• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hãy ở nhà để chúng tôi phục vụ...

Hoạt động kinh doanh dịch vụ trong những ngày cách ly toàn xã hội cũng chuyển hướng theo phương châm “bạn hãy ở nhà để chúng tôi phục vụ” nhằm hạn chế việc tiếp xúc, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19. Trong cái khó “ló cái hay”, từ đây hình thành nên cách thức kinh doanh trực tuyến hướng tới những lợi ích “kép” cho cả người bán hàng và người mua.

   Khoảng thời gian giá trị

   Phố phường vắng lặng, hàng quán đóng cửa không còn thấy tấp nập khách vào ra những quán cà phê, trà chanh, quán ăn sáng, tối... Tất cả đều đóng cửa để “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, nhưng đóng cửa không có nghĩa là dừng hoạt động. Đây là khoảng thời gian giá trị để mỗi người hướng tới mục tiêu cao hơn.Trong quán cà phê FeLine trên đường Bình Thuận chỉ có 2 người, một ông chủ và một nhân viên phục vụ. Nguyễn Thanh Tùng, chủ quán cà phê năm nay 26 tuổi, ẩn trong đôi mắt đeo cặp kính dày cộp là sự quyết đoán và sáng tạo. Tùng không may mắn khi mở quán cà phê vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến kinh doanh dịch vụ. Tùng bảo, khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội, anh thấy lo lắng bởi hợp đồng thuê cửa hàng mỗi tháng 16 triệu đồng, còn tiền trả cho 3 nhân viên nữa, không mở quán, đồng nghĩa với không có thu nhập. Anh nén lại nỗi lo, trong đầu tự nhủ, “nếu sợ thì đừng làm nữa”. Anh động viên nhân viên, chia sẻ để họ đồng hành cùng mình “vượt bão”.

Nhân viên cửa hàng Dingtea tiếp nhận đơn hàng trên máy vi tính để ship cho khách hàng.

   Mỗi ngày, Tùng và một nhân viên ra quán cà phê đều đặn. Điện thoại online thường xuyên để tiếp nhận thông tin từ khách hàng trên trang facebook và zalo của mình. Ý tưởng kinh doanh mới lạ được anh chia sẻ và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Đấy là hình thành nên quán cà phê thú cưng, tầng 1 được anh bài trí bắt mắt với những bộ bàn ghế giản dị nhưng nom khá sang bởi tông màu ghi kết hợp với vườn hoa được anh thiết kế bên góc quán. Ở tầng hai, anh hình thành khu nuôi thú cưng để khách hàng yêu động vật đến đây trải nghiệm. Anh Tùng bảo, ở Hà Nội người ta làm mô hình này khá lâu rồi, nhưng ở thành phố mình thì chưa.

   Anh Tùng từng học Cao đẳng Y Hà Nội, ra trường không theo nghề mà bén duyên với nghiệp thời trang. Nhà anh ở xã Kim Phú, cha mẹ đều làm kinh doanh, cái nghiệp đấy ngấm vào anh từ bé. Anh muốn đeo đuổi nghiệp này nhưng cha mẹ lại lái anh theo con đường học hành để rồi “vỡ trận”. Anh hóm hỉnh nói vậy, nhưng theo anh Tùng, đấy thực sự là những năm tháng quý giá, anh có kiến thức và trải nghiệm ở môi trường tri thức, cái mà ai cũng cần cho hành trang cuộc đời mình. Ra trường, anh đi làm cho một hãng thời trang, cứ mải miết tất bật ở thủ đô, thế rồi một ngày anh nhận ra quê mình thực sự là bến đậu. Một quyết định táo bạo nhưng hợp lý ở cái ngưỡng “tam thập nhi lập” rồi, nếu không vội thì sẽ mất cơ hội - Anh Tùng tâm sự. Với lượng khách đặt hàng online khá đông, anh tin khi dịch kết thúc quán cà phê FeLine sẽ là điểm đến. Một khoảng lặng, người ta bỗng thèm ly cà phê, cooktail nhưng bởi “hãy ở yên khi Tổ quốc cần” thì “bạn hãy ở nhà và gọi cho chúng tôi”. Anh mang hương vị quán đến với khách hàng qua trang facebook, zalo, chuyển cà phê đến tận nhà cho khách cũng đủ chi phí để trả tiền cho nhân viên, điều mà anh đau đáu nhất, có thể trong thời điểm này, anh không có lương nhưng tiền công nhân viên thì phải trả. Trong khó khăn mới thấy được tình người, anh được ông chủ nhà giảm tiền thuê quán, anh thấy ấm lòng, mong dịch qua đi thật nhanh...

   Tình cờ thế nào mà bữa nay đôi bạn đồng niên, đồng cảnh ngộ Nguyễn Lan Anh và Trịnh Ngọc Tú thường đi làm cùng giờ với nhau. Quán trà chanh Dingtea trên đường Bình Thuận, phường Tân Quang bữa trước không lúc nào ngớt khách nhưng nay vắng lặng. Trong quán chỉ có 2 nhân viên pha chế, một người tiếp nhận đơn đặt hàng của khách trên máy tính, một người pha đồ mang đến tận nơi theo yêu cầu của khách. Lan và Tú đều sinh năm 2000, hoàn cảnh khó khăn vì thiếu vắng tình cha phải bươn chải với cuộc sống từ sớm. Lan bảo, những ngày cách ly toàn xã hội, quán vẫn vận hành nhưng khác là ông chủ chỉ cho 2 nhân viên làm việc mỗi ca, không bán hàng tại quán mà bán online, hai người thay nhau ship hàng. Lan thấy việc bán hàng online mang lại nhiều lợi ích “kép” đó là hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến môi trường sống, nhất là ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Cách làm này sẽ được Lan hướng đến trong tương lai - Lan khẳng định.

   Phố vắng, đường vắng nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra để hướng tới mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống xã hội.

   Gà, gạo, rau củ quả... cũng lên mạng

   Mọi người lo lắng khi cách ly toàn xã hội thì việc mua bán những hàng hóa thiết yếu sẽ như thế nào. Thế là không ít người đổ xô đi mua hàng tích trữ, ngay chính các tiểu thương cũng phải lên tiếng.

   Bà Hoàng Thị Phương, nhà ở tổ 2, phường Nông Tiến, tiểu thương bán gạo ở chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) hàng chục năm nay chưa từng thấy cảnh người dân đi mua hàng nhiều như mấy hôm rồi. Nhiều người đặt mua gạo của bà với số lượng lớn nhưng bà không bán, bà bảo với khách hàng không tích trữ gạo làm gì vì nguồn cung còn khá dồi dào. Với lại đây là cách ly xã hội, chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”, mọi người hạn chế ra ngoài, chỉ đi mua hàng khi thật cần thiết, thậm chí không cần đến chợ, mọi thứ cứ để “chúng tôi lo”. Bà thu thập tất cả số điện thoại của khách quen để mang hàng hóa đến tận nhà không lấy tiền công, rồi bán hàng trên trang cá nhân của mình, ai cần bà đáp ứng ngay, “cứ ở yên, tôi sẽ phục vụ” - Bà Phương cười hóm hỉnh.

   Những đàn gà óng ả, vườn rau xanh mướt ở các xứ đồng cũng đua sắc trên... mạng. Chị Lê Thắm ở xóm Chanh, xã Thái Bình (Yên Sơn) vẫn bán gà ngon online. Thời gian trước, mỗi tuần vợ chồng chị về các làng quê tìm mua gà một lần bán cho khách quen. Trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội, anh chị đã mua đủ số gà ngon để cung ứng cho khách hàng trong 15 ngày. Những lời giới thiệu thật như “người nhà quê” về đàn gà nhà mình khiến người mua hàng thích thú, nào là “gà ta bới đất, gà lai chọi cơ bắp...” phục vụ khách hàng tận nơi. Theo chị Thắm, ứng dụng mạng xã hội trong bán hàng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, điều quan trọng là thiết lập niềm tin. Nếu chất lượng hàng hóa không đảm bảo, họ sẽ tẩy chay bằng cách không tương tác nữa, thế là coi như thất bại. Chị vẫn giao gà đều đặn cho khách qua từng tin nhắn facebook, zalo, giúp khách hàng không phải đi chợ, hạn chế đi lại, tiếp xúc, đó cũng là hành động vì cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.

   Hình thành thói quen “đi chợ online” không chỉ là lợi ích trước mắt trong thời gian chống dịch mà đó còn là cách thức vận hành của một xã hội văn minh, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến môi trường sống, ngăn ngừa dịch bệnh./.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 306
Hôm qua : 472