A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 28/3/1954: Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh gửi các Đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351

Ngày 28/3/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh số 83-ML/B1, trong đó xác định quyết tâm của Bộ trong đợt tiến công thứ 2 là “Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía đông Mường Thanh, tạo điều kiện đầy đủ cho quân ta chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”. Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị

Ngày 28/3/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh số 83-ML/B1, trong đó xác định quyết tâm của Bộ trong đợt tiến công thứ 2 là “Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía đông Mường Thanh, tạo điều kiện đầy đủ cho quân ta chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”. Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị:

- Đại đoàn 312: Tiêu diệt các cứ điểm 201 (D1), 201A (D2), vị trí pháo binh địch ở 210, bộ phận cơ động của tiểu đoàn dù Việt Nam số 5 hoặc một bộ phận tiểu đoàn dù thuộc địa số 6. Sau khi diệt xong, để lại bộ phận nhỏ binh lực tăng cường hỏa lực, cải tạo công sự, chiếm giữ trận địa, ngăn địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức trận địa hỏa lực khống chế sân bay Mường Thanh.

- Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn): Tiêu diệt các cứ điểm 301 (A1), 302 (C1), 304 (C2), phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 hoặc bộ phận tiểu đoàn dù Việt Nam số 5. Sau khi diệt địch, để lại bộ phận lực lượng cải tạo công sự, ngăn địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức trận địa hỏa lực khống chế và sát thương quân địch ở Mường Thanh.

- Đại đoàn 308: Tiêu diệt khu vực tung thâm của địch gồm tiểu đoàn Thái số 2 và vị trí pháo binh địch, phối hợp với Trung đoàn 98 tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6; dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh và dùng lực lượng nhỏ kiềm chế các cứ điểm 106 và 310; bố trí lực lượng đánh nhảy dù xuống phía tây và tây nam Mường Thanh, chặn tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên.

 
 

 

- Đại đoàn 304: Kiềm chế đắc lực pháo binh địch ở Hồng Cúm; chặn quân tiếp viện không cho chúng từ Hồng Cúm lên Mường Thanh; tiêu diệt địch nhảy dù xung quanh và phía nam Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351: Lựu pháo yểm hộ cho bộ binh tiến công các cứ điểm của địch; chế áp và phá hủy pháo binh địch, tiêu diệt một bộ phận cơ động của địch; kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Pháo cao xạ yểm hộ cho lựu pháo và bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.


Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu:

- Các cấp chỉ huy phải đề cao quyết tâm chiến đấu, kiên quyết, dũng mãnh, không để mất thời cơ diệt địch. Phải tự mình ra mặt trận, kiểm tra đôn đốc, tổ chức chiến đấu, động viên bộ đội.

- Chú trọng tổ chức hỏa lực, tổ chức đội đột phá, tổ chức đội đánh thọc sâu.
- Căn cứ vào chỉ thị hiệp đồng để xây dựng kế hoạch hiệp đồng tỉ mỉ giữa các lực lượng, các đơn vị và xây dựng kế hoạch thông tin liên lạc.
- Chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức, cán bộ, bảo đảm chiến đấu liên tục, phát triển liên tục khi có thời cơ.

Đây là sự chỉ đạo kịp thời của Tổng Quân ủy trong lúc các đơn vị đang tích cực, khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị bước vào đợt tiến công thứ 2. Tiếp tục quán triệt vị trí, tầm quan trọng của đợt tiến công này, qua đó xác định trách nhiệm, xây dựng quyết tâm cũng như định hướng tư tưởng, hành động cho lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên toàn Mặt trận.

Cùng ngày, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng ra Chỉ thị số 84/A1 về việc tổ chức hỏa lực và hợp đồng bộ pháo trong trận tấn công tiêu diệt quân địch ở khu vực phía đông Mường Thanh.

