• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lũ sẽ qua, tình người ở lại

- Mỗi người một ngành nghề, một lứa tuổi khác nhau nhưng có chung một hành động bởi đều có một trái tim ấm áp yêu thương và một tinh thần “tương thân tương ái” hướng về miền Trung trong những ngày phải gánh chịu lũ dữ liên tiếp. Những hành động của họ đã thắp lên ngọn lửa về tinh thần đoàn kết, sẻ chia lan tỏa trong cộng đồng.

Muôn trái tim hòa cùng một nhịp

Có mặt ở nhà xe Tấn Lợi, tổ dân phố 15, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chỉ nửa buổi sáng, chúng tôi được chứng kiến từng đoàn người ở nhiều nơi lần lượt chuyển đến những yến gạo, những tải quần áo, thùng mì tôm, thuốc và nhiều vật dụng thiết yếu khác. Lượng hàng cứu trợ cứ mỗi lúc lại cao lên, chất thành hàng dài trước cửa nhà chị Hà. Một số bà con nhân dân ở tổ dân phố 15, gồm phụ nữ và cả những cụ già đã túc trực từ sớm để sẵn sàng chung tay vận chuyển đồ cứu trợ lên xe ô tô. Chị Huỳnh Thị Thu Hà, chủ nhà xe Tấn Lợi thì tất tả với công việc kiểm kê, ghi chép. Chị Hà chia sẻ, quê nội chị ở Huế. Trong đợt bão lũ này, nhà chị không bị thiệt hại mấy. Tuy nhiên, chị vẫn muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ cho người dân miền Trung vượt qua khốn khó.

Sau chuyến chở khách từ Hải Phòng trở về Tuyên Quang, chị Hà đã bàn bạc với chồng và anh trai dành tất cả số tiền chạy xe được trong ngày để ủng hộ cho bà con miền Trung và được cả hai anh đều hưởng ứng. Không chỉ ủng hộ tiền mặt, anh chị còn đứng ra vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, vật chất cho đồng bào miền Trung. Đồng thời, quyết định nghỉ làm vài buổi, đánh hẳn chiếc xe khách to nhất để vận chuyển đồ ủng hộ miễn phí vào Quảng Bình, trao tận tay đồ cứu trợ đến cho bà con vùng lũ.

Chị Hà chia sẻ, trước đây, chị thi thoảng có tham gia phát tâm làm từ thiện nhưng đây là lần đầu tiên chị đứng ra kêu gọi, vận động mọi người. Không ngờ lại nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người như vậy. Từ hiệu thuốc An Khang, nhà xe Trần Tuấn (chợ Tam Cờ), đội bóng chuyền tổ dân phố 15, bà con phường An Tường đến các chị em nhóm tiểu thương ở Chợ Phan Thiết, bà con xã Cấp Tiến (Sơn Dương), các trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS của 6 huyện và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, Trường Mầm non Ban Mai Xanh… Từ những người không quen bỗng trở nên gần gũi. Đến sáng ngày 22-10, chỉ sau 2 ngày kêu gọi, vận động, chị Hà tính sơ sơ đã tập hợp được trên 20 triệu đồng, hơn 1.000 chiếc bánh chưng, hơn 600 thùng mỳ tôm, 300kg gạo, hơn 100 trăm thùng nước tinh khiết đóng chai, hơn 60 thùng sữa, 500 bộ áo mưa, hơn 50 chiếc đèn pin, áo phao cứu sinh, thuốc men, hàng chục tải quần áo, hơn 5 tạ rau củ quả… Số hàng ủng hộ vẫn không dừng lại ở đây. 

 

Bà con tổ dân phố 15, phường An Tường chung tay gói bánh chưng gửi tặng bà con vùng lũ.

Lái chiếc xe bán tải cùng vợ và con đến nơi tập kết, trên xe chất kín những thùng mì, tải gạo và quần áo ấm, anh Nguyễn Viết Nhuận, xóm 3, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) bước xuống xe và cất giọng nói ấm áp của người con Quảng Bình: “Vất vả cho mọi người quá. Em gom thêm được ít đồ ủng hộ của bạn bè nên xuống hơi trễ. Vừa nói, anh vừa phăm phăm bê bao tải gạo và các thứ cất lên xe tình nguyện đang chờ sẵn phía trước. Anh Nhuận quê gốc ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Anh lên Tuyên Quang sinh sống, lấy vợ và lập nghiệp tại đây đã hơn 10 năm.

Anh chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, anh đã bao lần được chứng kiến những trận bão, lũ “tàn phá” quê hương nhưng đây là lần đầu tiên anh thấy nước lũ khủng khiếp như thế. Ngôi nhà ở quê của bố mẹ anh cũng ngập trong mênh mông nước. Cả hai người đã được mọi người đưa đi di tản đến nơi an toàn. Là người con xa quê, khi nghe những lời kêu cứu, những thông tin thiệt hại ở quê hương mình, lòng anh như lửa đốt. Chính điều đó đã thôi thúc anh đứng ra làm việc thiện. Sau khi liên hệ được với đại diện chính quyền một số xã ở Quảng Bình, nơi anh muốn tới cứu trợ, anh đã biết được rất nhiều thông tin các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở đó hiện đang cần giúp đỡ. Anh đứng ra kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, bạn bè chung tay góp sức. Tình cờ qua mạng xã hội, anh đã kết nối được với chị Hà, nhà xe Tấn Lợi có cùng chung nguyện vọng. Vậy là, các kế hoạch, các địa điểm, phương án cứu trợ đã từng bước được đặt ra. Mọi đường đi lối lại ở Quảng Bình anh rất thông thạo nên anh chủ động đứng ra lo liệu việc đi lại và địa điểm hỗ trợ. Anh đã liên hệ và kết nối được với một số nhóm thiện nguyện ở quê anh và mọi người đã sẵn sàng tiếp ứng.

