A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phố Ràng – cuộc hành trình không nghỉ

Miền đất đã gánh lấy một phần vận mệnh lịch sử của cả Lào Cai trong hành trình dựng nước và giữ...

Cách thành phố Lào Cai gần 80 km theo quốc lộ 70, miền đất yên bình này chất chứa trong lòng bao câu chuyện về cuộc sinh tồn của người bản địa, trong đó có cả dựng xây và tranh đấu. Miền đất từng kinh qua sự ác liệt của chiến tranh mà sử sách đã ghi lại một trận công đồn tiêu biểu qua ký sự "Trận Phố Ràng". Xa hơn nữa, thành cổ Nghị Lang - di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên đất này cũng cho chúng ta thấy nghệ thuật quân sự trong công cuộc phòng thủ khu vực Tây Bắc của cha ông được chú trọng như thế nào. Đền Phúc Khánh hiện diện trên sườn đồi trung tâm thị trấn ngày nay chính là nơi thờ tự các chúa Bầu, là hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và con cháu. Sách "Kiến Văn tiểu lục" của nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi: "Gia quốc công tên gọi Vũ Văn Mật vì lánh nhà Mạc nên kéo lên đóng ở động Ngọc Uyển - vùng Bảo Nhai - Bắc Hà ngày nay, rồi thu thập binh mã phò Lê diệt Mạc kéo xuống Lục Yên. Có một điều chắc chắn, đó là vị thủ lĩnh này đã nhìn ra địa thế cửa ngõ án ngữ Lào Cai của Phố Ràng, nên đã chọn đất này để xây thành đắp lũy. Thời vua Lê Chiêu Tông (1516 -1522) đã trao cho Vũ Văn Mật chức tổng binh Tuyên Quang, sau này vì có công giữ trọn cảnh thổ, một lòng phò vua giúp nước, dạy dỗ dân làm ăn hưng thịnh khắp phiên trấn Bảo Yên, Bắc Hà, nên được vua phong An Tây Vương, cai quản cả một vùng Tây Bắc. Qua thư tịch cổ tìm lại được, thành Nghị Lang do Vũ Văn Mật cùng con cháu xây dựng đã hiện diện trong thực tế từ năm 1527 đến 1699, đó là một tòa thành rộng, theo truyền thuyết thì ôm trọn cả khu vực thị trấn ngày nay, mà kiến thiết dân sinh qua 4 thế kỷ đã làm phai mờ, vì xây dựng chồng lên rất nhiều đoạn tường thành, nên các di chỉ khảo cổ còn lại rất ít. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn có thể nhận ra đây là dạng thành dựa vào hình sông thế núi - một nghệ thuật quân sự đặc trưng Việt Nam, không tiêu tốn sức người, sức của mà lại rất vững bền. Những lũy tre cũng là một thành phần của hệ thống phòng thủ. Truyền thuyết kể rằng: Đêm đêm, ở khu vực Soi Bầu, khu vực thành nội, đồi Khao quân, đồi Cơm Lam vẫn có tiếng gươm đao khua, tiếng binh sĩ reo hò tập trận.

Theo dòng lịch sử, nhờ vị trí án ngữ đường tiến thoái Bắc Nam, nên Phố Ràng có vai trò quan trọng trong quân sự. Thực dân Pháp đã chọn Phố Ràng để xây dựng đồn chính, cùng với hệ thống đồn bốt giăng ngang theo trục Nghĩa Đô - Phố Ràng - Bảo Hà nhằm chia cắt và kiểm soát cả tỉnh Lào Cai, uy hiếp chiến khu Việt Bắc từ phía Tây. Đồn Phố Ràng là nơi đóng sở chỉ huy tiểu khu địch, quân số hơn 1 đại đội, có pháo và nhiều ụ đại liên phòng thủ kiên cố phía trong những hào sâu. Phía Bắc và phía Tây là vực sâu, phía Nam được bao bọc bởi đá, phía Đông là dòng sông Chảy. Vị trí của đồn khống chế cả đường bộ và đường sông. Không một sự lưu thông nào có thể thoát được tầm khống chế của súng đạn. Thế nhưng với quyết tâm mãnh liệt nhằm phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch, bộ chỉ huy chiến dịch Sông Thao đã tập trung 3 tiểu đoàn: 11, 54 và 79 để công đồn. Trận kịch chiến bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 1949. Quân ta có pháo binh áp chế hỏa lực địch để tiểu đoàn 11 chia làm 3 mũi tấn công từ phía Nam. Sau 2 ngày giao tranh ác liệt, đẫm máu, ngày 26 tháng 6 năm 1949, ta đã làm chủ trận địa. Trong trận này, nhà văn - chiến sĩ Trần Đăng tham gia xung kích và đã ghi lại thành ký sự: "Trận Phố Ràng" nổi tiếng, qua sự tiếp nhận của bao nhiêu thế hệ, vẫn luôn ngời sáng phẩm chất kiên cường gan dạ tiến lên giành chiến thắng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Trung tâm Phố Ràng là điểm giao cắt của 2 quốc lộ trọng yếu: Quốc lộ 70 chạy theo hướng Bắc Nam và quốc lộ 279 chạy theo hướng Đông Tây. Là đầu mối giao thông, cửa ngõ của tỉnh Lào Cai, nên thị trấn Phố Ràng từ xưa đến nay là nơi thích hợp cho các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, đưa mức đóng góp về thuế cho ngân sách Nhà nước lên gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với nhịp độ phát triển dựng xây các đô thị huyện lỵ của tỉnh Lào Cai, thị trấn Phố Ràng cũng đã được phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2005 đến 2020. Đô thị sẽ có 2 khu chính: Khu A có diện tích 230 ha, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế của huyện. Khu B có diện tích 192 ha, là khu phát triển mở rộng xuống phía Nam với chức năng chính là trung tâm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trên bãi đất cằn cỗi này, một thời trước đây đã có một khu liên hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu, sau chuyển đổi cơ chế kinh tế đã không tồn tại. Ngày nay, nhiều dự án phát triển công nghiệp đang được ấp ủ với tư duy và cách làm phù hợp với công cuộc đổi mới. Trong tương lai gần, khu vực phía Nam thị trấn sẽ là các nhà máy, xí nghiệp, đưa tỷ trọng công nghiệp tăng lên, là yếu tố quan trọng để nâng cấp loại đô thị. Về phía Bắc, hồ nước thơ mộng với mô hình nuôi cá lồng của cư dân thị trấn sẽ là trung tâm của khu du lịch sinh thái.

Phố Ràng - điểm bắt đầu của hành trình đường bộ trên đất Lào Cai. Từ đây, bạn có thể rẽ phải vào Nghĩa Đô tham quan đời sống chất phác mà rất giàu bản sắc của đồng bào. Bạn có thể rẽ trái ra bến sông Hồng, tham quan di tích lịch sử văn hóa quốc gia - đền Bảo Hà và đi tiếp vào Văn Bàn. Bạn cũng ngược lên phía Bắc, qua Bảo Thắng về với thành phố Lào Cai. Ngay trong thị trấn, bạn cũng sẽ có cảm xúc thú vị khi khám phá đời sống kinh tế - xã hội đang ngày càng khởi sắc, và tĩnh lặng tâm tưởng mình khi đứng trước bao chứng tích lịch sử của Phố Ràng trong suốt chặng đường giữ nước.

Phố Ràng là miền đất cửa ngõ của Lào Cai, là hành trình không nghỉ từ quá khứ hào hùng, đến hiện tại dựng xây và phát triển. Phố Ràng - ấn tượng ban đầu cho du khách từ miền xuôi lên cảm nhận thấy một Lào Cai hào sảng, nghị lực và thủy chung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 18
Hôm qua : 24