A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ mãi Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ của xe tăng 843

Những tưởng bom đạn chiến trường khốc liệt không thể hạ gục được người lính đã từng vào sinh ra tử, thì sẽ không có chuyện gì khiến họ đầu hàng. Vậy mà bệnh tật đã cướp đi người Cựu chiến binh - nhân chứng lịch sử đặc biệt Nguyễn Văn Kỷ - pháo thủ số 2 trên chiếc xe tăng số hiệu 843 húc vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Ông vừa ra đi ở tuổi 72 tại tổ 2, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) trong lòng vẫn đau đáu ước mơ được tề tựu cùng đồng đội dịp 30/4 này.

Xe tăng 843 tham gia diễu binh sau ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân chứng của giây phút thiêng liêng 

Chiều 22-4, gia đình, đồng đội, bà con lối xóm đã tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Ai cũng rưng rưng niềm thương tiếc, sự mất mát, hụt hẫng.

Vậy là từ nay, căn nhà nhỏ sẽ không còn người lính già vui tính tiếp chuyện, kể những câu chuyện về niềm vinh dự, tự hào là 1 trong 4 chiến sỹ trên chiếc xe tăng 843 húc vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975.

Nhớ lại những năm về trước, cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử, căn nhà nhỏ của ông Kỷ lại nhộn nhịp khách đến thăm. Người đến để nghe ông ôn lại ký ức hào hùng lúc xe tăng số hiệu 843 húc vào Dinh Độc Lập ra sao. Người đến vừa để bàn chuyện lịch sử, vừa để trò chuyện với người đàn ông có cách nói chuyện rất “lính”. Mặc dù có lúc sức khỏe không được tốt,  nhưng khi được hỏi về ký ức 30-4-1975, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ hồ hởi tiếp chuyện quên cả ốm đau, bệnh tật.

Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ thăm lại chiến trường xưa, ảnh chụp năm 2005.

Năm 1971, ông Kỷ lên đường nhập ngũ khi mới tròn 18 tuổi. Ông vinh dự là một trong 4 người lính điều khiển chiếc xe tăng mang số hiệu 843. Đây là kíp lái được mệnh danh “kíp lái thép” do Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) chỉ huy; lái xe, hạ sỹ Lữ Văn Hỏa (quê Hà Nam), pháo thủ số 1 Thái Bá Minh (quê Nghệ An) và ông - pháo thủ số 2, luôn tiên phong trong các trận đánh lớn.

Trận đánh lớn đầu tiên trong đời lính của ông là trận đánh chống quân Ngụy lấn chiếm vùng giải phóng tại Thành cổ Quảng Trị tháng 3-1972. Tháng 3-1975, đơn vị ông được lệnh tiên phong đánh vào Huế từ ngày 5 đến 29-3.

Ngày 29-4, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận thông báo, đơn vị được nhận nhiệm vụ triển khai đánh chiếm Dinh Độc Lập, chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nghe vậy, anh em trong đơn vị ai cũng phấn chấn, hừng hực tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

9 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 của ông Nguyễn Văn Kỷ có mặt tại cầu Sài Gòn. Sau khi tiêu diệt 2 xe M113 của địch, Trung úy Bùi Quang Thận ra lệnh tiến thẳng Dinh Độc Lập theo nhiệm vụ đã phân công.

Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ (ngoài cùng bên trái) yểm trợ trung úy Bùi Quang Thận chạy lên Dinh Độc lập cắm cờ trưa ngày 30-4-1975.

Khi áp sát cửa Dinh Độc Lập, Trung úy Bùi Quang Thận lệnh cho pháo thủ số 2 - Nguyễn Văn Kỷ nhắm giữa cổng Dinh Độc Lập  mà bắn. Nhưng không hiểu sao bắn cả hai lần đạn vẫn không nổ? Trung úy Bùi Quang Thận ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh.

Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do đồng chí Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Cả hai xe cùng tiến vào bên trong. Lúc này, Trung úy Bùi Quang Thận rút lá cờ trên xe nhảy xuống, ông Nguyễn Văn Kỷ cầm súng AK yểm trợ Bùi Quang Thận chạy lên Dinh Độc Lập cắm cờ vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

“Khi lá cờ ngụy quyền Sài Gòn bị giật xuống, cờ Mặt trận thống nhất miền Nam được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, chúng tôi đã ôm nhau cười, khóc vì sung sướng. Nhìn quần áo ai cũng lấm lem, nhưng không thể tả được chúng tôi hạnh phúc như thế nào. Sau bao nhiêu năm bom đạn, cuối cùng hai miền đất nước được thống nhất. Trận đánh tiến vào Dinh Độc Lập và chứng kiến giây phút cả nước vui mừng thống nhất là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời của tôi” - lời của ông Kỷ hôm nào vẫn còn vẹn nguyên.

