Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, 18 năm liền giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc ta. Được tôi luyện trong đời sống cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế tục xuất sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách và con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”.
Trong số những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tiêu biểu là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hay việc xây dựng, cụ thể hóa các quy chế, quy định trong Đảng đã góp phần to lớn, giải quyết những thách thức, khó khăn nhất của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
“Công cuộc đốt lò” đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong dư luận xã hội mỗi khi nhắc đến công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay.
PGS, TS Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không quên giọt nước mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 15/10/2012. Đó là giọt nước mắt đau xót của người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất trước Đảng, trước nhân dân khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” đã tha hóa, biến chất. Giọt nước mắt ấy đã trở thành sức mạnh tập hợp, biến thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.
"Khi phát động cuộc chiến đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rưng, rưng nước mắt. Vì sao? Bởi vì Tổng Bí thư nói rồi, ta đánh tham nhũng tiêu cực là tự ta đánh vào ta, thấy đau lắm, không muốn phải đấu tranh với đồng chí, đồng đội của mình, không ai muốn kỷ luật. Đồng chí đồng đội của mình trót nhúng chàm thì chúng ta phải kiên quyết xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Ở đây, sự xúc động của Tổng Bí thư có sức lay động, có sức lan tỏa, làm chúng ta không nhụt chí, không chùn bước, nhưng cũng không được chủ quan, dễ dãi. Có như vậy thì mới xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó"- PGS-TS Lê Văn Cường kể lại.
Trực tiếp giữ cương vị “Tổng Tư lệnh”- Trưởng ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhân dân bước vào cuộc chiến chống tham nhũng với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 44 tổ chức đảng và 164 đảng viên, trong đó có XIII Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, 17 nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và 19 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; 19 Ủy viên ban chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ chính trị được cho thôi giữ chức vụ.
Thực tiễn này như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- dù “ rất đau xót” nhưng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng: "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo đứng đầu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiến hành rất bài bản, rất có cơ sở. Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì, đã phát động cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng này sâu rộng trong toàn thể nhân dân. Tôi tin rằng, với xu thế hiện nay cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng Việt Nam dưới sự lãnh đạo Đảng không có thể đảo ngược được nữa".
Quyết tâm chính trị rất cao và quyết tâm chính trị đó thể hiện trong tất cả các nghị quyết và đặc điểm là chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư nêu ra thể hiện rằng là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng này không phải chỉ nói không thôi, mà làm rất quyết liệt, làm kiên quyết và kiên trì, làm không có vùng cấm ngoại lệ. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lần này so với những năm trước đây thời kỳ trước đây, cuộc đấu tranh này là có hệ thống, có quá trình và được chuẩn bị khoa học chặt chẽ".
Không chỉ bằng những hành động trong thực tiễn, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực còn được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát thành lý luận qua tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
PGS.TS Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định, cuốn sách là "cẩm nang" cho những người làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Thế hệ trẻ cần phải nhận thức được mình phải bồi dưỡng năng lực, sức đề kháng của mình như thế nào trong khi các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Thông qua cuốn sách này, thế hệ trẻ sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc, cần phải rèn luyện, bồi dưỡng năng lực như thế nào để xứng đáng là những người đang và sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước”- PGS.TS Vũ Tình cho biết.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành song song với công tác cán bộ. Với mục tiêu vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ tính nhân văn; từ nhiệm kỳ Đại hội 11 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định cụ thể. Trong đó, việc “cho thôi”,“miễn nhiệm” được quy định tại Quy định số 41 ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII là một trong những dấu ấn nổi bật, có tính đột phá trong việc kết hợp chặt chẽ giữa học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ Đảng ta có hệ thống văn bản đồng bộ và toàn diện liên quan đến công tác cán bộ như hiện nay. Những văn bản này cùng với các văn bản đã có trước đó tạo nên một chỉnh thể hệ thống các văn bản của Đảng nhằm chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Kết quả đó là sự cống hiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt gần 3 nhiệm kỳ.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, cho biết, trong các đánh giá tổng kết của các kỳ Đại hội thì các báo cáo chính trị đều nhấn mạnh điểm yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Mà muốn tổ chức thực hiện tốt thì phải có một thể chế hoàn thiện. Ban Chấp hành Trung ương dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thiện những quy định, những quy chế, những định chế trong hoạt động của Đảng, từ nguyên tắc tổ chức, cách thức làm việc của các cấp ủy, cho đến các tổ chức hoạt động, mối quan hệ giữa cơ quan... nhằm hoàn thiện thể chế trong hoạt động của Đảng. Và khi chúng ta có một thể chế hoàn chỉnh, hợp lý, thông minh và đủ hiệu lực thì lúc bấy giờ nó sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
Với những đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, không quá để nói rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con người sinh ra để giải quyết những khó khăn, thách thức trong một giai đoạn của lịch sử đất nước.
Xin được kết thúc bài viết bằng những lời tự sự xúc động của Tổng Bí thư lúc sinh thời. Mỗi khi muốn nói thay lời tâm sự lòng mình, ông thường nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky. Đó cũng là lý tưởng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã theo đuổi trọn cuộc đời:
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”.
Nguồn: VOV