Phố xưa nghề cũ

13/11/2024 - 14:53
52

Ở thành phố Tuyên Quang, những khu phố xưa một thời đều là phố phường buôn bán sầm uất. Mỗi con phố mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống... Qua thăng trầm thời gian, nhiều nghề xưa còn, mất, nhưng phố xưa nghề cũ vẫn còn trong ký ức nhiều người, như lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Thành Tuyên.

Vang bóng một thời

Nhắc đến phố Tuyên Quang xưa, hẳn ai cũng nhớ đến một phố cát cót củi phên Xuân Hòa, phố thợ may ở chợ Tam Cờ, phố gò hàn ở Hưng Thành hay làng Tằm ở Nông Tiến…

Phố gò hàn ở Hưng Thành giờ vẫn được nhiều hộ giữ nghề.

Thời hưng thịnh - những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cả dãy phố ở tổ 6, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) nhộn nhịp. Cụ bà Vũ Thị Tuất, năm nay đã 87 tuổi, vẫn nhớ cái tên phố mình những năm 90 là con phố CCCP. Nghĩa là phố của cát, cót, củi, phên. Lợi thế trên bến dưới thuyền, phố Xuân Hòa trở thành nơi trung chuyển, giao lưu, buôn bán các loại hàng hóa do tiểu thương vận chuyển bằng thuyền về bến đò thị xã. Trong đó, nghề đan cót từng hưng thịnh đến độ, Xuân Hòa khi ấy có tổ đan cót với hơn chục gia đình, làm không hết việc.

Cụ Tuất nhớ lại: Nhà cụ khi ấy có 7 người con. Ngày mua nứa về cưa, pha, chẻ nan, đêm về đua  nhau đan cót, nhộn nhịp như một hợp tác xã thu nhỏ. Cót đan đến đâu, Hợp tác xã 19-8 thu mua đến đấy. Con trai cụ Tuất là ông Trần Văn Điền cười hỉ hả, không giấu được tự hào: Thấy bảo cót Xuân Hòa được thu mua để xuất khẩu đấy! Chẳng thế, mà cái nghề đan cót ở Xuân Hòa ngày ấy đã giúp biết bao hộ gia đình nuôi sống cả một bầy con. Như nhà cụ Tuất, 7 đứa con của cụ được nuôi lớn, nhờ cái nghề tưởng chừng như đơn giản ấy.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn cặm cụi với nghề may.

Với những người gắn bó với Thành Tuyên, phố xưa nghề cũ là một ký ức đậm nét.

Trong tiệm may Thanh Lịch, ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), người thợ già Nguyễn Văn Nhỏ vẫn cặm cụi bên chiếc bàn cắt may. Ông là chứng nhân hiếm hoi còn sót lại của con phố thợ may khu vực Tam Cờ ngày nào.

Dáng người “ăn” theo cái tên, nhưng cốt cách của người biết ăn mặc, có phong thái vẫn là điều dễ nhận thấy ở ông Nhỏ.

Chậm rãi kể lại, ông Nhỏ chia sẻ: Phố thợ may ngày ấy đông lắm. Nghề đã trải qua nhiều đời, đời nọ nối tiếp đời kia. Như nhà ông, ông bà, bố mẹ đều biết may đo. Bản thân ông cũng thành thạo nghề từ những năm 15, 16 tuổi. Ban đầu là học cắt chiếc áo phông, khéo hơn một chút thì được dạy may đo áo sơ mi. Rồi dần dà học đến cắt may Comple Veston… Vải vóc ngày ấy đều là vải được cấp phát theo tem phiếu. Người thợ may phải rất khéo léo để làm sao người to béo hay “thừa cân” cũng phải vừa vặn với đúng khổ vải cấp phát.

Sau này, mở cửa thị trường, những thợ may ở phố ông có cơ hội “ăn nên làm ra” như tiệm may áo dài Huệ Ba, tiệm may áo dài Hợp Vinh hay Tâm Lan… Ông Nhỏ cũng chuyển từ phố Tam Cờ sang Minh Xuân, mở tiệm may Thanh Lịch, và cần mẫn theo nghề may đến giờ.

