Những chuyển động trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga thời gian gần đây và đối sách của Việt Nam

03/10/2024 - 08:22
96

Mỹ, Trung Quốc, Nga là ba chủ thể lớn có tầm ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ nhất đến cục diện và sự phát triển của thế giới. Bằng cách tận dụng các thế mạnh bổ sung về kinh tế, an ninh và chính trị, trong thời gian qua Trung Quốc và Nga ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau để đối phó với Mỹ và phương Tây, hướng tới việc định hình lại trật tự thế giới.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể kéo theo cạnh tranh giữa các cường quốc tiếp tục gia tăng, đòi hỏi các bên phải có chính sách và tầm nhìn chiến lược để quản lý cạnh tranh một cách phù hợp vì sự ổn định toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, ngày 16/5/2024.

1.  Những chuyển động trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc- Nga thời gian gần đây

Quan hệ Nga - Trung Quốc thời gian gần đây liên tục được củng cố, tăng cường cả về chính trị, kinh tế, quân sự. Về chính trị,Trung Quốc và Nga đã thể hiện lập trường ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề an ninh, chủ quyền trên trường quốc tế. Trung Quốc tuyên bố trung lập trong cuộc chiến tại Ukraine và chưa bao giờ chỉ trích Nga. Nga ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” và phản đối vấn đề Đài Loan độc lập. Hai bên đồng thời chỉ trích Mỹ, quốc gia đang có nhiều khác biệt với cả Bắc Kinh và Moscow trong nhiều vấn đề mang tính chiến lược.

Về kinh tế, Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. 5 năm qua, kim ngạch song phương giữa hai nước đã tăng gấp đôi, từ 111 tỷ USD năm 2019 lên hơn 227 tỷ USD năm 20231. Tỷ trọng trao đổi thương mại song phương sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ (NDT) đã vượt 90%2. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á - Âu Carnegie Alexander Gabuev đánh giá: “Từ khi Liên Xô sụp đổ, chưa bao giờ Nga xa rời châu Âu như vậy. Trong toàn bộ lịch sử của mình, cũng chưa bao giờ Nga gắn chặt vào Trung Quốc đến thế”3.

Về quân sự, hợp tác Nga - Trung Quốc bao gồm việc mở rộng phạm vi các cuộc tập trận quân sự chung, các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không, đồng thời tăng cường phối hợp trong các khuôn khổ song phương và đa phương. Tuy nhiên, dù cam kết hợp tác “không giới hạn”, Nga và Trung Quốc khôngcó ý định thànhlập liên minh quân sự. Tổng thống Nga V. Putin cho rằng: “Cả hai nước đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, nhất quán, hướng tới trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, dựa trên luật pháp quốc tế. Chúng ta cần hướng tới một cấu trúc an ninh đầy đủ và đáng tin cậy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), không có chỗ cho các liên minh quân sự - chính trị khép kín”4.

Trong khi quan hệ Trung Quốc - Nga ngày càng thắt chặt thì quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga lại diễn biến hết sức phức tạp. Mỹ - Trung Quốc đang trong một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa một cường quốc tại vị và một cường quốc đang lên. Mỹ thúc đẩy một trật tự thế giới mới, một cấu trúc quyền lực được hình thành dưới sự lãnh đạo của Mỹ, còn Trung Quốc, với tham vọng trở thành siêu cường thế giới, thách thức vị trí thống trị của Mỹ và thay đổi trật tự thế giới hiện đại.

Tuy vậy, giữa bối cảnh xung đột và bạo lực tiếp tục diễn ra tại nhiều điểm nóng an ninh và cạnh tranh quyền lực trong quan hệ quốc tế, các diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc được nhận định là một trong những mặt tích cực của tình hình chính trị an ninh thế giới gần đây. Quan hệ hai nước đi vào giai đoạn “lành mạnh” hơn, giảm thiểu những tính toán sai lầm chiến lược hay leo thang mâu thuẫn. Nhiều chuyên gia nhận định, có một số dấu hiệu dịu bớt căng thẳng sau những cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Hai bên đã tìm cách đối thoại để quản lý cạnh tranh và bất đồng một cách có trách nhiệm hơn. Hàng loạt “ngoại giao con thoi” đã được khởi động từ giữa năm 2023.

