• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình 'mỗi địa phương một sản phẩm': Chưa xây dựng được nhiều sản phẩm có thương hiệu

Thực hiện việc phát triển hàng hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã và đang thực hiện chương trình “mỗi địa phương một sản phẩm” với việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của vùng để sản xuất theo quy mô lớn gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của thành phố.

 Gà Tân Tạo, xã Đội Cấn đang trong thời gian chờ công nhận thương hiệu sản phẩm

           Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thời gian qua, cùng với công tác quy hoạch, định hướng phát triển, thành phố Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách để tạo sức bật cho lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là giúp các địa phương khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh. Từ việc tận dụng các cơ chế của tỉnh và thành phố, một số hợp tác xã, hộ gia đình đã thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn thử nghiệm nhiều giống cây trồng, vật nuôi để phát triển với quy mô lớn. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 158 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong đó có một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Mật ong phong Thổ (xã An Khang); cá Chiên, cá Bỗng (xã Tràng Đà); Bưởi Thái Long (xã Thái Long); cam đường canh, chanh tứ thì (xã Đội Cấn); trồng hoa, cây cảnh (phường Nông Tiến, phường Tân Hà)…
         Trên cơ sở điều kiện về khí hâu, thổ nhưỡng của từng địa phương, thành phố cũng khuyến khích các xã, phường thực hiện chương trình "mỗi địa phương một sản phẩm", sản xuất chuyên canh các sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng, hướng tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Ông Trần Xuân Viên, Chủ tịch UBND xã Đội Cấn chia sẻ, thực hiện chương trình này Đội Cấn đang trong thời gian xây dựng thương hiệu gà Tân Tạo, với dặc trưng là giống gà lai chọi, thả vườn, da vàng, thịt dai và chắc, chất lượng thịt thơm ngon. Do Tân Tạo là vùng soi bằng phẳng, người dân chủ yếu trồng ngô nên hầu hết sản phẩm đều sử dụng vào nuôi gà. Hiện Đội Cấn đang trong quá trình làm các thủ tục để công nhận nhãn hiệu sản phẩm gà Tân Tạo. Ông Lê Văn Vinh, Bí thư chi bộ thôn Tân Tạo cho biết, tuy chưa được công nhận nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nhưng Tân Tạo cũng đã thành lập tổ hợp tác nuôi gà và Chi hội nghề nghiệp của Hội nông dân, thực hiện nuôi gà theo hướng sạch, do đó mà giá trị sản phẩm đã bắt đầu được tăng lên.

Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của thành phố được trưng bày

tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố, nhiệm kỳ 2018-2023

            Mặc dù chương trình "mỗi địa phương một sản phẩm" cùng các cơ chế, chính sách của tỉnh và thành phố đã tạo thêm nhiều động lực để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, nhưng sau khoảng 3 năm thực hiện, theo đánh giá, thành phố vẫn chưa tạo ra được nhiều sản phẩm khác biệt, có thương hiệu. Nguyên nhân được cho là nguồn vốn để thực hiện chương trình còn hạn hẹp; Việc sản xuất còn nhiều lúng túng do tư duy của người dân chưa thực sự thay đổi, đầu ra thị trường chưa thực sự ổn định; việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm còn yếu. Sản xuất hầu hết còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết được với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ…Do đó, mặc dù thành phố đã xác định 6 sản phẩm nông nghiệp để xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, giai đoạn 2015-2020, gồm: mật ong Phong Thổ ( xã An Khang); Tinh bột nghệ ( xã Lưỡng Vượng); bưởi Thái Long ( Xã Thái Long); Cá chiên, cá bỗng (Xã Tràng Đà), gà Tân Tạo (xã Đội Cấn), Đào cảnh (phường Nông Tiến), nhưng đến nay, mới chỉ có Mật ong Phong Thổ được công nhận nhãn hiệu sản phẩm; gà Tân Tạo đang trong thời gian chờ công nhận nhãn hiệu, còn lại hầu hết các sản phẩm vẫn ở giai đoạn xây dựng Đề án. Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thị Kim Dung cũng nhấn mạnh, thực hiện chương trình "mỗi địa phương một sản phẩm" nên đi từ lòng dân, nêu cao vai trò của người dân, đặc biệt là những người dân có kinh nghiệm sản xuất trong việc luận bàn, lựa chọn sản phẩm và cách làm. Cấp chính quyền cơ sở tránh tình trạng chỉ đạo chung chung mà cần sâu sát thực tế, tổ chức họp dân để lựa chọn những sản phẩm phù hợp với điều kiện địa phương, trên cơ sở đó có định hướng cụ thể trong cách thức tổ chức thực hiện, tránh gây lãng phí, lại không hiệu quả.
            Trong điều kiện tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để phục vụ cho mở rộng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thành phố, thì việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích để tăng thu nhập cho người dân là điều cần thiết. Do đó mà tạo ra các sản phẩm có thương hiệu là một hướng đi phù hợp, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp chính quyền và nhân dân,có như vậy mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của thành phố Tuyên Quang mới có kết quả./.

                                                                          Bài và ảnh: Bình Yên ( Đài TT- TH thành phố)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 247
Hôm qua : 970