Mong manh giữ nghề…

Nằm ngay con phố sầm uất nhất của phường Tân Quang, nhưng gian nhà nhỏ của ông Vũ Thanh Bình, tổ 2 lại như một không gian cổ kính.

Trong nhà, là la liệt những chiếc máy khâu đang xếp hàng chờ người thợ già sửa chữa.

Ông Bình chuyển sang nghề sửa máy may.

Ông Bình theo nghề thợ may từ những năm 16, 17 tuổi. Mấy chục năm theo nghề, là chừng ấy thời gian người đàn ông ấy cần mẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu.

Sau này, mắt kém đi, ông không dám nhận khách nữa, nhưng vẫn không nỡ bỏ cái nghề “cha truyền con nối” của mình. Ông rẽ sang một hướng khác: Đó là sửa chữa máy khâu. Ông Bình bảo, cả một đời nghe nhịp máy đã quen, giờ bỏ nghề không đành. Khách của ông chủ yếu là khách quen, mà ông ví von là những người “chung thân” với nghề như hiệu may Tâm Lan, Vinh Hợp… Vì lẽ ấy, dẫu qua thăng trầm, người đàn ông tuổi thất thập ấy vẫn được ngửi mùi dầu máy, quay những vòng quay lặng lẽ trên chiếc máy khâu, như một cách nhớ về cái nghề một thuở vàng son.

Người dân thành phố Tuyên Quang vẫn tự hào ví rằng: “Nếu như Hà Nội có phố Hàng Thiếc thì Tuyên Quang cũng có phố Hàng Thùng”. Trước đây, nhắc đến khu phố Hưng Thành người ta nhớ ngay đến các nghề gò, hàn thùng gánh nước, ô doa và những đồ dùng phục vụ sinh hoạt và công cụ sản xuất nông nghiệp.

Chỉ với kinh nghiệm cha truyền con nối, những người thợ nơi đây tạo ra hầu hết sản phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày, từ gáo múc nước, hòm đựng quần áo, thùng gánh nước, ô doa tưới cây, ống máng hứng nước mưa… cho tới những món đồ mới trở nên quen thuộc những năm gần đây như khuôn làm bánh, lò đun, lò hóa vàng, bể nước treo, quạt thông gió điều hòa… So với các nghề truyền thống cùng thời, thì nghề gò hàn có tương lai hơn. Như cách những người thợ lành nghề ở đây tự hào: Sẽ không bao giờ mất đi, mà chỉ có ngày càng phát triển.

Ông Lê Xuân Điệp, Bí thư Chi bộ tổ 1, phường Hưng Thành - cũng là người thợ lành nghề ở phố này. Ông Điệp là đời thứ 3 theo nghề này. Và đến giờ, con ông là đời thứ 4. Thời điểm hoàng kim, cả phố theo nghề. Khách đến đầu ngõ đã nghe tiếng gõ nhộn nhịp, rộn ràng, mà người ở phố vẫn ví von là cái nghề gõ ra tiền. Trong những ngôi nhà ấy, đàn ông cắt tôn làm những đồ lớn, đàn bà cũng chẳng ngại làm những thứ nhỏ như cái muôi, cái vá...

Gần nhà ông Điệp, gian nhà ở của ông Lê Ngọc Tuấn cũng được cải tạo để làm xưởng sản xuất. Ông Tuấn năm nay đã hơn 70 tuổi. Trong  nhà, giờ chỉ còn ông Tuấn theo nghề này. Người đàn ông ấy tự hào, khi từ nghề này, nguồn thu nhập của mình ông cũng xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng. Ông nuôi con thành đạt. Giờ vẫn dư dả nuôi thêm người cháu đang học Đại học, đều đặn mỗi tháng 6 triệu đồng.

Ông Điệp bảo: Nghề thì vẫn có chỗ đứng, nhưng người theo nghề thì ngày càng thưa. Mấy năm trước, thành phố có mở các lớp dạy nghề, mời đích thân ông Điệp đứng lớp, nhưng không có nhiều học viên theo học.