Chỉ thị đã phân tích kỹ tương quan hỏa lực giữa ta và địch ở khu vực đông Mường Thanh về số lượng thì ta ưu thế hơn địch; chỉ rõ cách thức phân phối hỏa khí, tổ chức hỏa lực, thời cơ tiến nhập trận địa cùng thứ tự xạ kích và bộ phận hiệp đồng; cách thức tổ chức chỉ huy. Đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng cũng chỉ rõ 5 điểm cần lưu ý:

- Giữ vững việc chế áp trật tự, chú ý tiết kiệm đạn dược.
- Cao xạ pháo phải tổ chức bắn ban đêm, đuổi máy bay địch uy hiếp không phận trận địa.
- Các ký hiệu thông tin liên lạc phải đơn giản, rõ ràng, đồng thời có nhiều phương tiện dự bị, bảo đảm khi bộ binh phát triển vào trung tâm không bị pháo ta bắn nhầm.
- Cán bộ pháo binh chi viện và phối thuộc phải cùng cán bộ bộ binh định kế hoạch hiệp đồng.
- Phải chiếm lĩnh trước giờ công kích như đã quy định để khi phát hỏa chế áp được đồng thời.


Tại chiến trường Điện Biên Phủ:

Chiếc máy bay thứ 43 của quân Pháp bị pháo cao xạ của quân ta bắn hạ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bộ đội cao xạ ngày càng trưởng thành và thực hiện tốt nhiệm vụ khống chế chặt chẽ bầu trời.

Các đại đoàn triển khai nhiệm vụ chuẩn bị bước vào đợt tiến công thứ 2.

 
 

Các chiến sĩ xung kích của ta đang cắt các hàng rào dây thép gai bắt đầu cuộc tấn công. Ảnh: TTXVN


Về địch:

Các lực lượng của địch mở cuộc hành quân ra phía Tây nhằm tiêu diệt các khẩu pháo cao xạ của ta đặt tại bản Ong Pét và gần bản Pe. Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 mở đầu cuộc tiến công, tiếp theo là tiểu đoàn dù xung kích số 8, tiểu đoàn bộ binh lê dương số 1 làm nhiệm vụ hỗ trợ khi rút quân trở về. Các xe tăng từ Phân khu Hồng Cúm được huy động để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh địch.


Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, từng giờ từng phút, mỗi quyết định đưa ra đều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, bộ đội ta khó tránh khỏi tâm trạng khẩn trương, căng thẳng. Những lúc như vậy, mỗi câu ca lời hát cất lên đều thật ý nghĩa, đó là liều thuốc tinh thần mang đến nguồn năng lượng mới cho chiến sĩ ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ về cảm xúc đặc biệt ấy trong cuốn “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (1964) do nhà văn Hữu Mai chắp bút:

“Cuối tháng ba, cạnh căn lán, xuất hiện một công trình mới của các đồng chí công binh. Một đường hầm dành cho việc chỉ huy tác chiến, với đủ phòng làm việc, phòng hội họp có trang bị đèn điện và máy nói, dài trên ba trăm mét chạy xuyên qua trái đồi…

Tình hình chiến dịch vào tháng tư này khá căng thẳng. Sau những ngày họp hội nghị sơ kết đợt hai, tôi vẫn còn mệt. Một buổi chiều, mấy đồng chí nam nữ văn công tươi cười bước vào căn lán. Anh chị em nghe tôi bị mệt nên rủ nhau đến thăm. Vốn biết tôi thích âm nhạc nên anh chị em mang theo một cây đàn. Hôm ấy, ngoài những bài hát: Qua miền tây-bắc, Hành quân xa, Nhi-lang-son, các đồng chí văn công còn hát cho tôi nghe một số bài ca quan họ Bắc Ninh. Những cánh đồng xanh, những cánh cò bay dìu dặt, những bờ tre, mái đình như hiện ra trước mắt qua những câu hát dân tộc. Tôi thường ngày vốn rất thích âm nhạc, nhưng chưa bao giờ tôi nghe âm nhạc hay như trong những giờ phút khẩn trương, căng thẳng tại mặt trận”.

Theo TTXVN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 21