Học tập và làm theo: Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo và giá trị tham khảo trong công tác cán bộ hiện nay

25/12/2023 - 23:25
54

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhiệm vụ rèn luyện tư cách, tác phong, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thể hiện trong hệ thống quan điểm, chỉ dẫn của Người về công tác cán bộ; trong đó, nội dung “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo vẫn còn nhiều giá trị tham khảo cả về lý luận và thực tiễn. Thời gian tới, cần tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo, góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ nhân dân tại khu tái định cư sân bay Long Thành tại xã Lộc An, Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai_Nguồn: quochoi.vn

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo

Về nội hàm, thuật ngữ “công” nghĩa là thuộc về nhà nước, việc chung cho mọi người, “bộc” có nghĩa là “đầy tớ”(1); như vậy, cụm từ “công bộc của dân” dùng để mô tả “người đầy tớ chung của dân”(2).Thực tế, công bộc của dân thường được hiểu như một triết lý, tư duy quản lý gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của quan chức, người nắm quyền lãnh đạo (hoặc mở rộng là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước) trong thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân. Trên thế giới, khái niệm công bộc của dân (servant of the people) xuất hiện khá sớm, có nguồn gốc từ tiếng La-tinh “servus” với nghĩa là nô lệ. Ở nước ta thời phong kiến, người thực hiện điều hành cơ quan công quyền là “quan” và “lại”, khi đó, khái niệm “công bộc của dân” chưa xuất hiện. Đến năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, các khái niệm cán bộ, công chức, viên chức lần lượt ra đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gói gọn trong thuật ngữ “công bộc của dân”.

Thực tế, lợi ích của đảng cộng sản cầm quyền luôn gắn bó, thống nhất với lợi ích giai cấp, như C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ rõ: “Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản(3)”. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác(4)vàchính bản thân Người là một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong của người cán bộ trong vai trò “người công bộc”; là hình ảnh đẹp, vĩ đại để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi theo. Trong hệ thống quan điểm của Người về công tác cán bộ, “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo đất nước là nội dung nổi bật; các phát biểu, bài viết của Người đã nhiều lần nhấn mạnh chức vụ, quyền lực của mỗi cán bộ lãnh đạo là do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, cho nên, cùng với việc Đảng cầm quyền, được giao đảm nhiệm các vị trí trọng yếu trong cơ quan Nhà nước, khi thực thi các quyền lực đó, cán bộ lãnh đạo là những người đại diện cho nhân dân, là “công bộc của dân”, chứ không phải “làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân”(5), điều này cũng có nghĩa,tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân(6) và làm cán bộ chính là “suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”(7),...

Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, Người chỉ rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(8). Người tin tưởng và đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo giữ trọng trách lèo lái đất nước; coi họ là người có trách nhiệm chính định hình chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đoàn kết của nhân dân. Nhìn chung, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo biểu hiện ở lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước của dân, do dân, vì dân được thành lập vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra(9). Theo đó, vị thế công bộc, đầy tớ của cán bộ bắt nguồn từ bản chất của chế độ dân chủ, cụ thể: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”(10). Như vậy, nhân dân là chủ thể đích thực của chế độ, người dân chỉ trao cho Đảng, Nhà nước quyền thực thi quyền lực lãnh đạo, quản lý xã hội theo ý tưởng và lợi ích của dân. Do đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là công bộc, là đầy tớ cho người đã giao quyền cho mình và có quyền phế truất mình; nhân dân là ông chủ nắm chính quyền, bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấyvà nếu “Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(11). Để giữ được “vị thế” trong lòng dân, Người căn dặn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, những đại biểu thay mặt nhân dân thi hành quyền lực nhà nước phải yêu thương và trung thành tuyệt đối với Đảng và lợi ích dân tộc, không ngừng tạo dựng niềm tin, sự ủng hộ từ nhân dân.

