Mảnh đất nơi ông gắn bó suốt quãng đời trai trẻ đang rộn rã kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng, nơi ấy đã ghi lại mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Và ông, một người con của mảnh đất Chiêm Hóa, Tuyên Quang đã cùng những đồng đội viết nên chiến thắng vẻ vang, lừng lẫy ấy. Ông là Hà Kim Đương, chiến sỹ Điện Biện ở thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang. 70 năm kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, người lính ấy nay đã bước sang tuổi 91 nhưng những ký ức về chiến trường Tây Bắc năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
“Quê hương thứ 2 của tôi là Điện Biên”
Nhập ngũ tháng 8-1949 tại đơn vị E148; F316, chàng trai trẻ Hà Kim Đương hăng hái hành quân lên Tây Bắc, ông rời xa Chiêm Hóa, xa nơi ông đã sinh ra và lớn lên để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người con đất Việt. Ông kể lại: “Những năm tháng ấy khó khăn vô cùng, người miền núi cũng như miền xuôi phải chạy ăn từng bữa, rau rừng, quả dại cũng là thức ăn qua cơn đói lòng. Thanh niên khi ấy nghe “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ đều bùng lên khí thế, tôi đã chờ 3 năm để đủ 16 tuổi, ngay lập tức xin gia đình cho đi tòng quân, đánh giặc, với tôi cũng như những thanh niên ngày ấy, được vào quân ngũ là vinh dự và chúng tôi tin rằng khi thắng giặc Pháp, hòa bình lập lại, cuộc sống sẽ ngày một tươi đẹp hơn”.
Ông đến Điện Biên khi trời đã chớm đông, đất trời Tây Bắc khi ấy dù chiến trường khốc liệt nhưng vẫn đẹp đến lạ kỳ, nắng vàng ươm trải dài trên từng triền đồi như bất tận, nhưng ông Đương bảo, sau vẻ đẹp choáng ngợp ấy là một chiến trường thảm khốc với bao mồ hôi, máu và nước mắt. Ông còn nhớ như in chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử được chia làm ba đợt tấn công, trong đó đợt tấn công thứ hai và thứ ba diễn ra nhiều trận đánh rất ác liệt. Đợt thứ 3 từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đồi A1, quân ta và quân Pháp giành nhau từng tấc đất. Đêm ngày 6-5-1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Trong chiến dịch hào hùng ấy, chiến sỹ trẻ Hà Kim Đương khi ấy mới tròn 20 tuổi vinh dự được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho chiến thắng, ông đảm nhiệm vai trò chiến sỹ thông tin, liên lạc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Binh chủng thông tin liên lạc phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức biên chế, và phương tiện kỹ thuật. Với cách tổ chức liên lạc hợp lý, sử dụng hiệu quả các loại hình phương tiện thông tin liên lạc, bằng cách tổ chức liên lạc vô tuyến điện theo mạng và vượt cấp, trong cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội thông tin liên lạc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm thông tin liên lạc chỉ đạo, chỉ huy từ cấp chiến lược đến chiến dịch và chiến đấu. Ở bất cứ chiến trường nào trong cuộc tiến công chiến lược cũng đều nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh thông qua hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện của quân đội do bộ đội thông tin liên lạc đảm nhiệm.
“…Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà vui chung…”
Bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu chính là tâm trạng của ông, của biết bao người lính ngày ấy, máu và nước mắt đã hòa vào đất mẹ trong khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng, khi lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Sau cuộc chiến, ông chọn ở lại Điện Biên an cư, một cơ duyên đặc biệt đã giúp ông gặp người vợ của mình tại Điện Biên, bà khi ấy là dân công hỏa tuyến và bất ngờ thay, khi hỏi quê quán mới biết bà cũng là người Xuân Quang, Chiêm Hóa. 2 con người tưởng như xa lạ thế nhưng lại chung 1 quê hương, để rồi ông bà cùng quyết định ở lại mảnh đất nơi chiến trường, xin vào công tác tại nông trường Điện Biên, 2 người con trai cũng ra đời tại đây, ghi dấu tình yêu của ông bà dành cho nhau, dành cho mảnh đất Tây Bắc xinh đẹp này.
