Nông lâm nghiệp là nền tảng
Cha ông ta đã dạy “dĩ nông vi bản - lấy nông nghiệp làm gốc”, điều này càng đúng khi cả thế giới đang hứng chịu những tổn thất nặng nề của dịch bệnh Covid-19. An ninh lương thực phải thực sự được coi trọng để ứng phó với những khó khăn trong mọi tình huống. Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn họp trực tuyến với các địa phương chỉ đạo tăng cường phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân, trọng tâm là cây lúa cũng không ngoài mục tiêu “lấy nông nghiệp làm gốc” để ứng phó với dịch bệnh, với những bất ổn do khách quan mang lại.
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn người dân
xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân. Ảnh: Cao Huy
Trong suốt chặng đường phát triển, tỉnh ta luôn chú trọng phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là “gốc”, khâu đột phá để đưa Tuyên Quang đi lên. Những giá trị sản xuất nông nghiệp giúp tỉnh ta vượt qua những khó khăn do tác động của dịch bệnh. Trong khi giá trị sản xuất công nghiệp trong quý I giảm 6%; thu hút khách du lịch giảm 75,6% so với cùng kỳ năm trước; thì sản xuất nông, lâm nghiệp trong 3 tháng qua tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều chỉ tiêu tăng so với năm ngoái.
Theo đó, diện tích lúa đã cấy 19.229 ha, đạt 102,3% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ; cây ngô đã trồng 8.186 ha, đạt 100,7% kế hoạch. Toàn tỉnh đã sản xuất được 11,7 triệu cây giống, đáp ứng 69% nhu cầu cây giống trồng rừng tập trung năm 2020; hiện đã trồng được 2.517,6 ha rừng; khai thác được 1.218,4 ha rừng trồng, khối lượng gỗ 103.277 m3 phục vụ công nghiệp chế biến.
Chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung đang được các địa phương triển khai hiệu quả với việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị như chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa; chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; phát triển nghề cá vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; hình thành vùng chuyên canh cây trồng mũi nhọn như cam, mía, rừng... đang tạo ra những giá trị bền vững cho người dân.
Chú trọng phát triển nông lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, nên dẫu bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh vẫn ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong giá trị xuất khẩu hàng hóa quý I-2020 đạt 21,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ thì giấy và đũa vẫn là những sản phẩm chủ lực với gần 1.000 tấn giấy, đũa gần 16.000 đôi xuất khẩu thị trường châu Á.
Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
Để hoàn thành các mục tiêu năm 2020, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp bảo đảm vừa chống dịch vừa tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Công nhân Công ty cổ phần In và dịch vụ Tuyên Quang vận hành dây chuyền sản xuất tại trụ sở mới ở Cụm công nghiệp Dốc Đỏ, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).
Ông Vân Đình Thảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về cơ bản trong quý I-2020 các chỉ tiêu kinh tế đã đạt kế hoạch, có 2 chỉ tiêu giảm sâu là giá trị sản xuất công nghiệp và thu hút khách du lịch nhưng về tiềm năng phát triển là rất lớn khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này là vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Qua rà soát, đánh giá của sở và các cơ quan chức năng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đã khắc phục khó khăn bảo đảm làm tốt công tác chống dịch và sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, tỉnh thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.029,1 tỷ đồng. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ, nhất là Trung Quốc, châu Âu và Mỹ bị thu hẹp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự chủ động của các doanh nghiệp dựa trên những điều kiện cơ bản đã có hoàn toàn đạt mục tiêu đã đề ra - ông Ma Văn Phấn, Giám đốc Sở Công thương khẳng định. Ông Phấn nhấn mạnh, sản xuất công nghiệp của tỉnh thường tập trung đẩy mạnh từ đầu quý 3, khi đó dịch bệnh được kiểm soát, cùng với việc nhiều nhà máy được hoàn thành và đưa vào vận hành như Nhà máy thủy điện sông Lô 8A, 8B... thì việc đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của năm là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, cùng với tinh thần chống dịch như “chống giặc”, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, tiết kiệm nguồn nguyên liệu, tận dụng trang thiết bị hiện có để tránh phụ thuộc nhập khẩu từ các nước để tạo tiền đề cho những tháng nước rút của năm 2020.
Công nhân Công ty May Tuyên Quang LGG thực hiện đẩy đủ các biện pháp phòng chống dịch, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp có cách làm hay, sáng tạo như Công ty cổ phần Giấy An Hòa chuyển hướng xuất, nhập khẩu các sản phẩm, trang thiết bị sang thị trường các nước Ấn Độ, Iran; Công ty Gang thép Tuyên Quang tận dụng, sửa chữa các trang thiết bị hiện có phục vụ sản xuất phôi thép; các nhà máy may trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, bảo đảm việc làm cho người lao động, góp phần cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG cho biết, công ty có 6 dây chuyền sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. Thời điểm này, các nước châu Âu, Mỹ đang đẩy mạnh chống dịch Covid-19 nên các đơn hàng mua nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty chưa về kịp nên công ty chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước, trong tỉnh và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, bảo đảm ổn định việc làm cho 300 lao động.
Trên các công trường, nhà máy vẫn duy trì hoạt động bảo đảm vừa ngăn ngừa dịch bệnh, vừa sản xuất hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai các công trình lớn như công trình cầu Tình Húc, các Nhà máy thủy điện sông Lô 8A, 8B, Nhà máy thủy điện Yên Sơn, công trình khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương)... Bà Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, cùng với việc bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, sở đề nghị đơn vị thi công duy trì số người lao động hợp lý, phấn đấu trong tháng 7 tới hoàn thành xây dựng công trình và đưa vào hoạt động phục vụ du khách đến tham quan. Hiện, ngành đang tham mưu với tỉnh các thủ tục để trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày Bảo tàng Tân Trào, Quảng trường Tân Trào, phòng chiếu phim giới thiệu, quảng bá giá trị các di tích, tạo dấu ấn với du khách, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Với phương châm “chống dịch, chống phá sản”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, chủ động, sáng tạo bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống xã hội.
Theo TQĐT