Thứ hai, “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo được thể hiện ở sự tận tụy và trách nhiệm với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ của chính quyền và các đoàn thể là phụng sự nhân dân, là làm đầy tớ cho dân(12). Tuy nhiên,từ “đầy tớ” ở đây không có nghĩa là “tôi tớ”, “tay sai” mà là tinh thần tận tâm, tận lực phụng sự, mang lại lợi ích cho nhân dân. Người yêu cầu: “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò”(13), tức là “việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”(14); rằng Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi”(15). Theo đó, Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải ghi nhớ rằng họ đang phục vụ lợi ích của nhân dân, đất nước với tinh thần “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(16). Thực tế, sứ mệnh phụng sự nhân dân chính là phụng sự chân lý lớn nhất, nên dù người cán bộ thực hiện vai trò gì, công việc gì, nhưng có lòng tận tụy vì dân thì đều là điều cao quý; đồng thời, cần xác định có làm tốt chức năng của “người lãnh đạo” mới có cơ sở làm tốt chức năng của “người đầy tớ” và chỉ khi làm tốt chức năng “người đầy tớ” thì mới có thể làm tốt chức năng “người lãnh đạo”. Thêm vào đó, người đầy tớ tận tâm, tận lực với dân thì sẽ được dân tin yêu, ủng hộ và quyền lãnh đạo của người làm lãnh đạo, cũng như “vị thế công bộc” được Đảng và nhân dân giao phó sẽ được bảo đảm. Như vậy, “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo được thể hiện ở việc luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, đó cũng là phương pháp, tiêu chí đánh giá năng lực của chính người cán bộ lãnh đạo.

Thứ ba, cán bộ lãnh đạo cần giữ gìn chuẩn mực đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức của cán bộ lãnh đạo, như “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”(17) là phẩm chất căn cốt của người “đầy tớ” nhân dân. Để khẳng định “vị thế công bộc” của mình, người cán bộ phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, như “Phải thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải cần, kiệm, liêm, chính. Phải gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ. Phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức. Chống tham ô, lãng phí. Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân”(18); mặt khác, luôn sẵn sàng đi đầu trong công việc, nỗi lo của dân, nhưng thành quả, niềm vui đạt được thì nhân dân phải được thụ hưởng trước; tránh biến quyền lực dân trao thành quyền lực cá nhân.

Thứ tư,“vị thế công bộc” còn được biểu hiện ở những đức tính, như cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và phong cách ứng xử văn hóa, nhân văn, trọng nghĩa tình, nói đi đôi với làm, sống giản dị,... Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một đặc điểm rất nổi bật là sự khiêm tốn, giản dị. Trong một chế độ mà ngay cả vị Chủ tịch nước luôn coi mình là đầy tớ của dân và khiêm tốn, dám nhận sai, không ngừng học tập, trau dồi để đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước thì chế độ ấy đích thực là của dân, do dân làm chủ. Theo Người, đức tính khiêm tốn, giản dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người, do đó người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe, cập nhật kiến thức, phục vụ nhân dân một cách tận tâm, tránh lối sống tự phụ, xa cách với cuộc sống khó khăn, cực nhọc của người dân.

Ngoài ra, người cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, cần học hỏi và bàn bạc, giải thích với dân chúng về mọi việc, nhưng “tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng(19), dân chúng nói gì cũng làm theo, mà phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, vừa tránh “sợ sai”, “sợ khuyết điểm”; phải có tư duy độc lập, không bị ảnh hưởng bởi mọi yếu tố ngoại lai; tuyệt đối tránh tư duy cá nhân, thái độ kiêng kỵ, vừa tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò “cầm lái” của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chính tư tưởng bảo thủ, duy ý chí, không chịu đổi mới là sợi dây cột chân cột tay người ta, kìm hãm sự tiến bộ, phát triển nên phải tháo bỏ nó đi. Theo Người, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách; bởi “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”(20). “Vị thế công bộc” của người lãnh đạo chính là ở ý chí kiên định và dám làm, dám chịu trách nhiệm như vậy.

