• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những bài thơ chống dịch Covid-19

Hiện nay cả nước đang “sôi sục” phong trào phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực lại có cách làm riêng của mình. Không đứng ngoài cuộc, các nhà thơ lúc này cũng trở thành những “chiến sỹ” chống “giặc Covid-19” có hiệu quả. Những vần thơ giản dị, sâu sắc, mượt mà, dí dỏm dễ đi vào lòng người đọc, công chúng. Qua đó, góp phần cổ vũ tích cực cho toàn xã hội đoàn kết và có niềm tin vững chắc, cùng chung tay chiến thắng đại dịch.

    Cùng với các nhà thơ cả nước, những người yêu thơ Tuyên Quang “tự nhốt mình” trong nhà để chống dịch. Nhưng từ thực tiễn cuộc sống họ lại nảy ra những vần thơ sinh động, dễ đi vào lòng người. Nhà thơ Lê Na, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh mấy ngày nay không bước chân ra khỏi nhà. Ông phụ giúp vợ cơm nước, trông cháu. Thời gian rảnh ông lại lao vào sáng tác thơ theo chủ đề “chống dịch như chống giặc”. Bài thơ “Làng mùa chống dịch Covid-19” của nhà thơ Lê Na ra đời trong hoàn cảnh đó.

Nhà thơ Lê Na tích cực làm thơ chống dịch để cổ vũ mọi người.

   Bài thơ “nóng hổi” được in trên Báo Tân Trào số gần đây nhất có đoạn”: “Tháng ba dài hơn chiếc đòn gánh/Thung thăng làng quẩy nắng ra đồng/Trẻ con phố về chơi với đất/Cây khế vườn đủng đỉnh tím vào bông/Bên khóm hồng cần mẫn vài chú ong/Chẳng hay biết phố phường đang nhao nhác/Cả nước gồng mình lên “chống dịch như chống giặc”/Chuyện cách ly, khẩu trang, chữa trị, uống ăn…”.

  Nhà thơ Tạ Bá Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh cho biết, thời gian qua Báo Tân Trào nhận được nhiều bài thơ về đề tài Covid-19. Điều đó khẳng định các nhà thơ, những người yêu thơ trên địa bàn tỉnh luôn bám sát hơi thở cuộc sống. Bài “Làng mùa chống dịch Covid-19” của nhà thơ Lê Na với ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng, giàu hình tượng đã lột tả bức tranh quê ở thời điểm tháng ba. Tháng ba thật đẹp khi cả “làng quẩy nắng ra đồng”, rồi “hoa khế, hoa hồng, chú ong”. Bên cạnh sự bình yên của làng quê đó, thì phố phường, cả nước đang gồng mình “chống giặc Covid-19”. Và chuyện trẻ con trên phố được gửi về ông bà ở quê tránh dịch tương đối nhiều. Những trò chơi dân gian ở làng quê như “chơi với đất” khiến lũ trẻ thích thú, hồn nhiên, trong trẻo hơn.

   Tác giả Hồ Ngọc Diệp sáng tác bài thơ “Giặc dịch vây không cản được chân em” có đoạn: “Không đến lớp, lòng em bâng khuâng/Phải giảng bài nhờ đến những dòng trực tuyến/Đến với học sinh như cùng chung trận chiến/Từng giờ, từng giờ, bao xao xuyến, xốn xang/Hỡi em người thầy giáo nhân dân/Trận tuyến hôm nay em là người chiến sỹ/Bao học sinh vẫn trưởng khôn trí tuệ/Giặc dịch vây, không cản được chân em”.

   Bài thơ bám sát chủ đề “học sinh nghỉ học tránh dịch”. Nhưng dịch thì không biết bao giờ mới lui. Cả xã hội, nhà trường, phụ huynh lo lắng. Nhiều em học sinh cuối cấp còn phải ôn luyện để thi. Trong tình cảnh đó “cái khó lại ló cái khôn”, ngành Giáo dục khuyến khích các trường dạy học online. Phương pháp này thiết thực và có hiệu quả, vì vừa giúp học sinh ôn luyện kiến thức, vừa giúp tránh tụ tập đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan. Do đó, để đưa kiến thức đến với học trò, dịch đã “không cản được chân em” - người giáo viên nhân dân.

   Tác giả Đỗ Thị Thanh Hương, công tác tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Tuyên Quang mấy ngày nay liên tục cập nhật tin tức thời sự về dịch bệnh Covid-19. Với cảm xúc chân thành, chị đã cho “ra lò” bài thơ “Việt Nam niềm tin chiến thắng”: “… Trên thế giới mỗi ngày tin càng sốc/Xem ti vi, nhiều cảnh đau lòng/Và giờ đây Hà Nội - Trái tim hồng/Cùng cả nước chung một lòng chống dịch/Lời Thủ tướng lòng tràn đầy cảm kích/Nhân dân ta hãy “bình tĩnh” tiến lên/Phải “chống dịch như chống giặc” gắn liền/Tinh thần thép là “vắc xin” thắng bệnh”.Theo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, trong thời gian tới đang và sẽ có nhiều tác giả “nung nấu” về đề tài này, nhất là từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động... để chiến thắng dịch Covid-19. Lúc này mỗi nhà thơ, người yêu thơ cũng là một “chiến sỹ” trên mặt trận tuyên truyền, cổ vũ nhân dân phòng, chống dịch bệnh./.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 306
Hôm qua : 472