Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang đánh giá kết quả thực hiện Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam.
Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” thực hiện tại tỉnh Tuyên Quang được Hội nông dân thành phố Tuyên Quang lựa chọn 6 mô hình để triển khai thực hiện từ năm 2023. Nội dung của Dự án tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng 5 giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế. Đây là những kỹ thuật khá đơn giản, dễ làm, thân thiện với môi trường. Người nông dân có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi; ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm cây trồng ngay tại ruộng; nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế bằng phân lợn, phân trâu, bò, gà, thức ăn thừa... tạo nguồn thức ăn mới cho vật nuôi và nguồn phân bón hữu cơ giá trị; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp giảm công dọn chuồng, không còn mùi khó chịu trong chuồng nuôi, gà lớn nhanh, khỏe, ít bị mắc các loại bệnh. Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 205 hộ gia đình áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường và các mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Đại biểu dự Hội nghị
Tại Chương trình, các đại biểu dự Hội nghị được theo dõi Tọa đàm với 3 chủ đề về: kỹ thuật chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học dày; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng làm phân bón; kỹ thuật nuôi sâu can xi, nuôi trùn quế làm thức ăn trong chăn nuôi.
Các hộ nông dân tham gia Dự án chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp áp dụng mô hình
Với hình thức tọa đàm, đánh giá kết quả triển khai Dự án, các đại biểu dự Hội nghị được nghe chia sẻ các kỹ thuật, kinh nghiệm và lợi ích từ việc triển khai các Dự án của 9 hộ tiêu biểu áp dụng tốt các kỹ thuật của Dự án. Qua đó, tuyên truyền về hiệu quả của việc chuyển hóa, xử lý chất thải hữu cơ từ thực phẩm thừa và trong sản xuất nông nghiệp; đánh giá sự thay đổi trong thói quen sản xuất nông nghiệp, lợi ích kinh tế từ khi áp dụng các kỹ thuật của Dự án, nhân rộng các mô hình kỹ thuật của Dự án, Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong xử lý chất thải hữu cơ theo hướng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tin và ảnh: Thanh Xuân - Trung tâm VH, TT và TT thành phố