• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay chia sẻ cùng người khuyết tật, trẻ em mồ côi

Với tinh thần tất cả vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người khuyết tật và trẻ em mồ côi, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội Bảo trợ người người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án đạt kết quả đáng khích lệ. Trong nhiệm kỳ Hội đã hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội đề ra. Qua đó, góp phần từng bước chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế tái hòa nhập cộng đồng.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015. Hiện nay mới chỉ có Hội cấp tỉnh còn cấp cơ sở chưa được thành lập. Trong nhiệm kỳ, Hội đã vận động, kết nạp 258 hội viên. Trong đó có 37 hội viên thuộc các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể; 221 hội viên là doanh nhân, thương nhân, cán bộ thôn, bản, cán bộ nghỉ hưu, người khuyết tật. Ngoài ra, năm 2018, Hội thành lập Câu lạc bộ Người khuyết tật, trẻ em mồ côi phường An Tường (TP Tuyên Quang) với 44 hội viên. 

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh phối hợp tổ chức chương trình
cấp phát thuốc tại xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang)

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 22.045 người khuyết tật. Số người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng là 11.486 người, chiếm 45,36% đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh cho biết, thời gian qua Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan như Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan, đoàn thể để tuyên truyền từng bước nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về việc chăm lo đời sống cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Qua đó thu hút sự quan tâm ủng hộ, đóng góp của các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, tổ chức Quốc tế. Trong 5 năm qua, Hội vận động nguồn quỹ được hơn 7,9 tỷ đồng, tổ chức các hoạt động bảo trợ cho 7.000 lượt đối tượng, giá trị nhân đạo đạt hơn 7,1 tỷ đồng.

Các hoạt động bảo trợ đa dạng nhiều hình thức, phong phú và đạt hiệu quả cao. Trong nhiệm kỳ đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 2.000 lượt người khuyết tật; hướng dẫn phục hồi chức năng cho 62 người khuyết tật tại nhà. Từ năm 2015 đến nay, Hội đã tặng 810 xe lăn, xe đẩy, máy trợ thính; xây mới và sửa chữa 50 công trình nhà ở, nhà vệ sinh cho người khuyết tật; tặng 302 xe đạp, 405 suất học bổng và hơn 3.500 suất quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các đối tượng còn được hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt như tủ lạnh, ti vi, máy lọc nước, lò sưởi, sách vở, quần áo…

Anh Cù Xuân Huy, thôn 21 xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), người khuyết tật chia sẻ, anh rất cảm kích sự quan tâm của lãnh đạo Hội đến những người kém may mắn như anh. Ngoài sự trợ giúp về kinh tế, anh thường xuyên được y, bác sỹ đến tận nhà thăm khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Hội đã sáng tạo trong việc xây dựng “Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh”. Đề án đã được UBND tỉnh công nhận sáng kiến - kinh nghiệm cấp tỉnh. Đề án triển khai tại 7 xã: Tràng Đà, Kim Phú, Đội Cấn (TP Tuyên Quang), Thái Hòa (Hàm Yên), Sơn Nam (Sơn Dương), Tiến Bộ (Yên Sơn), Tân Thịnh (Chiêm Hóa). Tại mỗi xã có mức đầu tư từ 400 - 750 triệu đồng.

Anh Lương Văn Tùng, xóm 3, xã Kim Phú (Yên Sơn) được vay vốn không lãi suất từ Đề án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật phát triển xưởng đồ gỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Sau 4 năm, đã có trên 2.065 lượt đối tượng người khuyết tật, trẻ em mồ côi được hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Trong đó, trên 1.000 lượt người được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, được phục hồi chức năng tại nhà; trên 100 lượt người được cấp xe lăn và tiền làm đường tiếp cận xe lăn; 40 hộ được hỗ trợ kinh phí xây công trình vệ sinh; 5 hộ được hỗ trợ làm nhà ở; 42 hộ được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình…

Xã Thái Hòa (Hàm Yên) có 428 người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Thời gian qua, Đề án được triển khai tại xã có tổng kinh phí gần 500 triệu đồng đã trợ giúp cho 175 đối tượng về y tế, phương tiện, hỗ trợ sinh kế giúp phát triển kinh tế. Bà Đặng Thị Mát, thôn Quang Thái 2 là người khuyết tật, chồng bà là bệnh binh hạng 2/3 cũng thường xuyên đau yếu. Khi Đề án triển khai tại xã, bà được hỗ trợ 3 triệu đồng đầu tư nuôi gà và mua phân bón để chăm sóc vườn chè. Bà bộc bạch, nguồn vốn hỗ trợ đã góp phần động viên tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn như gia đình bà. Đây là nền tảng ban đầu để các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với các đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi, bao gồm tổ chức các hoạt động văn nghệ, tặng quà trong các Ngày Người Khuyết tật Việt Nam, Ngày Quốc tế người khuyết tật và Quốc tế Thiếu nhi. Năm 2019, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đã thành lập Đội văn nghệ (diễn viên là người khuyết tật) tổ chức tập luyện và tham gia Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ II. Kết quả Đoàn Tuyên Quang đoạt 2 Huy chương Bạc.

Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh cho biết, nhiệm kỳ tới, Hội phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Hội vững mạnh. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tranh thủ sự trợ giúp, mở rộng các mối quan hệ để vận động nhiều nguồn lực, vật lực hỗ trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Qua đó, từng bước giúp họ bớt tự ti, có ý thức vươn lên, tham gia học tập, lao động sản xuất, từng bước hòa nhập nhanh với cộng đồng.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 397
Hôm qua : 472