Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta muốn đời sống nhân dân ổn định, khắc phục tình hình khó khăn trên tinh thần mọi cấp, mọi ngành, cá nhân đều nỗ lực vươn lên đóng góp vào sự phát triển đất nước; thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gẫy, nhất là những thành phần yếu thế trong xã hội trong bối cảnh khó khăn. Nếu dịch bệnh được giảm thiểu thì chúng ta sẽ có cơ hội khôi phục sự phát triển. Sự chủ động trong vấn đề này chính là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ với nhân dân, đất nước.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành hoàn chỉnh lại báo cáo tại hội nghị với tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng trên tinh thần tiếp thu góp ý qua các phiên họp; phải khái quát được tình hình nghiêm trọng của thế giới và đất nước hiện nay để tìm ra những biện pháp khắc phục trước hết cho năm nay. Chưa bao giờ toàn thế giới thực hiện đồng loạt các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái kinh tế hiện nay mà theo Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… đánh giá còn nặng nề hơn hồi khủng hoảng giai đoạn 2008-2009. Phải nói tập trung, cô đọng để thấy rõ bối cảnh hiện nay, từ đó có nhận thức chung. Chúng ta đã có đà của năm 2019 rất tốt, nhưng với sự suy thoái toàn cầu hiện nay, mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng quý 1 chỉ tăng trưởng 3,82%, thấp nhất từ năm 2011 đến nay. Một số ngành quan trọng bị suy giảm, nhiều DN bị phá sản, hoạt động cầm chừng và nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Chính vì vậy, chúng ta cần có thêm một Nghị quyết chuyên đề với ba nội dung chính là tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Thủ tướng phân công Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề nêu trên để các thành viên Chính phủ góp ý và sớm ban hành sau phiên họp thứ sáu. Nghị quyết này là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Với những vấn đề kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ có báo cáo riêng.
Đối với vấn đề GNVĐTC, Thủ tướng đề nghị đặt vấn đề toàn quốc, các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn năm 2019 và năm 2020, không để dồn vào cuối năm như mọi khi với tổng vốn gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Đây là nhận thức quan trọng để các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện; cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặt ra với cấp uỷ, các bộ, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương. Chế tài đặt ra là cơ quan nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm; nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì phải điều chuyển vốn sang đơn vị khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khái quát lại các nhóm vấn đề trong báo cáo; các bộ, ngành hoàn thiện lại Nghị quyết vì đây là vấn đề hết sức quan trọng. Các bộ, ngành tại hội nghị phải thổi luồng gió mới, quyết tâm mới, vào trong cuộc sống để khởi động một thời kỳ khắc phục, vươn lên mạnh mẽ, không được bi quan. Cần nêu bật thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn trong du lịch và đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam. Đây là nói cả vấn đề đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, FDI và tư nhân. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trình bày các nhiệm vụ, giải pháp tài chính cấp bách, nhất là về thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, DN và người dân. Việc giảm giá các dịch vụ thiết yếu là hết sức thiết thực cho người dân. Do đó việc hoãn, giãn các loại thuế cũng hết sức quan trọng, “hoãn thì tốt những giảm còn tốt hơn”. Bộ Tài chính tính toán kỹ các phương án thực chất để các các cấp, các ngành thực hiện.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý về khả năng giảm thu ngân sách nhà nước do tăng trưởng GDP giảm và hoạt động SXKD của nhiều ngành giảm mạnh, vì vậy Bộ Tài chính phải có tính toán cụ thể và có phương án xử lý nguồn để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cũng cần xem lại chỉ tiêu năm nay để chúng ta cân nhắc, tính toán việc có nên kiến nghị với Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm nay hay không vì bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi. Bộ Tài chính tuy gặp nhiều khó khăn nhưng phải làm hai việc là bảo đảm kinh phí cho chữa trị bệnh Covid-19 và bảo đảm nguồn cho ASXH. Phải nói rõ nguồn cho hai việc trên là từ tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, tiết kiệm đi nước ngoài, tổ chức các hội nghị, hội thảo… Cần tính vay thêm các định chế tài chính nước ngoài, phát hành trái phiếu Chính phủ... Trong lúc khó khăn thì chính sách tài khóa có vai trò hết sức quan trọng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chủ động, nâng lên hơn nữa gói hỗ trợ tín dụng thành 300 nghìn tỷ đồng với tinh thần là không để DN thiếu vốn tín dụng, không bắt DN phải trả nợ trong lúc khó khăn; phải tạo mọi thuận lợi để DN tiếp tục duy trì SXKD, có vốn với lãi suất thấp. Mọi ngân hàng thương mại đều phải thực hiện nghiêm về chính sách tiền tệ này để “cả DN và ngân hàng đều cùng sống được”. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay kể cả vay hiện có và vay mới. Thống đốc NHNN phải công bố điều này coi như mệnh lệnh trong toàn hệ thống ngân hàng. Lưu ý kiến nghị của cộng đồng DN tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần là ngân hàng đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn hiện nay. NHNN cam kết cùng với Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tỷ giá, lãi suất để vừa tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; theo dõi thị trường vàng và ngoại tệ để có giải pháp, đối sách chủ động, phù hợp.
