A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA

HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Với nghĩa rộng, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích cuộc sống loài người, văn hóa là cơ chế tổng hợp để hình thành và phát triển con người - xã hội “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(1). Với nghĩa hẹp, theo Người, văn hóa là những giá trị tinh thần thuộc kiến trúc thượng tầng, nhưng ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội và “trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(2). Vì vậy, văn hóa có vai trò rất quan trọng trong xã hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nó bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho con người; mở rộng hiểu biết nâng cao dân trí; bồi dưỡng, hướng con người tới chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân.

Vận dụng và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa, Đại hội XIII của Đảng xác định “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(3). Điều đó, đòi hỏi phải ra sức kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam đã được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình -làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Các giá trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam đã làm nên nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc; trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, chúng ta cần tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Văn Đức

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.3, tr.458

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.10, tr.458-459

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,T.l,tr.216

(Facebook Người Tuyên Quang)

 


Nguồn:(Facebook Người Tuyên Quang) Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 21