Kíp xe 843 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ đứng thứ 2 từ phải qua trái).

Sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ

Trở về sau chiến tranh, cuộc sống của pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ thầm lặng, bình dị tại tổ 2, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang). Lúc rảnh rỗi, ông phụ thêm nghề vá xe, đan rổ rá, mài dao kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống. Người dân Hưng Thành đã quen với hình ảnh người đàn ông trong bộ quần áo lính làm đủ thứ nghề, nhưng ít ai biết rằng, người lính già vui tính ấy lại là một chứng nhân lịch sử đặc biệt của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Bà Khuất Thị Mai, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 2 chia sẻ, ông Kỷ là người rất khiêm tốn, sống rất gần gũi, nghĩa tình trước sau. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn miệt mài chăm chỉ, đến từng xóm, từng nhà để thăm hỏi hàng xóm, láng giềng, đồng chí khi ốm đau, hoạn nạn.

Ham công tiếc việc là vậy, nhưng mỗi khi được các cơ quan, đơn vị mời đi nói chuyện truyền thống, ông đều gác bỏ việc nhà và nhận lời ngay. Trong những cuộc trò chuyện ấy, mỗi lần ông kể chuyện, hàng nghìn ánh mắt ngưỡng mộ hướng về ông, rồi những tràng pháo tay không ngớt vang lên.

Lãnh đạo Báo Tuyên Quang trò chuyện cùng gia đình Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ năm 2023. Ảnh: Lê Thùy

Em Đinh Xuân Hiếu, lớp 9A2, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang bày tỏ, khi nghe ông Kỷ kể về cuộc chiến tranh khốc liệt ông đã trải qua, em thực sự xúc động. Lớp người trẻ chúng em sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích, góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước.

Vào mỗi dịp 30/4 lại có những đoàn cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, học sinh... đến thăm ông Nguyễn Văn Kỷ. Mỗi lời thăm hỏi ân tình, mỗi món quà tuy nhỏ, đều là nguồn động viên rất lớn đối với ông và gia đình, giúp ông kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ngay buổi sáng trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, những người làm báo Báo Tuyên Quang đến thăm ông vẫn mong ông sẽ qua khỏi, để ông có dịp đoàn tụ cùng đồng đội tại Sài Gòn như vẫn ước. Nhưng ông đã tìm về với tổ tiên và các đồng đội liệt sỹ của mình.

Trong tang lễ ông Nguyễn Văn Kỷ, chúng tôi thấy có bà Nguyễn Thị Đót, 73 tuổi cùng con gái Bùi Thị Kim Huế. Họ là vợ và con của cựu chiến binh Bùi Quang Thận, người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập tháng 4/1975. Nghe tin dữ, họ đã từ Hà Nội về tiễn biệt ông Kỷ. Thắp nén tâm nhang, bà Đót không khỏi xúc động. Những giọt nước mắt ân tình chan hòa trên gương mặt những người ở lại. Chắc từ nay, những người đồng đội quả cảm, keo sơn năm ấy sẽ lại được đoàn tụ cùng nhau dưới suối vàng. 

Năm nay, dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,  trong cuộc hội ngộ của những người lính xe tăng đã thiếu vắng thêm một người đồng đội là ông Kỷ.  Ngước mắt nhìn về di ảnh, cựu chiến binh Bùi Minh Tuyên, tổ 12, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) nấc lên nghẹn ngào: Chúng ta còn hẹn nhau năm nay về thăm lại chiến trường xưa mà đồng đội ơi! Nhiệm vụ với Đảng, với Nhân dân, với gia đình, đồng chí đã hoàn thành rồi. Đồng chí hãy yên nghỉ!

Đó cũng là lời nhắn của tất cả những người ở lại trước vong linh người lính quả cảm - pháo thủ số 2 xe tăng 843 Nguyễn Văn Kỷ. Ông luôn là người lính Cụ Hồ đáng trân trọng, là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang.

TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 23