Thứ năm, duy trì tinh thầnluôn học hỏi, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và tự cải thiện bản thân để có năng lực đáp ứng công việc. Thực tế, năng lực để “phục vụ nhân dân” được thể hiện qua các yếu tố, như tri thức, kỹ năng, thái độ, hành vi,... Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc học hỏi, tự cải thiện là điều cần thiết cho người cán bộ lãnh đạo, phải “học tập, học tập nữa, học tập mãi” để nâng cao trình độ và khả năng lãnh đạo của mình. Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chất lượng, tận tụy, có đủ tri thức, khả năng thích nghi với tình hình và giải quyết các vấn đề phức tạp - yếu tố quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của dân tộc. Người xem xét vị thế công bộc của người cán bộ lãnh đạo như một sứ mệnh lớn, phải đảm nhận trách nhiệm cao cả để thực hiện mục tiêu của cuộc cách mạng và phục vụ cho lợi ích của nhân dân, đất nước.

Dựa trên quan điểm của Chủ tịchHồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của đội ngũ cán bộ và quá trình đúc kết kinh nghiệm trong thực tiễn, đến nay, đã có nhiều chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước ban hành nhằm bảo đảm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, như Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW,ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”; Quy định số 08-QĐi/TW,ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, trong đó, đề cao tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tránh tình trạng độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; đặc biệt, Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” xác định rõ đội ngũ cán bộ, quản lý phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất năng lực và đạo đức cách mạng(21). Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh, phải xây dựng “đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(22).

Một số vấn đề đặt ra:

Hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, như mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ,... đã hướng sự quan tâm của con người đến lợi ích vật chất, khiến một số người quá đề cao các yếu tố vật chất, hình thành, phát triển lối sống thực dụng, bỏ qua những giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân cách con người, văn hóa xã hội; trong đó có một bộ phận không nhỏ nằm trong hàng ngũ “công bộc của dân”. Mặt khác, nhiệm vụ đổi mới tư duy chính trị và đổi mới tư duy kinh tế chưa có sự đồng bộ, thống nhất nên còn diễn ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”. Thêm vào đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên có nơi, có lúc chưa thường xuyên; tính trung thực (cả trong tư tưởng, chính trị và đạo đức) của không ít cán bộ, đảng viên bị suy giảm nghiêm trọng; vấn nạn tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, gây nhức nhối về đạo đức trong Đảng, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân và xã hội,...

Bên cạnh đó, căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang có dấu hiệu ngày càng xuất hiện phổ biến và dễ lây lan, khó chữa trị; là biểu hiện tâm lý sợ bị liên lụy, thiếu tinh thần, trách nhiệm trong hoạt động công vụ, lo rằng lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng, thiệt thòi... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Những người mắc bệnh “sợ trách nhiệm” sẽ không dám đương đầu với khó khăn, thách thức, không dám đổi mới, sáng tạo; thường rụt rè, do dự, chỉ muốn làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, mong tránh phạm phải khuyết điểm; ngại “va chạm” trong quan hệ công việc, cơ quan, nhất là với cấp trên, thậm chí, lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể(23),... Từ thực tiễn đó, Đảng ta đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị, “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” nhằm chấn chỉnh những đối tượng đang “mắc phải” bệnh sợ trách nhiệm, đồng thời, bảo vệ đội ngũ cán bộ chính trực, dám nghĩ, dám làm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký lắng nghe

kiến nghị của nhân dân phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.vn

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo ngày nay

Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ cũng như phát huy dân chủ trong quần chúng nhân dân(24). Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, phong cách, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, căn bản và trọng yếu trong việc mở rộng các khía cạnh trong công tác xây dựng Đảng trên tinh thần “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(25).

