Con rắn - sinh vật lạ thường
Rắn không có chân nhưng lại di chuyển nhanh như chớp. Những con rắn độc có thân hình tuy bé nhưng nọc độc của nó có thể giết chết một con vật to khỏe trong nháy mắt.
Họ nhà rắn có thể không ăn trong một thời gian dài nhưng lại có cái dạ dày kinh người. Những đốt xương nối từ đầu đến vòm họng rắn có những sợi dây chằng nối liền nhau nên nó có thể vận động thoải mái, miệng có thể há rộng sang hai bên, nên nó có thể nuốt chửng những thức ăn lớn hơn đầu nó.
Rắn sinh sản rất mạnh và có sức sống dẻo dai. Cứ cách 2, 3 tháng rắn lại lột xác một lần, sau khi lột xác, thân hình nó dài ra như được tái sinh. Không giống những loài bò sát khác, cách thức lột da của rắn giống như người ta tháo bỏ một chiếc bít tất.
Nó cọ đầu và mũi vào những vật cứng, như đá hoặc cây cối, cho tới khi da rách và bắt đầu lột. Mục đích cơ bản của việc này là để trưởng thành, lột da cũng khiến rắn loại bỏ ký sinh trùng. Sự tái sinh này biểu hiện cho một sự hồi phục. Bởi thế biểu tượng của y học hiện đại là bức tranh con rắn quấn quanh Rod of Asclepius (cái gậy của Thần Y Thuật).
Rắn trong kho tàng dân gian
Trong tâm thức dân gian người Việt, loài rắn có nhiều đặc điểm “tương đồng” với tính cách, hành động của con người:
Những người tính cách thẳng thắn thường được ví với: “Thẳng như rắn bò”. Những kẻ trâng tráo, mắt luôn thao láo liếc ngang, nhìn dọc thì được xem là: “Thao láo như mắt rắn ráo”. Những kẻ hay kêu la: “Oai oái như rắn bắt nhái”. Người hay gân cổ cãi cọ: “Bạnh cổ như cổ hổ mang”; có hành động lén lút, sợ sệt: “Len lét như rắn mùng năm”; kẻ hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật: “vẽ rắn thêm chân”. Đối với những kẻ phản bội gia đình, Tổ quốc: “Cõng rắn cắn gà nhà”...
Trong đồng dao, ca dao, câu đối của người lao động xưa cũng có nhiều hình ảnh đề cập đến rắn: “Bao giờ cho đến tháng ba, ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”, “Rồng rắn lên cây, có cây núc nác, có nhà hiển vinh”, “Cây xương rồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long, Quả dưa chuột, truột một gang, thử ăn thì thử!”.
Rắn cũng đi vào chuyện tình trao đổi giữa trai gái trong lễ hội:
“Con rắn hổ mây nằm cây
thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ
chỉ thiên
Phận em là gái
thuyền quyên
Ai mà đối đặng kết nguyền
phu thê”.
Truyện cười dân gian Việt Nam có câu chuyện con rắn vuông để phê phán nạn bốc phét trong xã hội. Chuyện rằng, có anh tiều phu kể với vợ rằng mình đã trông thấy một con rắn bề dài hai mươi thước, bề ngang một trăm hai mươi thước. Bị vợ cật vấn, anh ta trừ lùi để rồi quả quyết đã trông thấy con rắn dài đúng hai mươi thước, không kém một tấc, một phân nào. Chị vợ bò lăn ra cười, bề ngang hai mươi thước, bề dài hai mươi thước, thế thì là con rắn vuông rồi.
Rắn trong bài thơ kỳ lạ của Lê Quý Đôn
Trong văn học sử của ta, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã sáng tác một bài thơ thất ngôn bát cú có liên quan đến loài rắn trong một trường hợp khá ly kỳ như sau:
Thuở nhỏ, cậu bé Lê Danh Phương (tên đầu tiên của Lê Quý Đôn) rất cứng đầu và biếng học. Cha Phương quở trách, buộc cậu làm một bài thơ trong đó phải có điều gì liên quan đến sự cứng đầu, cứng cổ để tạ tội.
Phương vâng lời và đọc ngay một bài có tên là “rắn đầu” nghĩa bóng là cứng đầu như sau:
“Chẳng phải liu điu vẫn
giống nhà,
Rắn đầu biếng học, chẳng
ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau
lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát
cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng
nói dối,
Lằn lưng cam chịu vết
roi tra.
Từ nay Trâu Lỗ chăm
nghề học.
Kẻo hổ mang danh tiếng
thế gia”.
Cái hay của bài thơ là bài giảng cho học trò về đạo học như một bài học về động vật học. Đây là bài thơ viết theo thể Đường luật vì thế các vế đối phải nghiêm chỉnh, gieo vần đúng luật. Ông đã khéo léo đưa được các tên loại rắn vào một cách tự nhiên: “Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ, Nay thét mai gầm rát cổ cha”. Hổ lửa và mai gầm là tên hai loài Rắn nhưng nội hàm còn có ý nghĩa khác về động thái của con người. Cặp đôi thẹn đèn - hổ lửa và nay thét - mai gầm nói lên hai cách ứng xử hai tính cách của mẹ và cha. Mẹ dịu dàng kín đáo, cha mạnh mẽ răn đe, tất cả đều mong muốn con mình “Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”. Hai câu thực này của bài thơ vừa có tính so sánh vừa mang tính khách quan thì hai câu luận tiếp theo: “Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối, Lằn lưng cam chịu vết roi tra” đẩy tình huống trạng thái cảm xúc lên bậc cao hơn như buột ra từ lòng mình. Có chút giận dỗi mắng mỏ nhưng lại đầy bao dung nhân ái của ông đồ nho nghiêm khắc trước đám học trò nhỏ tuổi và nghịch ngợm này.
Bài thơ đến nay vẫn còn ý nghĩa với tác động “khuyến học” của nó. Và Rắn vẫn mang một vẻ đẹp riêng không những của uy lực thần linh mà còn là một vị thuốc y học cổ truyền - Rắn có một vẻ đẹp hoang dã nhưng rất gần gũi với con người. Đó cũng là loài động vật sinh ra để cân bằng môi trường sinh thái diệt những loài động vật gây hại mùa màng...
TQĐT