Bộ Công thương tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu; cố gắng triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký. Sẵn sàng cung ứng nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao, giá cả phù hợp, bảo đảm cơ số phục vụ thị trường trong nước 100 triệu dân. Đẩy mạnh thương mại điện tử; chú trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước. Chú ý các thị trường đang phục hồi như Trung Quốc, Hàn Quốc...; tập trung giải ngân các dự án công nghiệp trọng điểm nhất là điện, năng lượng, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống. Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương phải tìm các dự án mới thu hút đầu tư phát triển.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cơ cấu lại kinh tế Việt Nam, các ngành liên quan, cơ cấu lại thị trường trong nước và nước ngoài, các ngành, lĩnh vực, phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững hơn, đặc biệt là vận hành thị trường công nghệ số an toàn, hiệu quả hơn. Bảo đảm nguồn cung các sản phẩm phục vụ nhân dân; rà soát lại sản phẩm xuất khẩu. Thủ tướng nêu rõ, trong lúc khó khăn này, cần coi nông nghiệp và nông thôn là nền tảng ổn định. Lãnh đạo các địa phương cũng phải quán triệt quan điểm này. Về chỉ đạo vụ hè thu sắp tới, Thủ tướng yêu cầu không chỉ là giao sản lượng, diện tích lúa của từng địa phương, đồng thời “chốt cứng” phải có sản lượng 22 triệu tấn gạo để bảo đảm an ninh lương thực, không để biến động trong tình hình hiện nay. Đề ra những biện pháp mới như thúc đẩy chăn nuôi, thủy sản, cung ứng nông sản; lưu ý tái đàn, kiểm soát giá thịt lợn, cùng với Bộ Công thương bảo đảm xuất khẩu gạo có kiểm soát, bảo đảm thu nhập cho nông dân; gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nghiên cứu giải pháp định hướng phát triển và cơ cấu lại nông nghiệp và mô hình phát triển kinh tế nông thôn, đáp ứng nhu cầu tình hình mới, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị những nhiệm vụ giải pháp cấp bách thúc đẩy GNVĐTC đối với các dự án hạ tầng cấp bách. Chuyển một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sang thành ĐTC; phải có giải pháp cụ thể, không chung chung; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải báo cáo tại hội nghị giải pháp bảo đảm an ninh lương thực; chú ý giải quyết vấn đề bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn. Đặc biệt chú ý các hành vi chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình này. Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chú ý bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu bật các giải pháp để các địa phương thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ ASXH.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, kiểm tra nhất là đối với những bộ, ngành, địa phương trọng điểm, nhất là tháo gỡ khó khăn cho SXKD, GNVĐTC. Đề cập tất các thành phần kinh tế của xã hội kể cả HTX, đầu tư FDI, đầu tư công, trong đó nêu bật vai trò khu vực tư nhân nỗ lực, năng động, sáng tạo. Thủ tướng khẳng định, không có DN thì tăng trưởng kinh tế bất thành. Chúng ta phải động viên các DN tư nhân vươn lên. Các cấp, các ngành phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế đặc biệt quan trọng này; phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ để tạo điều kiện cho phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư nước ngoài, nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành, địa phương.
Cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế thì vấn đề tăng trưởng đặt ra cấp bách nhất của nước ta hiện nay. Do đó các đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương phải nỗ lực hơn nữa, chủ động, có cơ chế, giải pháp khắc; tìm các thị trường mới. Thủ tướng khẳng định, việc chuẩn bị của chúng ta cô đọng, rõ ràng bao nhiêu thì sẽ đem lại niềm tin phấn khởi cho các cấp, các ngành, cộng đồng DN, người dân bấy nhiêu.
Theo TQ Điện tử