Dấu ấn nổi bật nhất cho thấy nỗ lực hòa dịu tình hình là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2023 (APEC 2023). Tổng thống Mỹ J. Biden cho rằng, mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc là điều tốt cho thế giới. Mỹ cam kết với khu vực CA-TBD, đồng thời không tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc, mà thay vào đó là “giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa”5; Mỹ và Trung Quốc cần đảm bảo cạnh tranh giữa hai bên sẽ không biến thành xung đột và kiểm soát mối quan hệ song phương có trách nhiệm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, rằng “Các nguyên tắc cơ bản của chúng tôi trong việc xử lý quan hệ Trung - Mỹ là tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”6; “Tôi tin rằng, một khi cánh cửa quan hệ Trung Quốc - Mỹ được mở ra sẽ không bị đóng lại nữa. Một khi đã bắt đầu, sự nghiệp hữu nghị Trung Quốc - Mỹ không thể chệch hướng giữa chừng”7.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bang California, Mỹ, ngày 15/11/2023.

Trên thực tế, các cuộc họp của các nhóm công tác, tập trung vào các vấn đề kinh tế và thị trường tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đã được tổ chức. Hai nước đạt được thỏa thuận gia tăng các chuyến bay, mở rộng trao đổi trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa; khôi phục liên lạc quân sự, nối lại đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước; thành lập nhóm công tác chung về hợp tác phòng chống ma túy; hợp tác trong lĩnh vực không gian8. Đầu tháng 4/2024, các đại diện quân sự của Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc đàm phán Nhóm công tác “Thỏa thuận Tham vấn hàng hải quân sự” (MMCA) ở Hawaii (Mỹ)9.

Cho dù có một số dấu hiệu hòa dịu, Mỹ và Trung Quốc cũng không tránh khỏi những bất đồng, căng thẳng. Gần đây, tại CA-TBD, các quan hệ đối tác của Mỹ ngày càng được mở rộng, tạo nhiều sức ép cho Trung Quốc. Hiệp ước an ninh Australia - Anh - Mỹ  (AUKUS) được cho là có thể có sự tham gia của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng 3 bên thuộc AUKUS đang hợp tác với Nhật Bản trong phát triển điện toán lượng tử, vũ khí siêu thanh, AI và công nghệ mạng10. Hàn Quốc cũng đã đàm phán tham gia một phần thỏa thuận AUKUS11. Mỹ có cuộc tập trận quân sự chung với Đài Loan12 và tổ chức tập trận bắn đạn thật cùng vớiPhilippines13.Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc các đối tác trong thỏa thuận AUKUS kích động chia rẽ và làm tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương.Trung Quốc cũng có các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.

Về cuộc chiến Nga - Ukraine, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang giúp đỡ Nga trong một loạt lĩnh vực, bao gồm cung cấp vũ khí sát thương, sản xuất chung máy bay không người lái, năng lực hoạt động trên không gian và xuất khẩu máy gia công quan trọng để sản xuất tên lửa đạn đạo. Vì thế Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, kinh tế, quốc phòng Nga vẫn đứng vững. Trong khi đó, Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc của Mỹ, cho đó là “cáo buộc vô căn cứ” và nhấn mạnh Trung quốc không phải bên gây ra hay tham gia chiến sự Ukraine, “cũng chưa bao giờ đổ thêm dầu vào lửa”14.

Mỹ không ủng hộ Trung Quốc cải thiện mối quan hệ với châu Âu. Sau chuyến thăm ba nước châu Âu là Pháp, Hungary và Secbia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho rằng, Trung Quốc không thể vừa cải thiện quan hệ với phương Tây, vừa ủng hộ Nga. “Trung Quốc không thể lựa chọn cả hai. Họ không thể vừa muốn có quan hệ tốt hơn với châu Âu và các nước khác, vừa tiếp động lực cho mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu một thời gian dài”15.

Đặc biệt, khi Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt mối quan hệ qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga V. Putin, Mỹ đã ra ngay lời cảnh báo. Trong một cuộc trao đổi trực tuyến ngày 16-5 với người đứng đầu văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Bắc Kinh ngày càng tăng cường hợp tác với Moscow16.

Với Nga, trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã cho thấy có những chỉ dấu phần nào cải thiện quan hệ với Nga, như thúc đẩy gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” và đối thoại song phương cấp cao về ổn định chiến lược. Tuy nhiên, kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, quan hệ Nga - Mỹ đã bị đẩy xuống mức thấp nhất chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và khó có hy vọng cải thiện.

Mỹ cùng đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt lên hàng ngàn mục tiêu, nhắm vào tổ hợp công nghiệp quân sự và doanh thu của Nga. Vào tháng 2, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Lệnh trừng phạt này sẽ tấn công “Nga, những cá nhân hỗ trợ và cỗ máy chiến tranh của nước này”17. Ngày 01/5, Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có gần 200 mục tiêu được áp đặt từ Bộ Tài chính và hơn 80 mục tiêu được chỉ định từ Bộ Ngoại giao Mỹ18.