Sáng mãi tinh thần chiến sỹ Điện Biên
Ông Hà Kim Son, con trai cả của cựu chiến binh Hà Kim Đương năm nay cũng đã bước qua tuổi 60, có cháu nội, cháu ngoại sum vầy sớm tối, bản thân ông Son cũng từng là quân nhân, tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, giáp với Campuchia. Ông Son chia sẻ: “Gia đình tôi bây giờ tứ đại đồng đường, tôi hạnh phúc vì cha vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, vui vầy bên con, cháu, chắt. Cha luôn là niềm tự hào của cả gia đình, mỗi dịp tháng 5 về, nghe ông kể lại chuyện ở chiến trường xưa cả nhà ai cũng xúc động". Cha tôi kể lại rằng vào năm 1963, tôi bị một đợt ốm kéo dài, cha mẹ lo lắng nên mới thu xếp tư trang, nhà cửa từ Điện Biên chuyển về quê nhà ở Xuân Quang, Chiêm Hóa.
Cha mẹ tôi ngày ấy đều được học qua trường lớp nên đã nhận công việc làm thầy giáo làng, dạy vỡ lòng cho lũ trẻ trong thôn, trong xã, đồng thời cũng dạy cho cả những người lớn ở lớp bình dân học vụ”.
Thầy giáo Hà Kim Đương ngày ấy rất được lòng học trò bởi ông dạy rất dễ hiểu, dễ nhớ, từ lớp vỡ lòng của ông, bao đứa trẻ đã biết được cái chữ, viết được họ tên mình, biết đọc sách, biết tính toán nhân chia. Ở bản vùng cao khi ấy, biết chữ quả thật đã tạo nên sự thay đổi to lớn trong cả cộng đồng.
Sau quãng thời gian dạy học ông Đương tham gia một số công việc ở xã, đến tuổi nghỉ hưu, ông lại tham gia công tác ở Hội cựu chiến binh xã và Hội Người cao tuổi, dù ở vai trò nào ông cũng luôn hoàn thành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ được giao, được người dân trong thôn, trong xã tin yêu, kính trọng.
Cựu chiến binh Hà Kim Đương, cũng như bao chiến sĩ Điện Biên may mắn còn sống đã lựa chọn trở về quê hương với cuộc sống bình dị tiếp tục những công việc thầm lặng. Dù ở cương vị nào, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững bản chất Bộ đội Cụ Hồ, là những công dân gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước, là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Trò chuyện cùng ông, chúng tôi thấy những chiến sĩ anh hùng thuở ấy hiện ra thật sinh động, mộc mạc và gần gũi. Tinh thần "quyết chiến quyết thắng" của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là tượng đài bất tử, là niềm tự hào bất diệt của lớp lớp thế hệ người Việt. Cầm trên tay tấm ảnh về thăm lại chiến trường xưa, ông rưng rưng xúc động, rồi ông đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ trong bài thơ “Trở lại Điện Biên” của nhà thơ Anh Ngọc:
“…Chỉ thấy một vùng cỏ biếc non tơ
Mây trắng bay, mây trắng đến không ngờ
Cành phượng rủ một chùm hoa đỏ chót
Chỉ có thế thôi ư
Mà chính là A1
Mà chính là Him Lam…”
Điện Biên hôm nay đẹp đến vô cùng, nắng trải dài trên sóng lúa mênh mông. Thời gian có thể làm phai mờ nhiều điều. Song với những người lính Điện Biên, thời hoa lửa đó là kí ức rực rỡ nhất của một cuộc đời. Một thời tuổi trẻ không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
TQĐT