A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu chiến binh tích cực phát triển kinh tế địa phương

Phát huy ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, cán bộ, hội viên CCB từ thành phố đến cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế địa phương”. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết của Hội CCB tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Ông Phan Minh Tân, Chủ tịch Hội CCB thành phố cho biết, hàng năm, Hội CCB thành phố đã xây dựng kế hoạch về thực hiện công tác giảm nghèo, đề ra các mục tiêu cụ thể. Hội CCB thành phố đã phát động phong trào xây dựng mô hình CCB sản xuất, kinh doanh giỏi để chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai thực hiện. Hội chỉ đạo các cơ sở Hội vận động các cán bộ, hội viên CCB có công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các mô hình kinh tế tiêu biểu thành lập CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi để làm nòng cốt; thường xuyên tuyên truyền, vận động kết nạp hội viên mới vào CLB.

Cán bộ Hội CCB thành phố và Hội CCB xã Lưỡng Vượng thăm mô hình phát triển kinh tế của
 hội viên Trần Mạnh Mật (ngoài cùng bên phải), chi hội 3.

Các cơ sở hội thực hiện hiệu quả hoạt động mô hình 3 + 1 hoặc 5 + 1 (3 hoặc 5 hộ khá, giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo, khó khăn), giúp hộ hội viên nghèo về kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, cây, con giống sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; tín chấp cho hộ hội viên nghèo, cận nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn Quốc gia giải quyết việc làm. Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể mở 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và vay vốn cho trên 2.100 lượt hội viên...

Với những giải pháp đó, 5 năm qua, toàn hội đã phát triển thêm 58 mô hình kinh tế, thu hút trên 300 lượt lao động có việc làm. Hiện nay, thành phố có 32 công ty TNHH, doanh nhiệp tư nhân, 3 hợp tác xã, 18 trang trại, 40 gia trại là mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ. Các mô hình đa dạng phù hợp với quy mô phát triển của từng cơ sở. Tính đến cuối nhiệm kỳ, số mô hình kinh tế tăng 137% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ mô hình có doanh thu cao vượt 28% so với chỉ tiêu. Hội duy trì 13 CLB CCB sản xuất kinh doanh giỏi ở cấp xã, phường.

Ông Lê Văn Tấn, Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ 13, Chủ nhiệm CLB CCB sản xuất kinh doanh giỏi phường Tân Quang chia sẻ, ông luôn nêu cao tính gương mẫu, chủ động xây dựng, phát triển mô hình buôn bán tạp hóa để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình ông đạt 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 nhân viên, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động các hội viên CCB có mô hình kinh tế tiêu biểu tham gia vào CLB CCB sản xuất kinh doanh giỏi của phường; tuyên truyền, vận động các thành viên trong CLB cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh doanh, sản xuất; thực hiện tốt các phong trào từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu năm 2018 CLB chỉ có 8 thành viên thì đến nay đã tăng lên 12 thành viên, tập trung chủ yếu kinh doanh dịch vụ, buôn bán quần áo, vải, tạp hóa... Các thành viên đều có thu nhập khá, đóng nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.

Cán bộ Hội CCB thành phố, Hội CCB phường Tân Quang thăm mô hình kinh doanh
của CCB Lê Văn Tấn (ngoài cùng bên phải), chi hội 13.

Với quyết tâm “Không cam chịu đói, nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho trên 2.745 lượt hội viên được vay vốn và cùng các nguồn vốn khác để kinh doanh, sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình; vận động quyên góp được 255 triệu đồng xóa nhà tạm cho hội viên CCB. Đến hết nhiệm kỳ, đã xóa được 43 hộ CCB nghèo. Tỷ lệ hộ hội viên có mức sống khá, giàu tăng từ 66% lên 71,4%. Đến nay, đã có 12/15 xã, phường hết hộ CCB nghèo theo tiêu chí mới 2021 - 2025. Toàn hội hiện chỉ còn một CCB có nhà tạm.

Cùng với sự đồng hành hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều hội viên CCB đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên trong lao động, sản xuất. Ông Trần Mạnh Mật, thương binh hạng 4, hội viên CCB chi hội 3, xã Lưỡng Vượng là một điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Ông chia sẻ, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tuy sức khỏe giảm sút nhưng ông không cam chịu đói nghèo. Ông đã đầu tư sức người, sức của vào phát triển mô hình kinh tế VACR rộng gần 4 ha. Hiện ông có 2 ha đất trồng cây lấy gỗ, hơn 1 mẫu ao nuôi cá. Diện tích còn lại ông trồng 70 cây mít thái, 20 cây xoài, hơn 100 cây vải, nhãn, bưởi, quất hồng bì và nuôi hơn 100 con gà, vịt, chim bồ câu. Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Với nỗ lực của cán bộ, hội viên CCB từ thành phố đến cơ sở, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế địa phương” đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 23
Hôm qua : 34