Các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật được Nga coi là những nỗ lực nhằm đáp lại những đe dọa của phương Tây triển khai bộ binh tới Ukraine và thực hiện các bước đi khác gây nguy cơ về một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO.Tuy nhiên, Mỹ lại gọi những tuyên bố về vũ khí hạt nhân của Nga là “thiếu trách nhiệm”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder cho rằng: “Đây là một ví dụ về lời nói không có trách nhiệm mà chúng tôi từng thấy từ Nga trong quá khứ. Nó hoàn toàn không phù hợp với tình hình an ninh hiện tại”19.

Việc Nga xích lại với Triều Tiên sau khi bị phương Tây trừng phạt, cũng như quan hệ giữa Nga với Trung Quốc, Iran khiến Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo, cho rằng các mối quan hệ này có thể gây bất ổn cho an ninh khu vực và thế giới. Mỹ cũng cáo buộc Nga vi phạm một lệnh cấm vũ khí hoá học toàn cầu và tăng cường những nỗ lực nhằm hạn chế việc Nga xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) trong tương lai, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này.

Ở chiều ngược lại, Nga nhấn mạnh các mối đe dọa của Mỹ và phương Tây đối với Nga bằng việc cung cấp các hình thức “hỗ trợ trực tiếp” mới cho Kiev, bao gồm chuyển giao vũ khí ngày càng tiên tiến, cũng như quyết định của Mỹ xé bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga nhằm quân sự hóa cả châu Âu và châu Á. Nga cảnh báo gói viện trợ quân sự trị giá gần 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine, chỉ khiến xung đột tại Ukraine kéo dài20.Phía Nga cũng cáo buộc Mỹ gây ra xung đột với Nga và các cường quốc khác tại khu vực Bắc cực và toàn thế giới. Không chỉ có vậy, giới chuyên gia còn cho rằng, phản ứng của Nga có thể bao gồm việc rút khỏi Hội đồng Bắc cực, Hiệp ước Luật Biển, bác bỏ Thỏa thuận Baker - Shevardnadze năm 1990. Cùng với đó, Nga có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc cực để chống lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021.

Với những diễn biến gần đây, có thể thấy cạnh tranh giữa 2 tuyến trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga  tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ở mọi khu vực, song “trận địa” chính nằm ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và CA -TBD, với trọng điểm là các khu vực cận biên của Nga và Trung Quốc. Mỹ nhất quán duy trì mục tiêu vị trí lãnh đạo thế giới. Trong khi đó, Trung Quốctiếp tục triển khai sức mạnh của mình nhằm bắp kịp và vượt Mỹ. Nga cũngđã thể hiện được thế mạnh nổi trội đáng kể của mình.

 

2.  Tác động và đối sách của Việt Nam

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga cũng như quan hệ của các quốc gia khác đang góp phần định hình xu hướng thế giới đa cực, với  cấu trúc “lưỡng siêu, đa cường”, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường cùng với Nga và các cường quốc khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Đức, Pháp,... tham gia vào định hình hệ thống quyền lực và trật tự toàn cầu. Quá trình chuyển dịch quyền lực sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu. Trong đó, quá trình dịch chuyển diễn ra mạnh mẽ từ các nước phát triển ở phương Tây, sang các nước mới nổi ở phương Đông. Quá trình này làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các quốc gia và góp phần hình thành rõ hơn các trung tâm quyền lực mới. Các nước lớn khác đang tích cực củng cố vai trò dẫn dắt ở khu vực và mở rộng ảnh hưởng ở cấp độ toàn cầu thông qua hệ thống thể chế đa phương mới.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga tác động đến điều chỉnh chính sách của các nước lớn khác. Các nước lớn tập trung điều chỉnh chính sách theo hướng phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia của họ. Dù muốn hay không, với sự điều chỉnh đáng kể của Mỹ - Trung Quốc - Nga liên quan tới cạnh tranh nước lớn, các nước và trung tâm, như Nhật Bản, Ấn Độ, EU... tiếp tục phải điều chỉnh chính sách theo hướng tập trung hơn vào các mối quan tâm chung của Mỹ - Trung Quốc - Nga.

Các nước tiếp tục thận trọng trong điều chỉnh chính sách, tiếp tục mong muốn duy trì một trật tự thế giới đa cực hơn và có các “luật chơi” về an ninh, kinh tế, môi trường... được phát triển theo hướng này. Mặt khác, các nước không muốn quá phụ thuộc vào Mỹ hay Trung Quốc. Trong khi tiếp tục chia sẻ nhiều giá trị chung về phát triển, quyền con người với Mỹ, EU và nhiều quốc gia châu Âu không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ trong vấn đề an ninh.

