1. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh những tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động còn có 12 loại hình “tà đạo”, “đạo lạ” hoạt động. “Tà đạo” du nhập từ nước ngoài vào địa bàn như: Pháp môn diệu âm; Hội Thánh của Đức chúa trời mẹ; Năng lượng gốc Trống đồng Việt Nam; Hội Thánh đức Chúa trời toàn năng (Tia chớp Phương đông) và Pháp luân công. “Tà đạo” do số đối tượng trong nước thành lập gồm: Văn hóa tâm linh vô sản Hồ Chí Minh; Ngọc Phật Hồ Chí Minh; Hoàng thiên long; Giáo hội Lạc Hồng; Long hoa di lặc; Thuyền phái Trúc Lâm; Trừ quỷ Bảo Lộc.
* Bản chất, thủ đoạn hoạt động của “tà đạo”, “đạo lạ”
- Tạo dựng “tôn giáo” từ các yếu tố được nhiều người biết đến và quan tâm, bước đầu đã có sự tôn kính nhất định như: Đối tượng thờ phụng là các hình tượng trong truyền thuyết dân gian, các vị vua có công với đất nước, anh hùng dân tộc, lãnh tụ cách mạng... Nội dung giáo lý hướng vào giải tỏa sự lo lắng của nhiều người về những vấn đề phổ biến như: thiên tai, thảm họa môi trường, giữ gìn sức khỏe, chống lại bệnh tật, về cuộc sống sau khi chết...Cách thức hành lễ thường “vay mượn” của tôn giáo truyền thống, tín ngưỡng dân gian như: vái, lạy, cầu xin, sám hối, ban ơn, bố thí...
- Đối tượng tuyên truyền mà các tà đạo hướng đến trước hết là những người có trình độ nhận thức và điều kiện sống ở mức thấp tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người gặp vấn đề về sức khỏe, bệnh tật, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức... với những luận điệu lừa bịp, lôi kéo, khống chế như: theo đạo sẽ tránh bị hình phạt trong “ngày tận thế”, ốm không phải dùng thuốc, chỉ cần cầu cúng là khỏi... Các tà đạo thường có hiện tượng sùng bái giáo chủ, thần thánh hóa giáo chủ khác với tôn giáo truyền thống là đối tượng sùng bái là những bậc Thánh hiền, siêu trần, thoát thế nên nói chung tôn giáo truyền thống vẫn phát huy được tác dụng hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người, còn tà đạo thường có lập trường, tư tưởng cực đoan, chống lại hiện thực xã hội; thực hành lối sống phi
pháp.
- Cách thức tuyên truyền thường dựa vào những vỏ bọc phù hợp tâm lý, được đông đảo người dân chấp nhận như: hoạt động từ thiện, thể thao, hội nghị, hội thảo, thuyết giảng và bảo vệ môi trường... Một số tà đạo, đạo lạ có những hoạt động hòa nhập xã hội, tìm cách tiếp cận, tranh thủ quan hệ với chính quyền, lợi dụng các tổ chức chính trị, xã hội, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động, từng bước công khai hóa hoạt động.
- Sử dụng các phương tiện hiện đại để tuyên truyền, hướng dẫn sinh hoạt tà đạo như lập các trang web, in sao nhân bản băng, đĩa hình, chia sẻ trên các trang mạng xã hội như facebook, fanpage, blog...kết hợp với truyền miệng, phát tài liệu tại các nơi tập trung đông người, khu dân cư hoặc thông qua đường bưu điện gửi đến các cấp chính quyền nên khó kiểm soát, ngăn chặn.
- Phát triển lực lượng, tổ chức ở trong nước thông qua số đối tượng cốt cán từ nước ngoài nhập cảnh để tuyên truyền lôi kéo, hình thành tổ chức, cung cấp tài liệu cho số đối tượng trong nước hoạt động, truyền đạo, móc nối, xây dựng lực lượng cốt cán. Một số “tà đạo”, “đạo lạ” thiết lập, phát triển hệ thống nhà hàng đồ chay hoặc dưới chiêu bài hợp lý để thu hút như: luyện tập khí công, dưỡng sinh nâng cao sức khỏe... từ đó số đối tượng cầm đầu đã có điều kiện tiếp cận, lôi kéo nhiều người tham gia.
