• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Uống nước nhớ nguồn

Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7 hàng năm như nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Để có ngày hôm nay, biết bao máu xương của các thế hệ cha anh đã đổ, hàng triệu người suốt đời mang trên mình thương tật, di chứng tàn ác của chiến tranh...

Đậm tình nghĩa tri ân

Những ngày tháng 7, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) tiếp đón nhiều đoàn đến thăm và thắp nén nhang tri ân 2 con liệt sỹ của mẹ. Mẹ Giã năm nay 97 tuổi, mẹ có 2 người con đã hy sinh tại chiến trường Lào và Campuchia. Kể từ khi các anh hy sinh, lòng mẹ như thắt lại, khuôn mặt mẹ hằn thêm những nét buồn đau. Tuy trí nhớ giờ không còn được như xưa nhưng khi gặp mọi người, mẹ xúc động bảo, giờ mẹ già rồi, mong muốn của mẹ là có sức khỏe.

Bên cạnh sự quan tâm về mặt tinh thần, mẹ đều nhận được các chính sách do Nhà nước chi trả hàng tháng, được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty Điện lực Tuyên Quang phụng dưỡng, chăm sóc mẹ. Đến nhà mẹ lần nào là hỏi thăm sức khỏe, biếu thuốc bổ, dọn dẹp nhà cửa, tặng quà mẹ. Thấy các con quan tâm, hỏi thăm mẹ mừng lắm. Những người thân yêu nhất của mẹ đã ra đi nhưng giờ đây mẹ có nhiều người con, người thân khác chăm sóc mẹ.

Đại tá Hà Đình Khiêm, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phung, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).

Trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, thương binh hạng 3/4 Lương Văn Tịnh, thôn Khuôn Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn) xúc động chia sẻ, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường D2 tỉnh Tây Ninh năm 1968 đến năm 1974 xuất ngũ trở về địa phương. Thời điểm trở về, chân ông bị gẫy lại thêm đốt sống lưng bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Việc trang trải kinh tế gia đình chủ yếu do vợ ông lo liệu nên nhiều khi bữa ăn còn tính đếm chứ chẳng bao giờ ông dám nghĩ đến việc có được ngôi nhà kiên cố, khang trang.

Năm 2022, được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình ông 80 triệu đồng và sự giúp sức của bà con hàng xóm hỗ trợ ngày công, cùng với số tiền gia đình vay mượn thêm đã giúp ông có được ngôi nhà mới. Tháng 1-2023, ngôi nhà với diện tích 100m2 được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ông Tịnh bảo, hàng tháng ông được hưởng 2,5 triệu đồng tiền trợ cấp, được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Giờ có nhà mới ông rất phấn khởi, từ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành và bà con hàng xóm khiến ông luôn thấy được sẻ chia, giúp ông vượt qua nỗi đau thể xác, sống vui, sống khỏe cùng con cháu.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể. Đại tá Hà Đình Khiêm, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đơn vị đặc biệt quan tâm.

Ngoài việc phụng dưỡng 2 mẹ Việt Nam anh hùng, 5 năm qua, đơn vị đã xây mới 8 nhà cho các đối tượng người có công và quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với kinh phí hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà; vận động cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 1 tỷ đồng. Đơn vị đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các nhà tài trợ tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí cho trên 6.000 lượt người, tặng hơn 1.000 suất quà, 12 con bò giống, 30 xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó thuộc đối tượng người có công, gia đình chính sách tại các xã khó khăn với tổng giá trị các hoạt động trên 3 tỷ đồng. 

Ấm lòng thân nhân liệt sỹ

Bữa cơm chiều đạm bạc giữa tháng 7 trong ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, 103 tuổi, ở phường An Tường (TP Tuyên Quang) đông vui hơn thường ngày bởi có sự góp mặt của các bạn đoàn viên, thanh niên. Bữa cơm giản dị nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ với gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng. Chị Đặng Thị Bích Ngọc, Bí thư Đoàn phường An Tường cho biết, đầu giờ chiều các bạn đoàn viên đã chia nhau người đi chợ, người giúp mẹ dọn dẹp nhà, người vào bếp nấu cơm. Cuối chiều, mâm cơm tươm tất với những món ăn giản dị được sắp lên thắp hương cho liệt sỹ Nguyễn Văn Chung là con trai duy nhất của mẹ Nhớn đã hy sinh năm 1967 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và sau đó mọi người cùng quây quần bên mẹ trong bữa cơm đầm ấm với những câu chuyện ý nghĩa. Thấy nhà đông con cháu quây quần, mẹ Nhớn càng vui, ăn càng ngon miệng, ai cũng tranh gắp miếng ngon mời mẹ.

Ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, phường An Tường (TP Tuyên Quang)
đông vui khi có sự góp mặt của đoàn viên, thanh niên.

Hiện toàn tỉnh có hơn 6.900 người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Việc chăm lo cho các đối tượng người có công không chỉ tập trung vào tháng 7 mà đó là việc làm thường xuyên luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời. Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã trao tặng trên 33 nghìn suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân người có công và gia đình chính sách.

Công tác điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe thường xuyên cho người có công được chú trọng; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, doanh nghiệp như: Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty Điện lực Tuyên Quang, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt… nhận phụng dưỡng suốt đời. 6 tháng năm 2023, từ các nguồn vốn đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 30 đối tượng người có công với kinh phí trên 800 triệu đồng; nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Việc tu bổ, trồng thêm cây xanh, quét dọn nghĩa trang, nhà bia liệt sỹ được các đoàn thể, các địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên và tổ chức thăm viếng, dâng hương tưởng niệm vào các dịp lễ, Tết...

Hơn bao giờ hết, những việc làm thiết thực, ý nghĩa của các cấp, ngành, của lớp lớp thế hệ cháu con đã thắp lên truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trở thành nét đẹp trong đời sống, để ta nhắc nhớ những năm tháng hào hùng, để ta biết ơn quá khứ, nguồn cội, để gìn giữ truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc. 

 

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 404
Hôm qua : 439