• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ chân du khách

Đối với bất kỳ địa phương nào làm du lịch, việc giữ chân du khách trở thành mục tiêu hàng đầu, vì chỉ khi tăng thời gian lưu trú, các giá trị của du lịch mới gia tăng. Biết rõ là vậy song việc giữ chân du khách không phải là chuyện dễ. Đây là bài toán khó gây đau đầu cho nhiều chính quyền, cơ quan quản lý và các cơ sở lưu trú du lịch.

Mới là điểm dừng

Tuyên Quang xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 3 triệu lượt khách. Năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn tỉnh đón 1,6 triệu lượt khách, phấn đấu năm 2022 sẽ đón trên 2 triệt lượt khách. Với đặc điểm về lịch sử, thiên nhiên, du lịch Tuyên Quang hiện đang tập trung khai thác nhiều loại hình du lịch như Du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... 

Tuyên Quang đang xây dựng Lễ hội Thành Tuyên sẽ là lễ hội mang thương hiệu Quốc gia và có tính quốc tế.

Du lịch lễ hội, như Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội rước Mẫu, Lễ hội Lồng tông, Lễ hội Nhảy lửa.  Đặc điểm của du lịch lễ hội là lượng người đông, nhưng khả năng lưu trú thường từ 1 đến 2 ngày.

Du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử cách mạng, tập trung ở Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa), Kim Quan, Mỹ Bằng (Yên Sơn) thường có thời gian lưu trú ngắn nhất, do hạ tầng du lịch, dịch vụ du lịch hỗ trợ chưa hoàn chỉnh. Dịch vụ du lịch mới đơn giản là ăn nghỉ trong các homestay, nên khách có tâm lý xong việc là di chuyển ngay.

Tua du lịch đi thăm các đền, chùa trên địa bàn cũng không giữ chân được du khách, vì các du khách phải di chuyển liên tục từ đền nọ sang đền kia. Buổi tối đoàn ăn nghỉ tập thể, sáng lại đi tiếp. Như vậy khách cũng chỉ có 2 ngày tham quan với cường độ di chuyển cao.

Loại hình du lịch có kỳ vọng giữ được chân du khách lâu nhất trên địa bàn tỉnh chính là du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái. Vì du khách di chuyển tới những điểm du lịch này thường xa trung tâm. Thông thường khách mất 1 ngày đi chuyển lên và 1 ngày đi chuyển về, cộng với khoảng 2-3 ngày lưu trú, tổng thời gian cho một chuyến đi cũng 5 ngày.

Anh Nguyễn Văn Huân, một du khách Hà Nội thường xuyên lên Tuyên Quang cho biết, anh cũng từng đi du lịch ở Phú Quốc (Kiên Giang), thời gian lưu trú khoảng 1 tuần.  Du khách được công ty du lịch đưa đón, có người dẫn theo tua. Ngày thứ nhất du khách đi theo đoàn đi thăm cơ sở nước mắm. Sang ngày thứ hai họ dẫn đến các cơ sở nuôi trồng, chế biến, bán các sản phẩm ngọc trai. Ngày thứ 3 du khách được tìm hiểu trang trại nuôi chó Phú Quốc. Ngày thứ 4 du khách tới thăm cơ sở sản xuất rượu sim. Ngày thứ 5 du khách biết tới các vườn trồng cây hồ tiêu. Còn 2 ngày nữa khách có thể tự do đi mua sắm, thư giãn. Một tuần ở Phú Quốc trôi đi thật nhanh. Và lượng tiền tiêu ở Phú Quốc không phải là ít, vì ai cũng muốn mua các sản phẩm du lịch nổi trội đó về làm quà.

Tua du lịch non nước Thúy Loa, Lâm Bình tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Anh Huân khẳng định, cảnh sắc du lịch của Tuyên Quang không kém bất cứ nơi đâu, trong tương lai còn là trung tâm du lịch của miền Bắc. Tuy nhiên khả năng lưu trú của du khách chưa cao, thường thì 2 - 3 ngày. Một tua du lịch quốc tế đến Việt Nam ít nhất là 7 ngày và nhiều nhất là 90 ngày. Nguyên nhân khách ít lưu trú ở Tuyên Quang là do cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn. Và chưa có một đội ngũ các công ty du lịch chuyên nghiệp, làm nhiệm vụ khâu nối các điểm, các sản phẩm du lịch với nhau theo chuỗi giá trị.

