• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người ươm tơ bên sông

“Có lẽ vì mình là phụ nữ, nên những gì liên quan đến vải vóc lụa là mình đam mê lắm”. Chẳng thế mà dẫu trải qua bao nghề, cuối cùng, người phụ nữ ấy cũng chọn gắn với nghề ươm tơ bên dòng Lô mải miết chảy. Chị là Vương Dự Đình, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm tơ Phương Đình, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Gian nan chẳng quản…

Ngôi nhà nằm ven đường Quốc lộ, ngổn ngang những bàn ghế, bảng đen phấn trắng. Nhìn qua, ai cũng tưởng là lớp học thêm cho lũ học trò nhỏ. Nhưng chị Đình cười, bảo đây là lớp học thêm tiếng Trung do chính chị đứng lớp, dành cho người lao động có nhu cầu học tiếng đi xuất khẩu lao động.

Chị Đình từng theo rất nhiều công việc. Kinh doanh bảo hiểm, tư vấn xuất khẩu lao động, dạy tiếng Trung… nhưng cái nghiệp làm nông cứ như “định mệnh”, bám dính lấy người phụ nữ ấy. Bắt đầu từ những năm 2020, 2021, khi dịch Covid-19 ở đỉnh, công việc bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn, chị Đình về Tân Tiến nuôi gà bản, lợn sạch và chăm sóc gần 20 ha rừng.  

Sau này, dịch bệnh được kiểm soát, quay trở lại với nhịp sống đời thường, nhưng cái mong ước được làm nông vẫn thôi thúc chị.

Được một người bạn ở Hà Nội giới thiệu mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Sơn La, chị Đình tò mò lắm. Chị sắp xếp công việc, dành cả tuần trời đi Mộc Châu, Sơn La học cái nghề vừa quen vừa lạ này. Rồi được cơ sở ở Sơn La giới thiệu sang Cao Bằng, chị lại khăn gói quả mướp sang Cao Bằng mục sở thị.

Chị Vương Dự Đình.

Càng đi, càng tìm hiểu, lại càng thấy ham và mê. Chị Đình cười, đúng là phải dùng từ ham và mê, vì nếu không ham, không mê, thì không thể kéo mình vào một công việc mà vốn hiểu biết của mình về nó gần như bằng 0 được.

Sau gần 1 năm đi đi lại lại, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, chị Vương Dự Đình quyết định gác lại những công việc mà mình đang làm, rẽ ngang làm Giám đốc nông dân.

Chị thuê đất trồng dâu, xây nhà xưởng và bắt đầu vào tằm. Nghề nuôi tằm, tưởng dễ mà khó, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm. Học phí với chị Đình, là hơn 150 triệu đồng được trả chỉ trong tích tắc.

Ấy là khi thuê người, do không sát sao, công nhân cho tằm ăn lá dâu bị ướt. Toàn bộ lứa ấy tằm trốn ngủ, bỏ ăn và vỡ mủ chết sạch. Gần 100 triệu đồng tiền gốc ra đi chỉ sau  một đêm.

Lứa thứ hai, công nhân cho tằm ăn không đồng đều, khiến tằm nong lớn chậm, nong lớn nhanh, thiệt hại cũng đâu đó vài chục triệu đồng.

“Nản lắm” - chị Đình chia sẻ. Những tưởng không có gì đơn giản hơn cái nghề “ăn cơm đứng” này rồi, nhưng thiệt hại ngay khi bắt tay vào làm đã khiến chị Đình muốn bỏ cuộc không dưới 2 lần. “Nhưng mình lại tự động viên mình phải kiên trì. Không có gì thành công mà dễ dàng cả”. Thế là lại bắt tay vào làm lại.

Cầu nối làm giàu

Sau những cú sốc liên tiếp, chị Đình không “thả” việc chăm sóc cho công nhân nữa, mà sát sao hơn. Nhiều công đoạn, chị trực tiếp làm cho yên tâm.

Không chỉ tự mình làm, chị Đình liên kết với các hộ dân ở nhiều địa phương khác nữa. Chị Đình bảo, cái hay của cây dâu là bà con chỉ trồng một lần, nhưng thời gian thu hoạch kéo dài 15 - 20 năm trời. Tiền vốn ít, cây dâu cũng không phải loại cây khó chăm sóc, hay mắc dịch bệnh. Quan trọng nhất của nghề này là con giống tằm phải thật khỏe, thật sạch, thì người nuôi mới nắm chắc phần thắng được.