Ứng phó với một thế giới có nhiều thay đổi, cạnh tranh giữa các nước lớn có thể còn kéo dài và nhiều phức tạp, các bài học thiếu hụt năng lượng và hàng tiêu dùng thiết yếu do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra... khiến các nước lớn đều phải chú trọng tiếp tục phát triển năng lực tự chủ. Các nước lớn sẽ nỗ lực có các chính sách phát triển độc lập hơn, chú trọng thúc đẩy quan hệ với các quốc gia tầm trung, các nước vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, môi trường... trong hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga sẽ thúc đẩy hình thành những xu hướng tập hợp lực lượng mới. Bên cạnh việc NATO đang được mở rộng, một số nước châu Âu từ bỏ đường lối trung lập truyền thống để gia nhập NATO nhằm đối phó với “mối đe dọa từ Nga”. Khu vực CA-TBD cũng dần rõ hơn xu hướng tập hợp lực lượng mới với sự củng cố, mở rộng và nâng cấp Nhóm “Bộ tứ” (Quad), AUKUS,... Mỹ có thế mạnh trong các tập hợp lực lượng mang tính quốc phòng - an ninh, còn Trung Quốc có thế mạnh trong các tập hợp lực lượng về kinh tế - xã hội, trong khi Nga đã thể hiện được thế mạnh nổi trội đáng kể.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch kiểm soát vũ khí chung. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, không có cơ sở nào cho cuộc đối thoại ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí với Mỹ trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ vẫn áp dụng chính sách thù địch chống lại Nga. Ông Lavrov nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm nguy cơ xung đột đều phải mang tính toàn diện và dựa trên việc từ bỏ những gì mà Nga coi là vấn đề trọng tâm và đó là sự mở rộng NATO về phía Đông21. Nga cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, có thể gây hậu quả thảm khốc.

Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực, với vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, có “giá trị chiến lược” đối với các nước lớn, dễ có khả năng đặt bị vào tình thế “nhạy cảm” trong ứng xử với các bên liên quan, vì vậy, cần theo dõi sát diễn biến quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga, tổ chức nghiên cứu ở các cấp độ để có được những đánh giá sát, đúng bản chất của vấn đề; chỉ ra được những cơ hội cũng như thách thức để có phương án tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức, nguy cơ tiềm ẩn.

Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế; phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre”, thực hiện linh hoạt chính sách “cân bằng động” trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga. Lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm gốc, phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hành động. Nếu nghiêng hẳn về một nước lớn nào đó, có nghĩa là giá trị chiến lược của chúng ta trong toan tính của các nước lớn khác sẽ không còn, thậm chí gây ra phản ứng cực đoan nếu các nước lớn là đối thủ chiến lược.

Thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với Mỹ, Trung Quốc, Nga, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng nhưng đồng thời trên tinh thần “hòa hiếu” tìm kiếm và phát huy điểm đồng để thúc đẩy hợp tác, giảm thiểu bất đồng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng “bốn không” trong quan hệ quốc tế, đó là: (i) Không tham gia liên minh quân sự; (ii) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (iii) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; (iv) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 

Mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới; coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước ASEAN; thắt chặt quan hệ với các cường quốc ở các khu vực để tạo thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn. Tranh thủ thời cơ thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hợp tác với tất cả các nước.

Như vậy, Mỹ, Trung Quốc, Nga là ba chủ thể lớn, có khả năng chi phối mạnh mẽ nhất đời sống quốc tế ở phạm vi toàn cầu. Sự ổn định của tình hình chính trị, an ninh thế giớiphụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa các nước lớn, trong đó, quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc giữ vai trò quan trọng. Do đó, đòi hỏi các bên phải có chính sách và tầm nhìn chiến lược để quản lý cạnh tranh một cách phù hợp vì sự ổn định toàn cầu. Các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo thế và lực mới để phát triển đất nước.

 

Đại tá, ThS. Nguyễn Văn Tỵ

(Bài đăng trên Bản tin Thông tin Báo cáo viên số tháng 6-2024)

bình luận

Tìm kiếm

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: UBND Thành phố Tuyên Quang

Đơn vị thường trực: Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Thành phố Tuyên Quang

Trưởng Ban biên tập: Bà Vũ Quỳnh Loan - Thành uỷ viên - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố

Địa chỉ: Phường An Tường, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.

Điện thoại hỗ trợ: (02073) 823 300 - Fax: (02073) 823 300

Email: thanhpho@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang