A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phường Đội Cấn với công tác Chuyển đổi số

Phường Đội Cấn với công tác Chuyển đổi số

 

Nhân dân phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang đã dần thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Các tầng lớp nhân dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số như: giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, cài đặt ứng dụng VneID, tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết…

Đồng chí công chức tư pháp phường hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công của tỉnh

Với phương châm: chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, có thể thấy trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số của phường đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của nhân dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà là thêm cách làm mới cho những việc hiện tại bởi vì cuộc sống vẫn tiếp diễn liên tục, không ngừng đặt ra những vấn đề mới trong khi chuyển đổi số là để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống hằng ngày.

Để thực hiện và hướng dẫn người dân tiếp cận chuyển đổi số phường Đội Cấn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp phường và 24 tổ công nghệ số cấp tổ dân phố với 130 thành viên. Trao đổi công việc hàng ngày đã thuận tiện hơn rất nhiều, các chi bộ, tổ dân phố, chi đoàn, chi hội đã thành lập và duy trì các nhóm Zalo để kịp thời truyền tải những thông tin, văn bản mới của cấp trên, thông báo kịp thời những việc cần triển khai đến  nhân dân; tuyên truyền các hoạt động của Tổ dân phố, Chi bộ và các đoàn thể. Nhóm Zalo còn là nơi thể hiện tình làng nghĩa xóm, lan tỏa yêu thương, sẻ chia những vui, buồn trong cuộc sống giữa các gia đình; là một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả, nhanh, chính xác và định hướng dư luận nhân dân trước những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang, đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cảnh báo cho nhân dân trước những nguy cơ, các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trên mạng…

Cuộc sống tốt đẹp hơn khi mỗi người dân sẽ là những Công dân số thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; tôn trọng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong quá trình tiếp cận, tham gia các hoạt động giao tiếp trên môi trường số. Từ đó, hình thành, duy trì chuẩn mực đạo đức, văn hoá trong môi trường số giúp bảo vệ thể chất, tâm lý của công dân trước các ảnh hưởng từ môi trường số.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, do vậy quá trình triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số của thành phố, của Tỉnh sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập phát sinh.

Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức.

Trình độ của đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc phát triển đội ngũ kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số đã được quan tâm triển khai, tuy nhiên còn chưa thực sự tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chưa có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số địa phương để ứng dụng và lan tỏa công nghệ số.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông… còn triển khai đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi, yếu tố về công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thực sự…

Để những vấn đề nêu trên không trở thành rào cản trên con đường chuyển đổi số, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục có định hướng đúng đắn, giải pháp tổng thể, đồng bộ, cụ thể, chi tiết và sát hợp với thực tế trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn./.


Tác giả: Nguyễn Thị KIm Dung
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 24
Hôm qua : 35