ chuyên đề, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội để nghiên cứu, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm đổi mới đất nước, xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2024 và đầu quý I năm 2025; tập trung cao điểm vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh và của thành phố.
2.3. Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu về nội dung cuốn sách do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức
- Tuyên truyền rộng rãi, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về nội dung cuốn sách.
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2024 và đầu quý I năm 2025.
2.4. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến về nội dung cuốn sách
- Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến về nội dung cuốn sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, mạng xã hội, thông qua đội ngũ báo cáo viên thành phố, tuyên truyền viên cơ sở.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, trọng tâm trong quý IV năm 2024.
Ban Biên tập