Tâm niệm “làm giàu cho mình là quan trọng, nhưng làm giàu cho người cũng phải tận tâm”, chị Đình hiện liên kết với nông dân nhiều địa phương trồng dâu, nuôi tằm với diện tích gần 30 ha. Trong đó có những làng nghề đã vài chục  năm tuổi như thôn 8, Soi Sính, xã Tân Long (Yên Sơn); có những đất mới bén duyên với cây dâu như Trung Yên (Sơn Dương), Kim Quan (Yên Sơn). Đa phần ở những nơi này, chị Đình đầu tư theo hình thức trả chậm. Nghĩa là cung ứng cây dâu giống, tằm giống từ đầu vụ, rồi mới thu gốc khi đã có sản phẩm. Cách làm này đang giúp nhiều nông dân nghèo ở các địa phương có cơ hội làm giàu.

Hợp tác xã Dâu tằm tơ Phương Đình liên kết trồng dâu với người dân xã Kim Quan (Yên Sơn).

Năm 2023, lần đầu tiên chị Lý Thị Hằng, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn) làm quen với nghề trồng dâu nuôi tằm. Phần đất soi bãi chị chia làm hai, 2.000 m2 trồng dâu, 2.000 m2 còn lại vẫn trồng ngô để “nhỡ không hiệu quả mình vẫn có thu từ cây ngô chứ”. Được Hợp tác xã Phương Đình hỗ trợ kỹ thuật, con giống, chị Hằng vừa trồng dâu, vừa nuôi tằm. Vụ vừa rồi chỉ 2 nong tằm, sau 15 ngày nuôi, chị thu được 22 kg kén, tương đương với 3,3 triệu đồng, trong khi tiền vốn ban đầu chỉ có 300 nghìn đồng. Chị Hằng cười, “với người nông dân như này là quá lãi rồi. Mình vừa trồng thêm 2.000 m2 dâu nữa, hy vọng năm nay sẽ lãi gấp 3, gấp 4 lần năm trước”.

Giám đốc Hợp tác xã Vương Dự Đình chia sẻ, mục tiêu trong 6 tháng đầu năm nay, diện tích liên kết trồng dâu với bà con nông dân của hợp tác xã là trên 50 ha. Sản phẩm được Hợp tác xã thu mua và cung cấp cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc (Sơn La) theo hợp đồng liên kết.

Cùng với cây dâu tằm, Hợp tác xã Dâu tằm tơ Phương Đình đang gấp rút xây dựng nhà xưởng chế biến ớt, khi diện tích liên kết trồng ớt với bà con nông dân cũng đã được nữ giám đốc ấy mở rộng lên hơn 20 ha. Chị Đình dự kiến, năm sau sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới như ớt ngâm, ớt sấy khô và tương ớt sẵn sàng cung cấp cho thị trường.

 “Nhiều lúc cũng tủi, mình từng là người rất chú ý đến vẻ bề ngoài, trước làm nghề dịch vụ, lúc nào ra ngoài cũng phải chỉn chu áo váy, mặt mày, nhưng từ khi gắn với nghề nông, chẳng mấy khi có thời gian chăm chút cho mình. Có những ngày ra đường, quên cả chải đầu, nhưng đổi lại, bà con yên tâm, tin tưởng, mình thấy đây là món quà lớn nhất rồi” - Chị Đình trải lòng nhưng vẫn xăm xắn lội ruộng, lội vườn với khuôn mặt mộc và nụ cười không rời trên môi.

TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tin tiêu điểm
Hướng về người lao động
Chương trình văn nghệ chào mừng 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; 138 năm ngày Quốc tế lao động và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Năm tháng hào hùng
Sôi động các hoạt động du lịch
Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)
Khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Tuyên Quang tổ chức “ Gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm ẩm thực gắn với hoạt động trải nghiệm của du khách”.
Khai mạc Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3 năm 2024
Sẵn sàng khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2024
Chương trình văn nghệ  “ Giai điệu hào hùng” chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ"
Điện Biên Phủ trong trái tim người lính
Nối dài tình yêu với nhạc cụ dân tộc
Cơ sở lưu trú, nhà hàng sẵn sàng đón du khách tới tham dự năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024
Đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 và các hoạt động diễn ra trong chương trình khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang
Liên đoàn lao động thành phố phát động Tháng Công nhân – Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và ký kết chương trình “Vì sức khỏe cộng đồng”
Diện mạo mới của thành phố Điện Biên Phủ sau 70 năm giải phóng
Tuyên Quang: Khai mạc chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề năm 2024
Hội nghị tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm năm 2024
Triển lãm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam - Nhà văn hóa kiệt xuất
Ngày 27/4, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần III sẽ được khai mạc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH PHẤT THANH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 115
Hôm qua : 172