Ông Trung Trấn Nàm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty TNHH Bảo Trung cho biết, ông đầu tư xây dựng khu vườn bách thảo tại tổ 11, phường An Tường từ năm 2018. Với tổng diện tích 4,7 ha, ông trồng cây xanh, tạo các tiểu cảnh đan xen vườn hoa để phục vụ nhu cầu của du khách. Dịp Tết năm ngoái và đầu năm nay, cơ sở của ông bước đầu hút khách đến tham quan, chụp ảnh cưới, giá dịch vụ 50 nghìn đồng/người đối với khách cá nhân; khoảng 300.000 - 400.000 đồng đối với khách thuê chụp ảnh cưới. Đợt này, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, ông tập trung đầu tư cây cảnh, tạo cảnh quan để chờ dịch qua. Bên cạnh đó, ông còn trồng cây đô thị nên vẫn có vốn để tái đầu tư.
Công nhân Công ty TNHH Bảo Trung chăm sóc hoa tại khu vườn bách thảo ở tổ 11, phường An Tường,
TP Tuyên Quang.
Ứng phó với dịch Covid - 19, mỗi nhà vườn đều có cách làm riêng để vừa duy trì vườn hoa, vừa có thu nhập. Chị Nguyễn Ánh Tuyết, đầu tư vườn hoa ở km 10, xã Thái Long, TP Tuyên Quang bày tỏ, năm 2019, chị thuê hơn 4.000 m2 đất ruộng của người dân để trồng hoa. Chỉ sau hơn 2 tháng chăm sóc, những cây hoa trong vườn với đủ loại hoa như cúc bước, xác pháo, hướng dương... đã đua nhau khoe sắc, nhanh chóng thu hút đông đảo du khách đến chụp ảnh. Với giá dịch vụ 30.000 đồng/lượt khách tham quan, trung bình mỗi ngày chị thu khoảng 3-4 triệu đồng; ngày thứ 7, chủ nhật có thể tăng gấp đôi. Nhận thấy nhu cầu chơi hoa của người dân khá nhiều, chị còn đầu tư cả cây giống, bán hạt giống hoa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chính hướng đi này đã giúp chị vượt qua cơn bão của dịch Covid-19. Hiện trung bình mỗi ngày chị thu khoảng 30 - 40 triệu đồng từ tiền bán hoa giống.
Song, không phải ai cũng có thể kịp thời xoay sở, chuyển hướng đầu tư. Chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life Tuyên Quang vẫn bảo, chị là người không may mắn khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Khi đầu tư homestay A Phủ ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình), cơ sở bắt đầu đón khách thì dịch bệnh đến, cơ sở phải tạm dừng đón khách. Cùng thời điểm này, khu vườn hoa rộng 4.000 m2 chị đầu tư tại thôn Chuông, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) chỉ vừa đón khách dịp trước Tết nay cũng trong tình trạng vắng vẻ. Hiện vườn hoa tam giác mạch, xác pháo, hướng dương... đã bắt đầu nở. Thời gian hoa nở kéo dài khoảng 2-3 tháng nên chị hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để chị có thể đón khách trở lại. Hiện chị vẫn thuê 2 công nhân đều đặn chăm sóc vườn hoa hàng ngày.
Chống chọi với dịch bệnh Covid-19, mỗi nhà vườn đều có cách riêng để duy trì hoạt động. Những vườn hoa vẫn nở ngay cả khi không có khách tham quan cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm này tiếp tục hút khách sau khi dịch bệnh qua đi./.
Theo TQĐT