• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức chiến dịch Trần Đình

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 66 năm. Những con người làm nên trang sử hào hùng ấy, giờ cũng đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến ký ức về trận Điện Biên Phủ năm xưa những người lính ấy - vẫn chẳng thể nào quên.

Những năm tháng không quên

Mái tóc bạc trắng, đôi mắt đã mờ và đôi chân không còn nhanh nhẹn, nhưng trong tâm trí Đại tá Trương Thanh Bình, tổ 3, phường An Tường (TP Tuyên Quang) vẫn còn in đậm ký ức về Điện Biên. 18 tuổi, ông Bình tình nguyện đi bộ đội, biên chế vào Trung đoàn 45, Bộ Tư lệnh công pháo đóng tại thị xã Sơn Tây. Ngay cuối năm đó, đơn vị ông được lệnh hành quân lên Tây Bắc, chuẩn bị kéo pháo lên núi cho chiến dịch Trần Đình (bí danh Chiến dịch Điện Biên Phủ). Tham gia kéo 44 khẩu trọng pháo vào vị trí đã định có Sư đoàn 312, 308 và đại đoàn công pháo 351. Ông Bình còn nhớ như in, mỗi khẩu trọng pháo 105 ly nặng 4,5 tấn cần có hơn 100 chiến sỹ để kéo ngược núi 7 ngày đêm mới vào đến vị trí. 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Yên, tổ 2, phường An Tường (TP Tuyên Quang)
ôn lại những kỷ niệm thời chiến.

Các khẩu pháo được đặt trên núi cao, cách Sở chỉ huy tầm 5-7 km. Ngày 13-3, tiếng pháo của ta mở màn cho chiến dịch Trần Đình bắt đầu ở Đồi Him Lam. Khẩu pháo của đơn vị ông Bình mỗi ngày nhả hơn 100 viên đạn xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Pháo bắn đỏ nòng, tiếng pháo của nó làm cho các chiến sỹ ù tai. Ông Bình phụ trách việc nạp đạn. Ông bảo: “Ngày cũng như đêm, các chiến sỹ phải ăn ngủ dưới hầm pháo, quanh là rừng rậm, muỗi rất nhiều. Bữa ăn, mỗi chiến sỹ được phát một bát cơm chấm muối nên rất đói”. Nhờ có trọng pháo bất ngờ trút xuống đầu quân Pháp, bộ binh ta đào hào giành chiến thắng vững chắc toàn phần.

Thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 - Trung đoàn pháo cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tháng 12-1953, CCB Đỗ Tiến, tổ 16, phường Tân Quang cùng toàn bộ đội hình Trung đoàn, khí tài về nước và tập kết tại thị xã Tuyên Quang sau 8 tháng huấn luyện tại Trung Quốc.

Ông Tiến bồi hồi: Đơn vị về tập kết tại núi Nghiêm, cách nhà chỉ vài cây số. Nhưng do đảm bảo bí mật chiến tranh, nên không ai được về nhà. Tháng 12/1953, đơn vị được học tập chuẩn bị tham gia chiến dịch Trần Đình. “Lúc ấy chúng tôi chỉ biết chiến dịch đấy tên gọi là Trần Đình. Chiến dịch lớn nhất của quân đội. Sau này mới biết đấy là tên bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Do đảm bảo bí mật, chúng tôi được lệnh kéo pháo vào trận địa hoàn toàn bằng sức người”.

Đại tá Trương Thanh Bình, tổ 3, phường An Tường (TP Tuyên Quang)
tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 18 tuổi.

Cũng giống như ông Bình, ông Tiến, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa giờ đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không sao quên được trong họ. CCB Trần Thịnh, năm nay 88 tuổi, tổ 8, phường Phan Thiết là 1 trong những chiến sỹ tham gia tuyến đầu của chiến dịch, chiến đấu giành nhau từng tấc đất với địch tại Đồi A1. Ông kể: “Chiến đấu không ngừng nghỉ, ngày nào cũng có đồng đội hy sinh, ngày nào cũng có người bị thương… Đơn vị tôi có hơn 100 người, mà khi ra chỉ còn hơn 60 người” - mắt ông nhòe nước xúc động. 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, niềm vinh dự, tự hào nhất đối với CCB Trần Thịnh là được kết nạp Đảng tại chiến trường, phong làm Tiểu đội trưởng, được trang bị vũ khí mới nhận lệnh đi đánh Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mãi là Bộ đội Cụ Hồ

Rất nhiều người lính sau kháng chiến chống Pháp lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Nay dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” chỉ sum vầy bên gia đình nhưng vẫn gương mẫu trong cuộc sống, viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ.

Những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong một buổi gặp gỡ
cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Đại tá Trương Thanh Bình cho biết, sau khi kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp, ông cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô. Những năm sau đó, ông tham gia giải phóng sân bay Biên Hòa, tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam. Sau khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 với vai trò cán bộ tuyên huấn của Quân khu 2. Đất nước hòa bình ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 2. Sau khi nghỉ hưu năm 1993, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã An Tường, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Sơn và Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/ dioxin tỉnh.

Trong 7 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin, ông Bình đã cùng các cơ quan chức năng của tỉnh xét công nhận hưởng chế độ da cam/dioxin cho nhiều người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong tỉnh. Nay ở tuổi 86, chất lính trong người lính Điện Biên vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Hiện ông đang là Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ ở Tuyên Quang.

Cũng giống như CCB Trương Thanh Bình, những người lính Điện Biên năm ấy khi trở về địa phương, lại tiếp tục cống hiến công tác trong các cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế gia đình đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Như CCB Trần Thịnh, sau khi nghỉ hưu, ông làm Chủ tịch Hội CCB thị xã Tuyên Quang (trước đây); Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ Tuyên Quang; Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố... Dù ở cương vị nào ông vẫn luôn phát huy tinh thần chiến sỹ Điện Biên năm xưa, nỗ lực và trách nhiệm hoàn thành công việc được giao.

Giờ đây, những người chiến sỹ Điện Biên trai trẻ năm xưa ấy đều đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân tay đã chậm. Trở về sum vầy bên gia đình, họ vẫn giữ lối sống kiên trung, giản dị, khiêm nhường của người lính Cụ Hồ dạy bảo con cháu sống và làm việc có ích. Và những người cụ, người ông, người bà ấy mãi là tấm gương sáng cho con cháu, thế hệ trẻ noi theo.

Theo TQĐT


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 391
Hôm qua : 301