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm, tinh thần cống hiến vì mục tiêu mang lại lợi ích của nhân dân, coi lợi ích của nhân dân là trên hết. Từ tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo ngày nay cần đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất, theo đó trong công việc, nhiệm vụ, phải có sự tận tâm, lo lắng, quyết tâm xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là đức tính trung thực, kiên định, khiêm tốn, minh bạch. Cụ thể, người lãnh đạo cần giữ lời hứa, thực hiện các cam kết, từ đó, tạo niềm tin vững chắc cũng như sự tôn trọng từ nhân dân. Mặt khác, cần đổi mới để có các biện pháp xử lý phù hợp, đủ mạnh, đủ sức răn đe hơn, tránh kẽ hở, yếu kém để các đối tượng vị lợi, thoái hóa, biến chất lợi dụng hòng tham nhũng, trục lợi, chà đạp lên lợi ích, vô trách nhiệm với đời sống người dân.

Thứ ba, chú trọng đúng mức nhiệm vụ đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, đội ngũ lãnh đạo cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo và đổi mới phương thức quản lý và phát triển xã hội. Mặt khác, nâng cao ý thức học hỏi và tự phát triển, cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng lãnh đạo của mình để có khả năng đối phó với thách thức của tình hình mới; tạo điều kiện kết hợp giáo dục rèn luyện trong tập thể với phát huy tính chủ động, tự giác trong rèn luyện và tu dưỡng cá nhân. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ tư, biết lắng nghe, thương yêu, có trách nhiệm với đời sống người dân. Người cán bộ lãnh đạo ngày nay cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng, đồng thời tạo cơ hội cho người dân được tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề chung. Ngoài ra, “vị thế công bộc” cần được đi kèm với trách nhiệm và lòng tự trọng; tuân thủ nguyên tắc đạo đức và dám chịu trách nhiệm trong tất cả quyết định và hành động của mình. Hiện nay, để tránh tình trạng không dám nghĩ, dám làm, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo vừa phải không ngừng trau dồi bản lĩnh, ý chí kiên định thực hiện mục tiêu cách mạng, vừa luôn học hỏi và lắng nghe nhân dân; dám nghĩ, dám làm và dám ra quyết định ở những thời điểm khó khăn, có tính bước ngoặt; gần gũi, chân thành, tin tưởng đồng chí, đồng bào,... để quy tụ được mọi người, kiến tạo nguồn sức mạnh của khối đoàn kết trong chính quyền và nhân dân.

Thứ năm, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc phát hiện những biểu hiện thoái hóa, biến chất cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao nhằm trục lợi, tham ô, tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm; cấp ủy, đảng viên phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân,... Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo cần giữ gìn đức tính trong sạch, trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, ỷ lại, vô trách nhiệm với nhân dân, đất nước./.

-------------------------

(1) Xem: Phan Văn Các: Từ điển Hán Việt, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 99
(2) Xem: Viện ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2000, tr. 206
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 614
(4) Xem: Nguyễn An Ninh: “Giữ vững, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong điều kiện hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 20-12-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/824500/giu-vung%2C-phat-huy-ban-chat-giai-cap-cong-nhan-cua-dang-trong-dieu-kien-hien-nay.aspx
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 113
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 83 - 84
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 670
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 - 65
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 572
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75
(12) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 432
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 432
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 518
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453
(17) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 4, tr. 21
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 438
(19), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 338, 320
(21) Trong đó, có nhiều tiêu chí quan trọng được đề cập, như có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc,...
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 187
(23) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 467
(24) Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”...
(25) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 180

bình luận

Tìm kiếm

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: UBND Thành phố Tuyên Quang

Đơn vị thường trực: Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Thành phố Tuyên Quang

Trưởng Ban biên tập: Bà Vũ Quỳnh Loan - Thành uỷ viên - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố

Địa chỉ: Phường An Tường, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.

Điện thoại hỗ trợ: (02073) 823 300 - Fax: (02073) 823 300

Email: thanhpho@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang