Con người là nguồn vốn của mọi nguồn vốn, là nguồn lực quan trọng nhất của mọi nguồn lực, giá trị cao nhất của mọi giá trị - Ảnh: bvhttdl.org.vn
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người Việt Nam là sự kết tinh và phát triển các giá trị của dân tộc và thời đại
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người Việt Nam là sự kết tinh và phát triển các giá trị của dân tộc
Dân tộc Việt Nam luôn coi trọng nhân tố con người, xem con người là vốn quý nhất
Con người vừa là sản phẩm của lịch sử, đồng thời lại sáng tạo ra lịch sử, thúc đẩy xã hội phát triển. Cha ông ta từng nói “Một mặt người bằng mười mặt của”, luôn đặt phẩm giá con người lên trên hết “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Tốt danh hơn lành áo”...
Hồ Chí Minh sớm khẳng định con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”(1). Vì thế, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, con người là vấn đề số một của cách mạng. Người thường nói: Tất cả là do con người, có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(2).
Về xây dựng con người, dân tộc Việt Nam luôn đề cao giá trị tinh thần
Giá trị tinh thần là những thứ làm nên nhân cách, phẩm giá con người, với những giá trị tiêu biểu, như: Yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, nhân ái, yêu thương lẫn nhau, coi trọng nghĩa tình; yêu lao động, cần cù chịu khó... Những giá trị tinh thần đó được hình thành, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, lao động, sản xuất, chiến đấu, sáng tạo. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã hình thành nên những phẩm chất, bản lĩnh, bản chất, thể hiện tinh hoa của các giá trị truyền thống, làm nên cốt cách, bản sắc con người Việt Nam.
Hồ Chí Minh luôn đề cao giá trị tinh thần của con người Việt Nam “tinh thần dân tộc” làm nên sức mạnh Việt Nam. Những giá trị tinh thần của con người Việt Nam được Hồ Chí Minh kế thừa, bổ sung, phát triển, nâng lên tầm cao mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin: Từ lòng yêu nước truyền thống đã trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại cách mạng vô sản; từ truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa đã nâng lên trở thành vấn đề mang tính chiến lược của cách mạng, đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế; từ lòng nhân ái yêu thương con người được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, mang bản sắc Việt Nam.
Người Việt Nam truyền thống luôn coi trọng đạo đức
Người Việt Nam coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là để dựng làng, giữ nước; khuyên răn con người ăn ở có “đức”, có “nhân”. Người Việt Nam thường đúc kết kinh nghiệm tu dưỡng đạo đức, kinh nghiệm ứng xử bằng những câu ca dao, tục ngữ gần gũi, dễ nhớ, không mang tính kinh viện, thường xây dựng hình ảnh nhân vật, những hiện tượng đạo đức thông qua những câu chuyện cổ tích thần kỳ để giáo dục, cảm hóa con người. Người Việt Nam luôn coi trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn những người có công với đất nước; ứng xử trọng tình, trọng nghĩa.
Kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh luôn coi trọng giá trị đạo đức, xem đó là yếu tố cốt lõi, tiêu chuẩn nhân cách của con người. Nhất là đối với người cách mạng, đạo đức như gốc của cây, nguồn của sông, suối. Hồ Chí Minh thường sử dụng những mệnh đề đạo đức truyền thống, gạt bỏ những yếu tố lạc hậu, duy tâm, đưa vào những nội dung mới trở thành phẩm chất đạo đức của người Việt Nam trong thời đại mới. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng những hình ảnh tiêu biểu, điển hình về đạo đức để toàn xã hội học tập, noi theo; đồng thời Người phát triển, nâng lên tầm cao mới, coi đó là nhân tố làm nên sức mạnh tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới.
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam là cơ sở, nền tảng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người.
Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người Việt Nam là sự kết tinh và phát triển các giá trị của thời đại
Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng về giá trị của con người phương Đông
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, Hồ Chí Minh sớm tiếp thu Nho giáo một cách căn bản và có hệ thống. Hồ Chí Minh tiếp thu giá trị con người thông qua quan niệm của Nho giáo về vị trí, vai trò của con người trong mối quan hệ giữa Trời, Đất, Con người và Vạn vật trong vũ trụ. Lão Tử cho rằng trong vũ trụ có 4 cái lớn: Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn, Người cũng lớn. Con người cùng với Trời, Đất là 3 ngôi tiêu biểu cho tất cả mọi vật trong thế giới vật chất và tinh thần. Hồ Chí Minh khẳng định con người có vị trí, vai trò rất to lớn, là lực lượng có sức mạnh vô địch. Người nói: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(3); “Dễ mười lần không dân cũng chịu; Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(4).
Hồ Chí Minh tiếp thu giá trị con người thông qua quan niệm về Thiện - Ác của Nho giáo. Trong cuộc sống, Hồ Chí Minh thường hay mượn câu của Nho giáo “Nhân chi sơ, tính bản thiện” làm đầu đề nói chuyện. Hồ Chí Minh giải thích vấn đề Thiện - Ác một cách giản dị, sáng rõ: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người THIỆN và người ÁC. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: việc CHÍNH và việc TÀ. Làm việc CHÍNH, là người THIỆN. Làm việc TÀ là người ÁC”(5).
Hồ Chí Minh gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, tiếp thu những yếu tố tích cực, trong tư tưởng đạo đức của Nho giáo, mở rộng và phát triển lên một tầm cao mới, một phạm vi rộng lớn hơn. Thí dụ như quan niệm Trung - Hiếu. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh rộng hơn, không chỉ là Trung với vua, Hiếu với cha mẹ, mà là Trung với Đảng, với nước, Hiếu với nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, “NHÂN là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào (...) sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ... không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền”(6). “NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy... không có lợi ích riêng phải lo toan... Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói”(7)... Hồ Chí Minh đã sắp xếp lại các chuẩn mực đạo đức Nho giáo thay vì “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” thì Người yêu cầu: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”(8).
Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người Việt. Phật giáo chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh, như: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”, khuyên răn con người yêu thương lẫn nhau, sống trong sạch, sống có đạo đức, làm điều thiện, tránh điều ác, yêu lao động...(9). Từ triết lý của Phật giáo, Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng con người có cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm.
Hồ Chí Minh cũng tiếp thu những yếu tố tích cực của các tôn giáo, mong muốn xây dựng một xã hội văn minh, quan hệ giữa người với người tốt đẹp, sống trung thực.
Như vậy, Hồ Chí Minh tiếp nhận các giá trị xây dựng con người của phương Đông không phải là một sự tiếp nhận máy móc, sao chép, cũng không phải chỉ là sự gạn lọc tinh hoa một cách đơn thuần, không có cải biến đổi mới, bồi đắp và nâng cao. Hồ Chí Minh đã cho chúng ta những bài học để tiếp nhận các dòng tư tưởng phương Đông về xây dựng con người. Và chính Người là tấm gương, là sự tỏa sáng những phẩm chất đạo đức và vẻ đẹp của một phong độ thanh tao, cao quý, tỏa sáng những nét đặc sắc của người phương Đông.
Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng về giá trị của con người phương Tây
Hồ Chí Minh tiếp cận giá trị văn hóa Pháp và văn hóa phương Tây từ rất sớm. Ngay từ khi còn học ở trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc học Huế, qua một số tờ báo tiếng Pháp có xu hướng tự do, Người đã được tiếp xúc với văn hóa Pháp, với các khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là những giá trị tốt đẹp của nhân loại. Những tư tưởng tiến bộ của Cách mạng Pháp năm 1789 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Người và là một trong những yếu tố tác động đến Người trong việc sang phương Tây để tìm đường cứu nước, cứu dân.
Sau này, trên hành trình tìm đường cứu nước, được sống, hoạt động ở môi trường văn hóa phương Tây, có điều kiện đọc các tác phẩm văn học đặc sắc, đề cao khát vọng tự do, phê phán những bất công, bất bình đẳng trong xã hội, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp, trực tiếp tìm hiểu tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng. Người đã đến nước Mỹ, tìm hiểu tinh thần bất hủ của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(10). Quyền con người là quyền thiêng liêng, vốn có. Hồ Chí Minh đã khái quát, nâng lên thành quan điểm tư tưởng của mình, đó là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(11).
Thiên Chúa giáo có ảnh hướng sâu sắc trong xã hội phương Tây. Khi nói tới Thiên Chúa giáo, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giá trị nhân văn, lòng thương người “Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả”(12).
Đối với Hồ Chí Minh, lòng nhân ái trước hết phải hướng về những con người lao khổ, lòng nhân ái phải biến thành sức mạnh để phá tan chế độ áp bức bóc lột. Bởi vậy, “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh... Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý ở đó có Hồ Chí Minh... Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh”(13).
Hồ Chí Minh tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người, giá trị con người
Từ quan điểm lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải về vấn đề con người, giá trị của con người. Giá trị của con người thể hiện trước hết ở chỗ, con người không chỉ là sản phẩm của lịch sử, mà con người còn làm nên lịch sử. Các ông viết: “hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”(14). Con người là chủ thể của sự tồn tại và phát triển của xã hội, tạo ra giá trị xã hội.
Trong Bản thảo kinh tế - triết học (năm 1884), C.Mác đã nêu lên giá trị con người thông qua khái niệm “lực lượng vật chất” người và lý thuyết “tha hóa” người.
Trong Luận cương thứ sáu về Phơ-bách, C.Mác khẳng định: “bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(15). Không có con người trừu tượng, mà chỉ có người sống, hoạt động trong một xã hội nhất định, một thời đại nhất định, trong những điều kiện lịch sử nhất định.
Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng khẳng định tính lịch sử - xã hội, tính giai cấp, tính thực tiễn và sự nhận thức được các giá trị. Giá trị là những hiện tượng xã hội đặc thù và mọi giá trị đều có nguồn gốc từ lao động sáng tạo của con người. Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng và cá nhân thường có những quan niệm khác nhau về giá trị. Khi xã hội thay đổi thì thang giá trị cũng thay đổi. Lịch sử loài người suy đến cùng là quá trình không ngừng tìm kiếm, nhận thức các giá trị; là quá trình phát hiện, lựa chọn, kế thừa các giá trị mới phù hợp với sự phát triển của xã hội. Khi những giá trị của cá nhân có ý nghĩa, tác dụng đối với cộng đồng, được xã hội thừa nhận sẽ trở thành giá trị xã hội, đến lượt mình, giá trị xã hội có vai trò định hướng cho hoạt động của con người.
Tiếp thu thế giới quan khoa học và phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh quan niệm con người, trong cấu trúc nhân cách, là một hệ thống bao gồm tổng hòa nhiều yếu tố hợp thành như thể lực và trí tuệ, tính người - mặt xã hội và tính bản năng - mặt sinh học của con người. Đồng thời, nhìn nhận con người trong tính đa dạng của nó: đa dạng trong quan hệ xã hội (quan hệ dân tộc, giai cấp, tầng lớp, đồng chí, đồng bào...); đa dạng trong tính cách, khát vọng, phẩm chất, khả năng; đa dạng trong hoàn cảnh xuất thân, điều kiện sống, làm việc, v.v..
Hồ Chí Minh cho rằng, trong bất cứ xã hội nào cũng đều có người tốt và người xấu; trong mỗi con người ai cũng có mặt tốt và mặt xấu. Tính tốt hay xấu, thiện hay ác trong mỗi con người không phải sinh ra đã có sẵn, mà do điều kiện xã hội, do giáo dục mà nên. Từ thực tiễn hòa mình vào cuộc sống và cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc bị áp bức, Người đã rút ra kết luận: “Trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(16).
Hồ Chí Minh tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về giá trị con người trên cả hai phương diện: tư duy lý luận và phẩm chất đạo đức của V.I.Lênin. Hồ Chí Minh nhận thấy, V.I.Lênin là một người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất. Hồ Chí Minh ca ngợi tấm gương đạo đức cách mạng của V.I.Lênin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”(17).
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam để Đảng ta đề ra đường lối, chủ trương về xây dựng con người
Quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng con người, trong Cương lĩnh, đường lối, các nghị quyết, Đảng ta luôn kiên định quan điểm xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã mở đầu thời kỳ đổi mới đất nước, đồng thời cũng đánh dấu mốc quan trọng cho những quan điểm, tư tưởng của Đảng về xây dựng, phát triển con người trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VI chỉ rõ: “Tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới”(18).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã xác định một trong những đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng là “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(19).
Về quan điểm và mục tiêu phát triển, Cương lĩnh nhấn mạnh: “Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người. Chiến lược kinh tế - xã hội đặt con người vào vị trí trung tâm, giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và của cả cộng đồng dân tộc, động viên và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước”(20).
Cương lĩnh đã nêu lên những phẩm chất của con người Việt Nam: “Đó là con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”(21).
Tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng nhấn mạnh vai trò của khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa trong xây dựng con người mới. Đảng ta khẳng định: “Khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu bằng khoa học và công nghệ... Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(22).
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) xác định nội dung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”(23).
Đại hội X của Đảng (năm 2006) đề cập đến xây dựng nhân cách con người Việt Nam, trong đó đặc biệt chú ý đến xây dựng nhân cách đối với thế hệ trẻ Việt Nam: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”(24).
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục nhấn mạnh việc xây dựng con người Việt Nam “giàu lòng yêu nước; có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa; có tinh thần quốc tế chân chính”(25).
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã đặt con người Việt Nam vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những quan điểm đúng đắn về phát huy sức mạnh con người Việt Nam phù hợp bối cảnh mới của đất nước và thời đại: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”(26).
Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tiếp tục khẳng định việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, với 4 giá trị cốt lõi là Trí - Đức - Thể - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trung ương Đảng không những xác định nhiệm vụ quan trọng là “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”(27), mà còn nêu rõ các phẩm chất, năng lực của con người phát triển toàn diện Việt Nam thời kỳ đổi mới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước(28).
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) xác định tính tất yếu phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học nhằm “phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”(29); “phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”(30); “đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”(31) trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đảng yêu cầu phải “tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật”(32). Đảng ta coi đây là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống chính trị nước ta hiện nay, thể hiện tầm nhìn mới, hết sức đúng đắn của Đảng, không những phù hợp với thời đại mà còn đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”(33).
Đại hội tiếp tục xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc (...) tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(34).
Đường lối đổi mới của Đảng đã không ngừng được bổ sung, phát triển và dần hoàn thiện, trong đó, về xây dựng con người, Đảng ta luôn khẳng định: Con người là nguồn vốn của mọi nguồn vốn, là nguồn lực quan trọng nhất của mọi nguồn lực, giá trị cao nhất của mọi giá trị. Con người Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là sức sống của đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)
Ngày nhận bài: 04-4-2023; Ngày bình duyệt: 16-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.281.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.66
(3), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.333, 291-292, 292, 291.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.280.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.129.
(9) Tư tưởng Lục hòa của Phật giáo: Thân hòa đồng trụ (công việc nên nhường nhịn nhau); Giới hòa đồng tu (các giới hòa thuận với nhau); Ý hòa đồng hiệp (ý kiến thống nhất với nhau); Khẩu hòa vô tranh (nói năng nhường nhịn nhau); Lợi hòa đồng quân (lợi ích cùng hưởng); Kiến hòa đồng giải (cùng nhau kiến thiết).
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.1, 1.
(12) Theo Trương Niệm Thức: Hồ Chí Minh truyện, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, tháng 6-1949 (bản dịch tiếng Việt của Đặng Nghiêm Vạn), tr.41-42.
(13) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao động - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.90.
(14), (15) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.41, 11.
(16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.287, 317.
(18) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Sđd, 2007, tr.447.
(19), (20), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Sđd, 2007, tr.134, 154, 140-141.
(22) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.55, Sđd, 2007, tr.388-389.
(23) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.60, Sđd, 2016, tr.202.
(24) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.65, Sđd, 2018, tr.205.
(25) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.69, Sđd, 2018, tr.507.
(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.76.
(27), (28) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết và một số chủ trương Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.16, 16.
(29), (30), (31), (32) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, 2016, tr.29, 53, 27, 27.
(33) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, 2021, tr.143.
(34) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, 2021, tr.330.
PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG
TS Nguyễn THỊ LƯƠNG UYÊN
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh