Cùng với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của những tập đoàn, doanh nghiệp, “Thương hiệu Việt” còn là những sản vật địa phương nổi tiếng và đáng tự hào. Ngày Thương hiệu Việt Nam không chỉ tôn vinh “Thương hiệu Việt”, “Giá trị Việt”, mà còn nhắc nhở từng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đóng góp tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh địa phương.
Mật ong Tuyên Quang của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) là một trong số ít sản phẩm nông sản được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017. Sau 2 năm được công nhận, sản phẩm của hợp tác xã đã tạo dựng được uy tín và không ngừng mở rộng thị trường. Sau khi được công nhận thì việc tìm kiếm thị trường dễ dàng hơn, sản phẩm được khách hàng tin tưởng và ghi nhận. Doanh thu của hợp tác xã cũng không ngừng tăng, nếu như năm 2017 là trên 3 tỷ đồng thì năm 2019 đạt trên 5,5 tỷ đồng. Chị Bùi Thanh Hà, thành viên Ban Quản trị Hợp tác xã cho biết, hiện mỗi năm, hợp tác xã xuất bán ra thị trường trên 500 tấn mật ong, trong đó có khoảng 300 tấn phục vụ xuất khẩu, còn lại là thị trường nội địa. Giá bán mỗi lít mật ong dao động từ 150 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng tùy loại. Trong Đề án phát triển hợp tác xã từ nay đến năm 2025, ngoài tiếp tục thu mua, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm mật ong của người chăn nuôi ong trong và ngoài tỉnh, Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ sẽ đầu tư dây chuyền máy móc tự động hóa, in chân tầng ong để phục vụ người chăn nuôi có nhu cầu.
Cam sành Hàm Yên 2 lần được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” vào năm 2017 và năm 2019.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện số sản phẩm của Tuyên Quang tham gia và được công nhận, tôn vinh là thương hiệu quốc gia chưa nhiều, nhưng đã có nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tạo được uy tín trên thị trường. Như sản phẩm chè của Công ty cổ phần Chè Tân Trào được công nhận là sản phẩm xuất khẩu uy tín; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, Mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân đứng Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018; cam sành Hàm Yên 2 lần được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” vào các năm 2017 và năm 2019…
Câu chuyện xây dựng, phát triển nhãn hiệu địa phương, đặc biệt là nông sản, hiện vẫn đang là bài toán mà các ngành liên quan chung tay tìm lời giải. Sản phẩm có nhãn hiệu, có chứng nhận của cơ quan chuyên môn chưa đủ, mà để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng đầu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sản phẩm Rau an toàn Hồng Thái của huyện vùng cao Na Hang được chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2017. Năm 2019, Hợp tác xã Tân Hợp, đơn vị quản lý, phát triển nhãn hiệu ký hợp đồng với Siêu thị Vinmart Tuyên Quang, cung ứng sản phẩm rau an toàn vào siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo anh Đặng Đức Hầu, Giám đốc Hợp tác xã, việc cung ứng sản phẩm không được đều do phía Vinmart cũng chủ động được nguồn đầu vào tương đối ổn định. Thêm vào đó, do các thành viên chưa biết cách chăm sóc, thu hoạch, nên nhiều sản phẩm có mẫu mã không bắt mắt, không nhận được thiện cảm của người tiêu dùng. 3 tháng đầu năm nay, đơn vị này xuất bán ra thị trường hơn chục tấn rau su hào, bắp cải. Ông Hầu cho rằng, về lâu dài, để sản phẩm có thể cạnh tranh và có mặt trong các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã sẽ tập trung đảm bảo nguồn cung ổn định, nâng cao chất lượng đi đôi với cải thiện mẫu mã sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm tin tưởng, lựa chọn.
Tuyên Quang hiện đã có gần 50 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu. Để mỗi sản phẩm là tiếng nói của địa phương, là niềm tự hào của chính những người sản xuất và sở hữu nó, sau mỗi nhãn hiệu, là hành trình để các doanh nghiệp, hợp tác xã chứng minh giá trị sản phẩm trên thị trường thông qua chính sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Theo TQĐT