Đón nhận những gói hàng ủng hộ từ mọi người, chị Nguyễn Thị Phương Anh, chủ hiệu thuốc An Khang, phường An Tường vô cùng cảm động. Chị tâm sự, tình yêu thương đã gắn kết 2 tâm hồn “đồng điệu” của chị và Hà với nhau. Chị đứng lên kêu gọi và nhận được sự ủng hộ của 13 nhà thuốc khác trên địa bàn tỉnh và thành phố. Rất nhiều loại thuốc như: kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, thuốc ho, cảm cúm, dầu gió, thuốc đi ngoài, men tiêu hóa… đã được các hiệu thuốc ủng hộ. Chị đã chia thành từng liều đóng thành từng gói để mang đi phát cho người dân. Những loại thuốc này bình thường tuy không đáng giá nhưng chị nghĩ nó rất cần thiết cho người dân vùng lũ vào lúc này.

Xem facebook thấy nhà xe kêu gọi ủng hộ, anh Tô Văn Dần, thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) lái xe máy vượt gần 20 km lên thành phố tìm đến nhà xe Tấn Lợi để ủng hộ người dân Miền Trung. Trên xe là hơn chục thùng mỳ tôm và 10 kg gạo. Vừa tháo những thùng mì xuống xe, anh cất giọng chân chất: “Nhà làm mộc và làm ruộng, chỉ xuống góp một chút thế này. Anh định mang thêm trứng mà sợ các cô chú đi đường xa nó vỡ. Thôi thì “của ít lòng nhiều” nhờ nhà xe chuyển giúp đến bà con".

 

Chị Hà và anh Nhuận tặng quà cho hộ bị bệnh hiểm nghèo, cô đơn ở vùng lũ Quảng Bình.

Hành trình nghĩa tình

Chúng tôi gặp lại chị Hà sau khi chị vừa kết thúc hành trình hơn 3 ngày 4 đêm làm thiện nguyện ở Quảng Bình trở về. Đói, rét, mệt, thương nhưng hạnh phúc là những cung bậc cảm xúc còn đọng lại đối với 17 thành viên tham gia đoàn thiện nguyện cùng chị Hà. Chị Hà chia sẻ, trong chuyến đi này, những tình nguyện viên không chuyên như chị cảm thấy rất hài lòng vì chuyến đi đã an toàn, hoàn thành được nhiệm vụ mà những người dân Tuyên Quang giao phó. Đoàn chia làm 2 tốp, bằng nhiều cách đã vận chuyển và trao được 1.700 phần quà, 30,9 triệu đồng tiền mặt tới tận tay các hộ dân khó khăn nhất ở nhiều thôn, xóm ở một số xã của 4 huyện: Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Đoàn đã kịp rẽ vào động viên, chia sẻ với gia đình đồng chí Đại úy Trương Văn Thắng, công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dũng cảm hy sinh khi cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân và gia đình ông Hoàng Văn Đức ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có 2 con nhỏ bị đuối nước khi đang trên đường đi tránh lũ…

Đoàn đi liên tục, lúc thì dầm mưa, lội nước, lúc lại đi thuyền vào những vùng khó khăn nhất để trao quà. Việc ăn uống, ngủ nghỉ chỉ qua loa, có bữa mỗi người miếng bánh lương khô, miếng bánh chưng nhưng khi được trực tiếp chứng kiến những mất mát, thiệt hại về người, nhà cửa của bà con những nơi đoàn đi qua; được bà con nắm tay cảm ơn sau khi trao quà, mọi người trong đoàn ai nấy đều như được tiếp thêm sức mạnh. Đáng nhớ nhất là đoạn đường đoàn di chuyển vào các xã: Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy của huyện Lệ Thủy. Đường núi quanh co, độ dốc cao, nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng, xe ô tô to không đi được, nhiều lúc phải đi bộ dưới mưa. Đặc biệt là ở các xã Bạch Đàn, Trường Sơn, Làng Ho, nhiều chỗ vẫn bị cô lập, chưa thể vào được. Đoàn đã gửi 300 suất quà cho các chiến sỹ ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) để chuyển đến bà con khu vực bị sạt lở.

Chuyến đi của đoàn có được thành công như vậy vì đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành và giúp đỡ về quà tặng của nhiều nhà tài trợ, các mạnh thường quân, bà con nhân dân Tuyên Quang, sự phối hợp của chính quyền địa phương sự giúp đỡ về ăn ở các đội tình nguyện ở tỉnh Quảng Bình. Trên hết là tấm lòng nhiệt huyết, không ngần ngại, không sợ khó, sợ khổ của các anh chị, các bạn trong đoàn.

Khi gió buốt mới cảm nhận được manh áo ấm, khi đói lả mới thấy trân quý từng hạt cơm, khi cô đơn mới nhận ra giá trị của tình thân hữu, khi khó khăn mới hiểu sự sẻ chia. Mỗi đóng góp dù ít hay nhiều nhưng là cả tấm lòng của các anh, các chị dành tặng miền Trung yêu dấu. Họ muốn nhắn gửi tới đồng bào miền Trung rằng, miền Trung sẽ không một mình. Tuyên Quang sẽ đồng hành cùng họ, tiếp thêm sức mạnh, động lực để người miền Trung vững tâm vượt qua khó khăn.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 597