Làm sao để lưu giữ?

Trong nhà cụ Tuất ở Xuân Hòa, giờ vẫn xếp lớp những miếng cót để chờ khách. Nhưng không phải cót do cụ đan, mà cụ nhập từ các làng nghề ở Chiêm Hóa về bán cho khách có nhu cầu. Cụ Tuất bảo: Giờ ít người dùng. Tiền công bán một miếng cót cũng chẳng thấm vào đâu so với công cắt, chẻ, rồi đan lát… Cả con phố này, giờ chẳng còn nhà nào đan cót nữa. Con phố sầm uất một thời, chỉ còn trong ký ức. Bến sông Lô trước cửa Khách sạn Lô Giang cũ là ít hộ trưng tấm biển bán tre hay cho thuê cốp pha…

Khu phố thợ may, giờ cũng không còn tập trung nữa. Nhưng cái hay là quanh phố, vẫn còn những tiệm may có tiếng. Khu vực trước cổng chợ, là dãy hàng bán vải, bán  đồ phục vụ may mặc khá tập trung.

Cụ Tuất nhập cót từ Chiêm Hóa về, cung cấp cho khách có nhu cầu.

Tại nhiều địa phương, phố nghề đang được xây dựng trở thành một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Có thể kể đến như phố thợ may “thần tốc” - đặc sản ở Hội An, hay làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội)… Tuy nhiên, để khai thác được hiệu quả như các địa phương này, việc quy hoạch tập trung là điều phải làm, cùng với các chính sách hỗ trợ về công nghệ, thiết bị… phải được thực hiện đồng  bộ.

Theo ông Hoàng Quốc Doanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TP Tuyên Quang: Nhiều năm nay, TP Tuyên Quang đã có rà soát đến các địa phương nhằm hỗ trợ xây dựng, hình thành các làng nghề trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không có địa phương nào đăng ký.

Theo ông Doanh, các chính sách hỗ trợ sẵn sàng, nguồn lực của thành phố dành cho phát triển tiểu thủ công nghiệp luôn sẵn có, nhưng đối tượng được thụ hưởng lại khá chặt chẽ. Xét từ các phố nghề, thì rất ít hộ đáp ứng tiêu chuẩn.

Đây cũng là lý do mà Trung tâm Khuyến công tỉnh - dù có sẵn nguồn lực từ Quỹ Khuyến công quốc gia, Quỹ khuyến công địa phương, nhưng không thể hỗ trợ do vướng mắc về quy mô, điều kiện, thủ tục. Ông Đàm Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công chia sẻ: Những phố nghề đã từng là điểm nhấn, là niềm tự hào của người dân Thành Tuyên biết bao thế hệ. Nhưng hiện nay, nhiều phố nghề, chỉ còn lại những hạt nhân giữ nghề. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Trung tâm Khuyến công luôn ưu tiên nguồn vốn từ Quỹ Khuyến công quốc gia, Quỹ Khuyến công địa phương để hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có những cơ sở ở các phố nghề xưa. Thế nhưng, qua rà soát, số cơ sở đáp ứng các điều kiện để được hỗ trợ rất ít, vì đa phần đều là cơ sở nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

Để phố nghề có chỗ đứng, Phòng Kinh tế - Hạ tầng thành phố Tuyên Quang đang tiếp tục rà soát các hộ làm nghề. Từ đó, đề xuất UBND thành phố có giải pháp phù hợp, thiết thực, để có chính sách lưu giữ nghề cũ, đồng thời có phương án bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch - hướng đi mà thành phố đang tập trung trong những năm gần đây.

TQĐT  

bình luận

Tìm kiếm

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: UBND Thành phố Tuyên Quang

Đơn vị thường trực: Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Thành phố Tuyên Quang

Trưởng Ban biên tập: Bà Vũ Quỳnh Loan - Thành uỷ viên - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố

Địa chỉ: Phường An Tường, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.

Điện thoại hỗ trợ: (02073) 823 300 - Fax: (02073) 823 300

Email: thanhpho@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang