Ký ức một thời bom đạn
Cựu chiến binh Dương Văn Dư ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) năm nay bước sang 101 tuổi. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông còn khá minh mẫn, giọng nói hào sảng.
Ông Dư nhớ lại, khi còn trẻ, ông tham gia du kích ở xã. Đến năm 1946 thì nhập ngũ, trở thành lính pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 367, Đại đoàn công pháo 351 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ kéo các khẩu pháo vào điểm tập kết an toàn. Ngoài kéo pháo, bộ đội pháo cao xạ như ông còn tập trung mở đường cơ động, tiếp tế đạn dược và làm công sự, hầm hào cho pháo và người. Đồng thời, đơn vị xây dựng hệ thống trận địa chiến đấu với không quân địch, yểm hộ bộ binh tiến công, bảo vệ trận địa pháo binh mặt đất, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch, triệt đường tiếp tế hàng không của chúng tại Hồng Cúm. Đến năm 1958, ông xuất ngũ trở về địa phương làm kinh tế, xây dựng cuộc sống.
Ông Dương Văn Dư cùng con cháu tận hưởng cuộc sống hạnh phúc thời bình.
Đi qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, hơn ai hết, người chiến sỹ Điện Biên năm ấy cảm nhận rõ sự hy sinh, mất mát mà chiến tranh để lại. Vì thế, trong tâm trí ông luôn khắc khoải về những người đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Chưa bao giờ nỗi đau trong lòng người lính già vơi khi ký ức về những đồng đội của mình đã ngã xuống nguôi ngoai.
Ông Dương Văn Dư làm nhiệm vụ chăm sóc, trông coi nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Năm 1996, huyện Sơn Dương xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Biết ông Dư cần cù, chịu khó, chính quyền địa phương đã động viên ông làm quản trang tại đây. Với một tình cảm đặc biệt dành cho những người đồng đội đã khuất, ông Dư nhận lời ngay mà không chút ngần ngại. Suốt 30 năm qua, người lính Điện Biên năm nào đã hết lòng với nhiệm vụ mới đó là canh giấc ngủ cho đồng đội.
Ký ức về đồng đội, chiến tranh trong ông Dư chưa bao giờ nguôi ngoai.
Trọn nghĩa tình đồng đội
Nghĩa trang liệt sỹ huyện Sơn Dương là nơi an nghỉ của hơn 100 liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, trong đó có những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Suốt 30 năm qua, công việc mỗi ngày của ông Dư cứ lặp đi lặp lại: quét dọn, lau chùi, nhặt cỏ, tỉa cây, trồng hoa, tưới cây. Với ông, những công việc này mệt ít vui nhiều. Từ lâu, lão quản trang đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình để chăm sóc, bầu bạn với những đồng đội đã khuất.
Ông Dư có hơn 30 năm gắn bó với công việc quản trang.
CCB Dương Văn Dư chia sẻ: "Tôi là bộ đội thời kỳ chống thực dân Pháp, cùng với các đồng đội tham gia chiến đấu nhưng tôi may mắn được trở về với gia đình, nhiều đồng đội đã hy sinh phải nằm ở nghĩa trang này. Làm công việc này tôi thấy tinh thần phấn khởi, thoải mái. Tôi nghĩ rằng, anh em đã chiến đấu đến cùng với nhau thì mình cũng phải trông nom anh em, đồng đội cho đến hơi thở cuối cùng!".
Nghĩa trang liệt sĩ huyện là nơi ông Dư làm việc “canh giấc” cho đồng đội.
Trò chuyện với ông Dư, chúng tôi càng hiểu thêm những đóng góp của ông tuy thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa. Hằng năm, cứ đến ngày lễ, tết, ngày thương binh liệt sỹ... công việc của lão Dư quản trang bận rộn gấp bội phần vì đón tiếp thân nhân, người dân đến thăm viếng. Nhưng hơn cả, ông luôn cảm thấy hạnh phúc vì công việc mình làm.
Những câu chuyện thời chiến vẫn được ông kể lại cho thế hệ mai sau.
Anh Dương Văn Tuyến, con trai ông Dư chia sẻ: “Các con cũng nhiều lần khuyên ông nên nghỉ ngơi nhưng ông không chịu. Ông bảo, còn sức ông vẫn tiếp tục chăm sóc cho nghĩa trang, cho linh hồn các đồng đội của mình”.
Bà Phạm Thị Dung, Chi hội trưởng CCB tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương, cho biết, ông Dương Văn Dư rất nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của mình. Ông chăm nom nghĩa trang, quét dọn, tu sửa, tỉa cây, tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình đến thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ. Ông là cựu chiến binh gương mẫu, bản thân ông không những chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà ông còn còn vận động con cháu tham gia tích cực các phong trào ở địa phương.
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà chiến sỹ Điện Biên Dương Văn Dư.
Ngày chúng tôi đến cũng là ngày đầu tiên ông Dư được nghỉ công việc trông coi nghĩa trang. Nét mặt trầm buồn, ông bảo: “Làm mãi quen rồi, không ra lại thấy nhớ, thấy thương các anh lắm. Nhưng giờ sức cùng lực kiệt quá rồi, không đi lại chăm sóc, quét dọn được nữa”.
Dành nửa đời gắn bó với nghiệp quản trang, người CCB già luôn tận tâm, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sỹ sạch đẹp, ấm cúng. Ông được ví như con ong cần mẫn, lặng thầm làm việc, lặng thầm cống hiến để dâng cho đời những mật ngọt yêu thương, góp phần bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
TQĐT