Giữ đoàn kết như giữ con ngươi mắt mình
Lời dặn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng, trước hết khẳng định vị trí, vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Người khẳng định hai yếu tố quan trọng giúp cho Đảng có khả năng tổ chức, lãnh đạo, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp cách mạng là sự đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và Đảng một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Toàn cảnh TP. Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ sức mạnh to lớn của đoàn kết. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở của đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, là sức mạnh của Đảng và là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Do đó, trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết được Bác đặt lên hàng đầu, coi giữ đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình, giúp cho Đảng sáng suốt trong tổ chức, lãnh đạo nhân dân, trong xác định đường lối cách mạng.
Tự phê bình và phê bình
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách thức, phương pháp để thực hiện đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đó chính là “Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây không chỉ là sự đúc kết, khái quát mang tầm lý luận sâu sắc mà còn là biểu hiện tầm cao trí tuệ Hồ Chí Minh.
Phê bình và tự phê bình không những để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, làm cho đảng viên tiến bộ và mạnh lên mà còn khẳng định Đảng thật sự chân chính. Khi căn dặn về thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng, Người lưu ý phải tiến hành “thường xuyên và nghiêm chỉnh”. Bởi lẽ, sự phê bình và tự phê bình không kịp thời, không nghiêm chỉnh, phê bình qua loa, hình thức, “dĩ hòa vi quý” thì không có hiệu quả, phản tác dụng.
Một nội dung rất nhân văn trong lời dạy của Bác là “phải có tình thương yêu lẫn nhau”. Bởi trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được “dân chủ rộng rãi”, việc phê bình mới thực chất. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để sát phạt, hạ bệ nhau.
“Cái gốc” của người cán bộ
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Vì đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đạo đức cách mạng chính là cơ sở giúp đảng viên và cán bộ giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn rộng lớn của một lãnh tụ thiên tài. Người đã từng nhắc nhở, thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người... còn lẩn khuất đâu đó bằng sự dối trá với chính mình, với tập thể và cộng đồng thì đó là “kẻ thù nội xâm” nguy hiểm khôn lường.
Thực hiện Di chúc Bác Hồ, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng đã tạo sức mạnh, sự thống nhất ý chí, hành động, lãnh đạo toàn dân tộc đánh thắng các kẻ thù ngoại xâm; đưa đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.
Nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định được ban hành và tổ chức thực hiện đã cho thấy quyết tâm của Đảng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh theo Di chúc Bác Hồ. Tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa IX, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII…
Nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, làm căn cứ quan trọng để xử lý những cán bộ mắc sai phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý cán bộ sai phạm được thực hiện theo đúng phương châm “không vùng cấm”, “không ngoại lệ”. Nhiều vụ án nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử nhanh chóng, đúng người đúng tội, thể hiện quyết tâm rất lớn cũng như năng lực, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện.
Xuân Giáp Thìn đã đến với bao ước vọng và quyết tâm mới. Tự hào có Bác từ những năm đầu cách mạng tháng Tám và cả trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã và đang nỗ lực thực hiện tốt Di chúc của Người; làm cho đất thiêng Tuyên Quang ngày thêm tỏa sáng.
TQĐT