Ấn tượng Mường Phăng
Từ thành phố Điện Biên Phủ đi về hướng Đông gần 40 km, đoàn chúng tôi đến Khu di tích Mường Phăng hành trình khám phá Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại nơi này, 70 năm về trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc, chỉ huy, điều hành toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong 105 ngày (từ ngày 31-1-1954 đến 15-5-1954) hoạt động, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bố trí thành hệ thống liên hoàn. Từ đây leo ngược lên núi, đứng ở điểm cao nhất có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các điểm đóng quân trước kia của quân Pháp.
Cán bộ, hội viên cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên thắp hương viếng các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tới thăm, rộng chừng 20 m2, vách được kết bằng những tấm phên nứa và được bện thêm cỏ gianh xung quanh. Tại nơi này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ban hành các chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng nhất khi ông chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Gần nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đường hầm xuyên lòng núi, khi có máy bay hoặc chiến sự, Đại tướng sẽ xuống hầm để làm việc. Đường hầm khá rộng rãi, thoáng khí. Giữa đường hầm có một phòng họp khá rộng, có lỗ thông hơi lên đỉnh đồi. Dọc theo đường hầm có 5 ngách để đặt máy thông tin liên lạc. Trong đó, 1 máy để nối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, 4 máy còn lại nối với các đại đoàn chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã xây dựng một lán rộng tại Sở Chỉ huy chiến dịch làm hội trường. Đây là nơi họp của các cấp trung đoàn do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Trong đó, quan trọng nhất là Hội nghị cán bộ ngày 7-2-1954 để quán triệt phương châm tác chiến mới và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu.
Anh Lê Anh Sơn, đoàn viên Chi đoàn Viễn thông Tuyên Quang chia sẻ: “Đến đây, tôi thực sự choáng ngợp bởi sự hoang sơ, gian khổ. Tôi không nghĩ với điều kiện như này, ông cha ta đã lãnh đạo làm nên một chiến thắng vang dội như vậy”.
Chị Đinh Hải Yến, đoàn viên Chi đoàn Cục Thuế tỉnh cho biết: Chị rất háo hức khi được tham gia chuyến đi này. Đặc biệt, chuyến đi này, chị Yến được đi cùng với cha mình, cũng là một CCB. Đây là cuộc trải nghiệm vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với chị mà còn cả với cha mình.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, đoàn cán bộ, hội viên CCB, ĐVTN trong khối đã lặng lẽ thắp những nén hương thành kính lên các phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ. Trong đó, chỉ có duy nhất 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, còn lại hầu hết là liệt sĩ vô danh. Đứng trước các phần mộ, mỗi thành viên trong đoàn đều bùi ngùi xúc động, thấu hiểu sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh, thấm thía mất mát đau thương và thêm trân trọng, tự hào trước tinh thần chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước.
Điểm tiếp theo của đoàn trong cuộc hành trình là thăm Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi trưng bày nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh… Đặc biệt được tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh Panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu có diện tích hơn 3.000 m2 với hơn 4.500 nhân vật, tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là nguồn tư liệu quý, góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Trong chuyến hành trình này, đoàn đến dâng hương Đền thờ Liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ; Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; thăm Đồi A1, Hầm Đờ Cát... Những địa danh vẫn còn mang đầy dư âm oai hùng của cuộc chiến ý nghĩa lịch sử của toàn dân tộc.
Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cho biết: Cuộc hành trình giúp cán bộ, hội viên, ĐVTN hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống vẻ vang hào hùng của dân tộc. Qua đó, để ĐVTN, hội viên nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của cuộc chiến, từ đó, nỗ lực học tập, công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta cần phải bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Anh Bùi Trung Dũng, giảng viên Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Điện Biên, tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Tôi ý thức được mình cần phải có trách nhiệm hơn trong quá trình học tập, trau dồi đạo đức, rèn luyện để xây dựng đất nước. Là một giảng viên Trường Chính trị tỉnh, giảng dạy những bài liên quan lịch sử Đảng, thì đây là địa chỉ đỏ giúp ích tôi truyền cảm hứng cho các học viên của mình”.
Đến với Điện Biên, bên cạnh niềm tự hào, mỗi thành viên trong đoàn còn có đôi chút hãnh diện vì đã được đến đây, được cảm nhận từ những chiến công, địa danh lịch sử và những con người nơi chiến trường xưa. Chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non” sẽ còn lưu mãi trong sử sách và trong tâm khảm của mỗi người. Cuộc hành trình về nguồn ý nghĩa to lớn, giúp mỗi cán bộ, CCB, ĐVTN trong khối hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, từ đó, nguyện ra sức học tập, rèn luyện trong lao động, sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
TQĐT