• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn luôn phải chống trả và chiến thắng nhiều kẻ thù lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Đoàn kết để chiến đấu, đoàn kết để xây dựng, bảo vệ đất nước đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đã kế thừa và phát huy truyền thống đó trong cuộc đời  và sự nghiệp của mình để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tới bến bờ chiến thắng, giành lại nền độc lập dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã được Người tổng kết thành một chân lý sâu sắc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.


Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.  Ảnh: Ngọc Hưng

Xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, thật sự với mọi người yêu nước, tán thành độc lập, tự do, thống nhất, mưu cầu hạnh phúc, ấm no; không phân biệt tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, không phân biệt trước đây họ đã theo phe phái nào. Người khẳng định “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số  khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sướng khổ cùng nhau, no, đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta...”.

Là tấm gương sáng ngời của lòng khoan dung, nhân hậu, vị tha, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy ở tất cả mọi người truyền thống yêu nước, yêu quê hương, trách nhiệm với tổ tiên, dân tộc, gia đình, gác lại một bên những băn khoăn, thắc mắc thậm chí cả hận thù để hướng về một mục đích chung là giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người nói “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay”. Chính vì lòng khoan dung ấy mà Bác đã tập hợp được một đội ngũ trí thức sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, phú quý cá nhân để đến với cách mạng và phụng sự dân tộc hết mình như: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch,  Tạ Quang Bửu.

Điểm cốt lõi của tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng khối đoàn kết mạnh mẽ nhưng có tổ chức. Ngày 18/11/1930 “Hội phản đế đồng minh Đông Dương” đã được thành lập. Đó là sự kiện đánh dấu một mốc son trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, là tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm nay; lấy cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã tập hợp, xây dựng được một khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vào mục tiêu dân giầu, nước mạnh, công bằng, văn minh.

Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Bản thân người cũng là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết, khoan dung, nhân hậu, vị tha. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân, coi đó là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Đảng cũng là nhân tố vô cùng quan trọng dẫn tới những thành công của đất nước qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, chúng ta quyết tâm cùng nhau phấn đấu thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác trước lúc đi xa là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh...”. Đây cũng chính là tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII, trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 435
Hôm qua : 613