Có thể khẳng định, hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ” đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, trật tự an toàn xã hội như tuyên truyền mê tín dị đoan; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe (như khuyên không dùng thuốc, không khám bệnh khi ốm mà chỉ cần cầu xin và dùng "thuốc tiên"), đến nhân phẩm (dùng thần quyền khống chế, lừa gạt) gây chia rẽ gia đình, mất đoàn kết trong cộng đồng, mất ổn định xã hội.
* Đặc điểm nhận diện các tà đạo
- Về giáo lý, giáo luật: chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một số điều trong giáo lý của các tôn giáo truyền thống, đã hình thành từ lâu, nên có những lời khuyên, điều răn hướng thiện, giúp xoa dịu, an ủi con người về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có những nội dung trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học, trái với quy luật tự nhiên, thậm chí phi nhân tính, lợi dụng các tà thuyết về ngày tận thế hoặc gắn với các nhu cầu đảm bảo sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế quần chúng.
- Về mục đích hoạt động: Hầu hết các tà đạo đều có mục đích chung là phục vụ lợi ích của giáo chủ (người sáng lập) và số đối tượng cốt cán, tay chân của giáo chủ, nhằm thu lợi về kinh tế thông qua thu lệ phí, bán “sắc phong”, “bùa”, sách, kinh hoặc thuốc chữa bệnh...
-Về nghi lễ hành đạo: Mang nặng yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp, phản khoa học như: Quan hệ tình dục tập thể hoặc với giáo chủ để đắc đạo (Đạo chân không ở Hà Tĩnh); hủy hoại tài sản, bỏ thờ cúng tổ tiên, ăn chay trường (Hội
thánh của Đức Chúa trời mẹ)...
- Phương thức hoạt động thiên về hoạt động thực tiễn, nhưng lén lút, thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; lợi dụng kẽ hở của pháp luật hay thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền, phát triển tà đạo; lợi dụng những vùng đồng bào trình độ nhận thức còn hạn chế, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để dụ dỗ, lừa bịp, lôi kéo theo đạo.
- Về đối tượng theo đạo phần đông là những người gặp khó khăn rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, do ốm đau, bệnh tật, nghèo khó... bên cạnh đó cũng có người có trình độ ham muốn khám phá, điều kiện nhàn rỗi tìm đến nghiên cứu và tham gia.
2. Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, bên cạnh những tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động là: Công giáo, Phật giáo và Tin lành thì còn có hoạt động của 07 loại hình “tà đạo”, “đạo lạ” như: Hoàng Thiên Long, Hội Thánh của Đức Chúa trời mẹ, Pháp Môn Diệu âm, Long Hoa Di Lặc, Trừ quỷ Bảo Lộc, Năng lượng gốc Trống đồng Việt Nam và Pháp Luân công, dù chưa có hoạt động phức tạp chống Đảng, Nhà nước, chưa hình thành các tổ chức trái pháp luật, song hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ” mang tính mê tín dị đoan, thực hành những “nghi lễ” trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chữa bệnh bằng tâm linh, phản khoa học..., gây ra những xáo trộn về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, truyền thống văn hoá tốt đẹp của nhân dân các dân tộc, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục có các hoạt động lợi dụng, lôi kéo số cầm đầu, tích cực trong các nhóm “tà đạo”, “đạo lạ” sẽ đẩy mạnh các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là hoạt động của “tà đạo”, “đạo lạ” để chống phá Đảng, Nhà nước, thúc đẩy ly khai tự trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nếu không được loại bỏ, ngăn chặn sẽ tiếp tục hoạt động tuyên truyền, tán phát tài liệu, phát triển lực lượng vào địa bàn, gia tăng cả tính chất, quy mô và mức độ nguy hại, dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo người dân tham gia, thành lập và đòi công nhận tổ chức tôn giáo họp pháp, hoạt động trên sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tỉnh.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xoá bỏ hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ” trên địa bàn tỉnh; đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng tín, tôn giáo, hoạt động của các loại hình “tà đạo”, “đạo lạ” tại địa bàn. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, lành mạnh, xây dựng tỉnh Tuyên Quang không có “tà đạo”, “đạo lạ”, tạo môi trường ổn định, thuận lợi, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: CATP