Vậy mà, cứ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận giá trị tốt đẹp của Tết Nguyên đán.
Trước hành động phi lý của các đối tượng, chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ, để từ đó thêm trân quý, giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền.
Giới thiệu mâm cỗ ngày Tết tại chương trình Tết làng Việt ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Khánh Nguyễn
1. Với cách nhìn phiến diện, các thế lực thù địch, phản động cho rằng: Tết Nguyên đán “làm cho nền kinh tế nghèo đi”, “thủ phạm của sự đình trệ kinh tế”, “gây lãng phí thời gian, tiền của của nhân dân”; rồi “nên bỏ Tết cổ truyền, không thể cứ khư khư giữ lấy truyền thống để phải chịu nghèo đói; còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo”… Từ đó, chúng đề nghị “gộp” Tết Nguyên đán vào “Tết Tây”; hoặc bỏ Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các ban, ngành, địa phương luôn quan tâm thăm hỏi, động viên những người có công với đất nước, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và phát những phần quà để nhân dân vui xuân, đón Tết. Nhưng các thế lực thù địch như tổ chức phản động Việt Tân hay Lê Trung Khoa, Nguyễn Văn Đài… cho rằng đó là những “hình ảnh làm màu”, xuyên tạc chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cần phải khẳng định rõ ràng rằng, đó là lời lẽ và luận điệu của những kẻ chống đối, thù địch, cơ hội chính trị, luôn tìm cách chống phá Việt Nam về mọi mặt.
Một trong những viên ngọc quý của văn hóa Việt Nam là các ngày lễ, Tết. Tết Nguyên đán là Tết Cả, là thời điểm chuyển giao của năm cũ sang năm mới, cũng là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng nhất đối với người Việt. Ngay từ thời phong kiến dưới các triều đại Lý, Trần, Lê, ông cha ta tổ chức lễ, Tết rất trang trọng và ý nghĩa. Nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đó đã được bảo tồn, gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác và cho đến tận ngày nay.
Trong văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người Việt tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định, sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán.
Khi thắp nén hương, bày mâm cỗ cúng dâng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán, người Việt mới thấy thỏa mãn và yên lòng trong cuộc sống tiếp theo khi bước vào năm mới. Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện. Chẳng hạn, ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào. Đặc biệt, ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau sức khỏe, trường thọ, chúc “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng.
Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hóa giải những bất đồng, “giận đến chết đến Tết cũng thôi”. Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn hướng tới.
Cho nên, những ngày Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
2. Trong những ngày gần đây, bằng nhiều hình ảnh cắt ghép và lời lẽ bình luận xuyên tạc, các thế lực thù địch cho rằng, kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn; Tết Nguyên đán gây tốn kém về kinh tế cho xã hội, từ Nhà nước cho đến người dân.
Nhưng thực tế, năm 2024, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, với xu hướng tốt hơn qua từng tháng, từng quý, tính chung cả năm 2024 đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm ước đạt khoảng 7,09%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 1,9%; thu nhập bình quân người lao động tăng khoảng 7,4%.
Đặc biệt, chúng ta đã kịp thời khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, xúc động, ấm áp “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” trên mọi miền đất nước. Những con số và hoạt động cụ thể đó là kết quả của sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là bằng chứng cụ thể đập tan những luận điệu về “bức tranh kinh tế ảm đạm”, “không nên lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán” mà các thế lực thù địch tuyên truyền.
Hơn nữa, điều cần nhấn mạnh, chăm lo ngày một tốt hơn cuộc sống cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, “không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ Trung ương đến địa phương, nhiều nguồn lực đã được huy động để tất cả đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đều được vui xuân, đón Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước chăm lo thiết thực cho người dân để mọi người đều có Tết, các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã về nhiều địa phương thăm hỏi, động viên, tặng quà Tết cho người dân nghèo, nhất là các đối tượng chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn…; nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức, thực hiện.
Điều này thể hiện được tính ưu việt của chế độ xã hội; không chỉ nhận được sự đồng thuận của người dân trong nước, mà còn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Đó là thực tế đang diễn ra tại Việt Nam chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam mà các đối tượng phản động, chống phá, cơ hội chính trị ra sức rêu rao.
3. Nếu nhìn rộng ra, Trung Quốc cũng rất coi trọng Tết Nguyên đán. Trung Quốc nghỉ Tết ít nhất 7 ngày... Nhưng 30 năm qua, chúng ta thấy rõ nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và hiện đứng thứ 2 thế giới.
Một ví dụ khác, những năm 50 của thế kỷ XX, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng hiện nay nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tốp 20 thế giới… nhưng họ không bỏ Tết cổ truyền.
Đối với Việt Nam, Tết Nguyên đán còn là cơ hội làm ăn của các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là cung cấp những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng truyền thống. Bên cạnh đó, các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đem lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là các du khách đến từ các nước trên thế giới. Sức thu hút của Tết Nguyên đán ở Việt Nam làm cho họ có kỳ nghỉ thú vị, với trải nghiệm tuyệt vời.
Vì vậy, lấy lý do tốn kém về chi tiêu và lãng phí tiền bạc hay lỡ cơ hội kinh doanh để đòi bỏ Tết Nguyên đán là bất hợp lý, là góc nhìn thiển cận, hạn hẹp về truyền thống văn hóa này.
Việt Nam kết thúc năm 2024 với nhiều thành tựu nổi bật. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng là dịp chúng ta kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc”. Song, để trở thành quốc gia văn minh, giàu mạnh, chúng ta phải luôn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tết cổ truyền của dân tộc chính là một giá trị truyền thống ấy.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Tết Ất Tỵ 2025 yên vui đang đến với mọi nhà và trên khắp mọi miền đất nước. Đây là minh chứng rõ nét làm thất bại mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự
Theo Báo Hà Nội Mới điện tử