Câu nói vui để du khách “vào sâu, ở lâu, ra từ từ” vẫn là niềm khát khao cháy bỏng của du lịch tỉnh nhà.

Tìm giải pháp

Lễ hội Thành Tuyên một lễ hội đường phố kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 8 âm lịch đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, ăn khách. Tỉnh định hướng quy hoạch mở rộng quảng trường, đường phố, nâng tầm thương hiệu mang tính quốc gia và tính quốc tế. Để du khách hòa mình các hoạt động của lễ hội thì rất cần sự vào cuộc của các công ty lữ hành du lịch. Như tổ chức cho du khách trải nghiệm cách làm mô hình của các tổ, tham gia diễn diễu, cùng tham gia các điệu nhảy khiêu vũ sôi động. Đổi mới lễ hội để giữ chân du khách đang là đòi hỏi bắt buộc của những người làm du lịch.

Tuy nhiên qua thời gian tổ chức, Lễ hội Thành Tuyên 2022 đã bộc lộ một số điểm yếu cố hữu. Lượng khách sạn, nhà nghỉ luôn cháy phòng, các làng homestay đã có nhưng chưa nhiều để giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Những than phiền về giá một số dịch vụ lưu trú, ăn uống... trên các trang mạng xã hội cũng khiến hình ảnh du lịch Tuyên Quang “giảm điểm” trong mắt du khách. 

Anh Đoàn Mạnh Hùng, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, theo kế hoạch cả gia đình 10 người sẽ lên Tuyên Quang dịp Lễ hội nhưng vì không thuê được chỗ ở nên phải rút gọn còn 5 người, số ngày lưu trú dự kiến 5 ngày cắt xuống còn 2 ngày. Anh bảo cả gia đình vẫn muốn ở lại để trải nghiệm Tết Trung thu có một không hai này, nhưng đành phải về vì chỗ ăn ở không được thuận tiện. Rất mong vào những mùa lễ hội sau, Tuyên Quang phải làm tốt khâu này để giữ chân du khách.

Bản sắc văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, các huyện, thành phố từng bước đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch hỗ trợ. Như Lâm Bình tổ chức giải đua xe đạp địa hình; Sơn Dương đưa bơi mảng hát Then trên hồ Nà Nưa; Na Hang phát triển lễ hội hoa lê, chợ đêm; Hàm Yên tổ chức Ngày hội, Liên hoan văn hóa quần chúng, mở tuyến phố đi bộ; thành phố Tuyên Quang thi xe ô tô địa hình, tuyến phố đi bộ; Yên Sơn tổ chức Ngày hội người Mông, khôi phục nét văn hóa Cao Lan ở Động Sơn. Tín hiệu cho thấy các huyện, thành phố đã chú ý đến đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Toàn tỉnh có khoảng 10 công ty lữ hành du lịch. Các công ty lữ hành đã tạo ra chuyển biến cho công tác làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có hệ thống. Nhưng các doanh nghiệp mới chỉ phát huy ở mảng bán vé máy bay, dịch vụ vận chuyển hành khách, đưa theo tua tuyến nhỏ lẻ, chưa có sự phối hợp để mở những tua tuyến lớn, dài ngày, hấp dẫn. Đơn cử như mở tua đi tham quan những quần thể cây nghiến nghìn năm tuổi ở Na Hang, trải nghiệm chụp ảnh trên các đảo nổi ở khu vực non nước Thúy Loa, Lâm Bình, tìm hiểu bản sắc người Mông ở Cao Đường, xã Yên Thuận, Hàm Yên.

Theo Tiến sĩ Hà Thúy Mai, Phó trưởng Khoa, phụ trách Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tân Trào, để giữ chân du khách ở lâu hơn thì các địa phương, cơ sở du lịch phải gia tăng trải nghiệm khách hàng, giữ cho sản phẩm và dịch vụ nhất quán. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng du lịch như đường giao thông, điện, viễn thông phải được triển khai đồng bộ, rộng khắp, quà lưu niệm du lịch phong phú, hấp dẫn. Nói tóm lại để giữ chân du khách cần sự phối hợp tổng thể, đồng bộ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân. Với mục tiêu cao nhất là ngày càng xây dựng, thiết kế ra các dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, có tính liên kết tua tuyến, liên kết nội địa, vùng cao. Để khách trải nghiệm, tận hưởng và hẹn ngày quay trở lại!

Theo TQCT


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 462
Hôm qua : 652