Khách hàng đến làm thủ tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Ngân hàng TMCP
Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Việt.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, Giám đốc các ngân hàng trực tiếp chỉ đạo việc chủ động tiếp cận, gặp gỡ khách hàng, cùng rà soát, đánh giá mức độ khó khăn, ảnh hưởng để thực hiện phù hợp, đúng quy định các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hầu hết các ngân hàng đều đã rà soát, giảm lãi suất cho vay đối với người dân và doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Trần Hậu, Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Tuyên Quang, ngày 1-4, sau cuộc họp trực tuyến toàn hệ thống của BIDV Việt Nam, BIDV Tuyên Quang công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó đối với dư nợ hiện hữu, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm từ 1 - 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho người dân và các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch. Đối với nhu cầu vay mới, đơn vị này cũng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31-12-2019.
VietinBank cũng đã triển khai chương trình tín dụng lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường có quy mô lên đến 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước thời điểm có dịch. Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay cố định, vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ... với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2% - 3%/năm so với thông thường.
Chi nhánh Liên Việt Post Bank hiện có tổng dư nợ trên 750 tỷ đồng. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, đơn vị này đã giảm 0,5% lãi suất các khoản vay từ cuối năm 2019, những khách hàng là cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay mới sẽ được giảm tiếp 0,3%; đồng thời tiếp tục rà soát các đối tượng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục giảm lãi suất theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh SHB, MBBank, Vietcombank… cũng tập trung rà soát đúng các đối tượng chịu ảnh hưởng để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.
Việc giảm lãi suất thời điểm này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Công ty TNHH Phú Bình là đơn vị sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng, thạch cao; gạch lát nền block; sản xuất ống cống bê tông các loại; vận tải hàng hóa bằng ô tô tải, gia công cơ khí; xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng... Thời điểm này, thị trường của các sản phẩm này bị thu hẹp lại, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn trong khi khoản vay hơn 3 tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại tỉnh vẫn phải trả lãi vay định kỳ. Ông Đặng Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH Phú Bình cho biết, động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ ít nhiều cho doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này để có thể khôi phục lại sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đột phá, có thế mạnh của tỉnh; đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vốn tín dụng để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Các ngân hàng thương mại tỉnh tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin để đảm bảo có sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi...
Theo TQĐT