Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 08).
Tại Thông tư, một trong những điểm điều chỉnh đáng chú ý là sẽ bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.
Thời điểm trước ban hành Thông tư, thực hiện theo các Thông tư của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì giáo viên mỗi cấp học có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần.
Vì vậy, tại Thông tư số 08, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:
Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học;
Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01, 04 và khi chuyển chức danh nghề nghiệp thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước khi ban hành Thông tư số 08 theo thẩm quyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có ý kiến góp ý của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, đặc biệt là sự tham gia góp ý trực tiếp của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông. Nội dung nói trên được 98% giáo viên tham gia khảo sát đồng ý.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.
Theo Báo Nhân Dân