Dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương khẳng định, với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa của văn hoá các dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội đặc sắc…Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh đón từ 2,6 triệu lượt khách trở lên, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng; đến năm 2030 tỉnh đón 3,2 triệu lượt khách, tạo việc làm cho 30 nghìn lao động du lịch. Việc xây dựng Đề án sẽ là nền tảng để tỉnh từng bước đưa du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn du khách.
Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Đề án cần đưa ra những giải pháp cụ thể hơn trên cơ sở lồng ghép với các chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia. Với lợi thế là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, Tuyên Quang nên tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có để phát huy tiềm năng này…
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, Tuyên Quang có tiềm năng lớn và thế mạnh để phát triển du lịch, phù hợp với xu thế du lịch nội địa, đặc biệt là khi dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ được đưa vào khai thác. Tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch.
Tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch mang tầm quy mô và rộng rãi hơn; tăng cường tạo mối liên kết du lịch với các tỉnh trong vùng. Đồng thời, phải xác định rõ mục tiêu cụ thể của du lịch để đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.