• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng ứng phó, giảm nhẹ thiên tai

Chưa năm nào, thời tiết diễn biến bất thường và cực đoan như năm nay, khi ngay đêm 30, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, mưa đá đã diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ trong chưa đầy nửa năm 2020, người dân trên địa bàn tỉnh đã phải đón nhận hàng chục trận mưa dông, gió lốc, kèm mưa đá, khiến hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng, hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây rừng bị gẫy đổ; nhiều công trình hạ tầng bị thiệt hại...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO (chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina về hiện tượng khí hậu bất thường) tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, ngày 27-4-2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2020. Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất thực hiện di dời người dân đến nơi an toàn; tổ chức các cuộc diễn tập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của các lực lượng tại địa phương... 

 

Tuyến đường trung tâm xã Bình Xa (Hàm Yên) sau cơn dông lốc ngày 17-5. Ảnh: Lê Duy

Do tập quán và điều kiện sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thường chọn gần nguồn nước, canh tác ven sông suối, các sườn núi, sườn đồi là những khu vực thường hay bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra như lũ quét, sạt lở và ngập lụt. Sẵn sàng ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thời gian này là tổ chức rà soát, di chuyển các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi ở mới, an toàn. Riêng năm 2019, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát và di chuyển xong 101 hộ trong vùng nguy hiểm có nguy cơ thiên tai đến nơi ở mới an toàn, với tổng kinh phí di chuyển 1,84 tỷ đồng. Năm 2020, các địa phương tiếp tục vận động di chuyển 95 hộ sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi ở mới. Tỉnh cũng đã xây dựng dự án di dân khẩn cấp 4 cụm dân cư, với 348 hộ, tổng kinh phí dự kiến trên 292 tỷ đồng.

Việc nâng cấp kết cấu hạ tầng được đặc biệt coi trọng. Từ kinh phí Trung ương và của tỉnh, các địa phương hiện đang xử lý các vị trí sạt lở xung yếu và gia cố mặt đê kết hợp đường giao thông tại một số tuyến đê thuộc huyện Sơn Dương; kè bờ sông Gâm hạ lưu khu vực Thủy điện Tuyên Quang; kè chống sạt lở bờ suối, cầu vượt suối và các dự án di chuyển dân cư... Ngoài ra, tỉnh đôn đốc thu Quỹ phòng chống thiên tai để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công tác khắc phục. Theo đó, tổng thu quỹ từ năm 2015 đến năm 2019 là trên 14,7 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, tỉnh đã chi trên 9,5 tỷ đồng để tu sửa, khắc phục thiên tai đối với các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn, đường giao thông, cống dưới đê và thuê bao 18 trạm đo mưa tự động.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, việc dự báo mưa, lũ và đặc biệt là lũ quét, dông, lốc hết sức khó khăn dẫn đến công tác chỉ đạo còn hạn chế. Nguyên nhân do thời tiết những năm gần đây có nhiều diễn biến bất thường, mưa lũ xảy ra cục bộ trong một khu vực nhỏ. Hiện tượng rét đậm, rét hại, dông, lốc và thiếu hụt nước tưới tại một số thời điểm làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Kinh phí dành cho công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai còn hạn chế, đặc biệt là khắc phục sạt lở bờ sông, bờ suối; việc cung cấp thông tin, công tác thống kê, báo cáo, lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra của một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời.

Sau nhiều năm triển khai, việc thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu kinh phí tổ chức; việc tuyên truyền tới cộng đồng chủ yếu được lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị thôn bản nên thời gian truyền tải kiến thức còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng chủ quan trong một bộ phận nhân dân. Thêm vào đó, một số phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai còn thiếu như máy phát điện, loa cầm tay, máy bộ đàm, đèn pin; một số trang thiết bị bị xuống cấp theo thời gian như nhà bạt, áo phao, phao tròn cứu sinh...

Khắc phục những hạn chế này, Tuyên Quang hiện đang tổng kết lại toàn bộ hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021 - 2025 chính xác hơn, hiệu quả hơn.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 362
Hôm qua : 882