Chỉ thị số 08-CT/TU đã đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh những năm qua. Để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên, gương mẫu chấp hành pháp luật; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật; xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, lối sống thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các phong trào thi đua yêu nước. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải bám sát thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, trọng tâm là người dân sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công nhân trong các khu, cụm công nghiệp; học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ; địa bàn Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án; địa bàn tiềm ẩn những yếu tố phát sinh khiếu nại, tố cáo... Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách, pháp luật về đất đai và các quy định, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân. Thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách, pháp luật đã ban hành; xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc, lợi dụng, kích động tuyên truyền, đưa tin không chính xác về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng. Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn pháp luật và giáo dục công dân, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, từng bước xây dựng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật đối với thế hệ trẻ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, ưu tiên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả đối với các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật. Đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật. Huy động, phát huy trách nhiệm xã hội của đội ngũ luật sư, luật gia, những người công tác trong lĩnh vực pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo, người am hiểu pháp luật tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
4. Thực hiện tốt công tác phân tích, đánh giá, tổng hợp, thông tin về nguyên nhân phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật; việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật và kết quả xử lý của các cơ quan chức năng bằng hình thức phù hợp trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị định kỳ để tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Thông qua việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần chủ động kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý những bất cập, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện tốt các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đồng thời thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật và hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảm đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó quan tâm thực hiện tốt các chính sách để sử dụng đội ngũ cán bộ biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Quan tâm bố trí kinh phí, đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện ở địa bàn dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời phát hiện, xử lý những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữa các thành viên trong gia đình.
6. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xác định rõ nội dung, chương trình, trách nhiệm phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng giai đoạn, bảo đảm phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng tổ chức thi hành pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm gắn kết chặt chẽ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần phòng ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
7. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc. Chủ động xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; kịp thời động viên, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
BBT