• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm lại Lỵ sở trấn Tuyên Quang thời vua Lê Dụ Tông

Trong bài “Bia Ma Nhai, chùa Hương Nghiêm nhiều chỉ dẫn về lịch sử với Tuyên Quang” hôm nay chúng tôi xin trao đổi thêm về vấn đề Lỵ sở của Tuyên Quang viết trong tấm bia này.

Từ nhiều năm nay, những nhà sử học, những nhà nghiên cứu lịch sử và những người yêu Tuyên Quang vẫn đau đáu và lặng lẽ đi tìm Lỵ sở của Tuyên Quang các triều đại xưa, bởi tìm được sẽ có thêm những tài liệu khoa học để khẳng định vị trí, vai trò của nơi đặt cơ quan đầu não của Tuyên Quang trong việc xây dựng và bảo vệ Tuyên Quang thành vùng phên dậu phía bắc này của Tổ quốc. Đồng thời cũng chứng minh được câu nói cổ “Tuyên Thành vạn cổ án Thăng Long” như vẫn lan truyền trong dân gian là đúng! 

 

Đền thờ Chúa Bầu tại xã An Khang (TP Tuyên Quang). 

Theo các sách địa chí cổ như An Nam chí lược của Lê Tắc, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Đại Nam nhất thống chí, Kiến văn tiểu lục và các sách lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, và các sách viết thời cận đại như Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh... Cho thấy từ thời Lý - Trần đến trước năm 1831 thời nhà Nguyễn Tuyên Quang xưa bao gồm toàn bộ Tuyên Quang, Hà Giang, huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng. Thời nhà Trần - Lê bao gồm cả vùng châu Thủy Vĩ, nay thuộc Lào Cai. Nhưng Lỵ sở của tỉnh qua từng triều đại ấy đóng ở đâu trên mảnh đất này, chỉ thấy lịch sử nhà Nguyễn viết về Lỵ sở nhà Nguyễn đặt ở xã Ỷ La, còn lỵ sở các triều đại trước ít thấy sách nào viết đến.

Nhiều lần đến thăm và làm việc với PGS, TS Hán - Nôm Đinh Khắc Thuân, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Hán - Nôm tại viện Hán - Nôm về bia đá của tỉnh Tuyên Quang, tôi biết ông rất tâm đắc với tấm bia Ma Nhai khắc trên vách núi đá của chùa Hương Nghiêm thuộc xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Ông nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, theo văn bia, ngày xưa đây là nơi có thành quách của triều đình và nơi đóng của các sở quan trong triều đình.

Sau khi đọc kỹ bài văn bia của PGS, TS Đinh Khắc Thuân và bản dịch bia này của một số nhà nghiên cứu khác, tôi đã nhiều lần về lại Tuyên Quang và lặng lẽ sưu tầm nhiều tài liệu địa chí và lịch sử để hy vọng tìm ra một chút tài liệu về lỵ sở Tuyên Quang trước thời nhà Nguyễn. May sao, tìm trong cuốn Kiến Văn tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn do nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản những năm 70 của thế kỷ trước, tôi giật mình trước những dòng chữ ông viết về Lỵ sở Tuyên Quang trong bài “Tuyên Quang” như sau:

“Năm Tân Sửu (1721) niên hiệu Bảo Thái, định thể lệ đặt trạm đệ ở các xứ. Viên Trấn thủ Tuyên Quang nói: Văn thư từ kinh thành phát giao ra, đường bộ do các trạm xứ Sơn Tây đến nhà trạm xã Hòa Mục huyện Đông Lan, rồi đến xã Đông Thủy huyện Phú Yên là lỵ sở của trấn...

Giữa niên hiệu Bảo Thái đặt nhà Trạm: từ xã Thúc Thủy là Lỵ sở trấn Tuyên Quang trở lên đến xứ khe Tham Thổ thuộc các xã Tụ Long, Phấn Vũ, châu Vị Xuyên đường đi gồm 40 ngày...

Như vậy vào năm 1721 niên hiệu Bảo Thái lỵ sở của đạo Tuyên Quang thời nhà Lê đời vua Lê Dụ Tông là ở Thúc Thủy, nay thuộc xã An Khang của TP Tuyên Quang. Điều này giúp ta khẳng định khi anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật cát cứ Tuyên Quang, theo nhà Lê chống lại nhà Mạc cho đến năm 1592 thì lỵ sở của nhà Lê ở Tuyên Quang là ở Thúc Thủy xã An Khang.

Theo tài liệu của nhà bác học này tra lại sách lịch sử và địa chí cổ ta biết được như sau:

Năm 1705 Lê Dụ Tông tên thật là Lê Duy Đường lên nối ngôi vua Lê Hy Tông. Từ năm 1705 đến năm 1719 ông lấy niên hiệu là Vĩnh Thịnh, từ năm 1720 đến 1729 ông lấy niên hiệu là Bảo Thái. Theo tài liệu trên, năm 1721 là năm Bảo Thái thứ hai của đời vua Lê Dụ Tông. Từ năm 1720 đến năm 1723 Tuyên Quang vẫn là Trấn của thời Lê Thánh Tông. Nhưng sau năm 1723 vua Lê Dụ Tông lại cho đổi Trấn thành Đạo Tuyên Quang như thời vua Lê Thánh Tông.

Vẫn theo tài liệu địa chí cổ thì xã Hòa Mục, huyện Đông Lan là một đơn vị hành chính thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây và xã Đông Thủy, huyện Phú Yên là thuộc trấn Tuyên Quang.

Qua tài liệu địa chí cổ và Từ điển thì thấy suốt từ năm 1522 đến năm 1592 khi anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật cát cứ Tuyên Quang đến hết thời Lê - Trịnh thì Tuyên Quang là một vùng đất rất rộng lớn, bao gồm toàn bộ Lào Cai, một phần Phú Thọ, phần lớn Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang và huyện Bảo Lạc của Cao Bằng, lỵ sở của Nhà Lê đặt ở Thúc Thủy, xã An Khang thuộc Thành phố Tuyên Quang hiện nay.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 25
Hôm qua : 472