• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nối nghiệp

Nghề làm bánh Trung thu truyền thống bằng phương pháp thủ công “sống” được ở thời buổi này không dễ, bởi thị trường có quá nhiều các hãng sản xuất lớn, mẫu mã phong phú và bánh để được lâu. Ấy thế mà ở thành phố mình có một tiệm bánh Trung thu nhỏ nhưng vừa có tiếng tăm vừa tồn tại khá lâu đời. Đó là tiệm bánh Trung thu Đức Bình nằm ở ngay lối rẽ vào đền Cảnh Xanh, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang).


Sự trung thực...

Nghề làm bánh Trung thu của nhà ông Bùi Văn Thành và bà Nguyễn Kim Dung có từ đời cụ nội để lại. Ông Thành cũng không nhớ nổi và cũng khó cắt nghĩa được tại sao nhà mình lại có mấy đời theo nghề này. Bố mẹ ông và ngay cả ông và bà, rồi các con cũng từng đi làm rất nhiều nghề khác, nhưng cuối cùng lại trở về với nghề của cha ông. Ông chỉ cảm nhận rằng, nghề là cái nghiệp, nó như dây rừng cột chặt vào bao thế hệ của gia đình mình.

Nhưng ông Thành bảo, điều quan trọng nhất là gia đình làm ra sản phẩm mà thị trường cần. Thị trường cần ở đây, theo ông đó là cần sự trung thực. Bất cứ nghề nào cũng phải có điều đó, nếu gian dối, không thể tồn tại được, nhất là nghề sản xuất thực phẩm, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Nghề gia truyền này của gia đình tồn tại qua bao đời cũng bắt nguồn từ đó.

Vợ chồng ông được ông nội, rồi cha mình truyền dạy cách lựa chọn thực phẩm để làm bánh, đó là một sự cầu kỳ mà theo ông Thành rất giản dị. Nói là cầu kỳ cũng phải, bởi mỗi đận làm nhân bánh, ông cất công đi tìm cho kỳ được con lợn ăn bỗng rượu để lấy mỡ làm nhân, chứ các loại lợn khác dứt khoát ông không nhập. Lợn nuôi bằng bỗng rượu là thứ lợn “phú quý”, mỡ thơm và có vị mát dịu, chứ không sực nức cái mùi công nghiệp như loại lợn nuôi cám tăng trọng. Nhập thứ thịt lợn đấy về làm nhân bánh thì... bại nghiệp có ngày - ông Thành tâm sự. Nhưng ông Thành bảo, điều này thật giản dị, ai cũng có thể làm được khi mình giữ được cái tâm với nghề.

Ông từng đi Đức học nghề cơ khí và cũng thạo cái nghề này nhưng rồi tình yêu nghề của gia đình đã níu chân ông. Bà Dung cũng từng học nghề kế toán, nhưng từ khi theo ông về làm vợ cũng bỏ cái nghề mình học để theo nghiệp gia đình. Bà Dung hết lời khen tài làm nhân bánh của chồng mình. Theo bà, đó là biệt tài của mỗi người, ông ấy cũng chả giấu giếm gì cả nhưng cũng chả ai học được. Chính bà cũng không học được cách làm nhân bánh của chồng, nhưng bà lại biết cách làm cho bì bánh dẻo thơm, người ăn thấy mượt miệng, chứ không xộn xạo. Quả là “song kiếm hợp bích” nâng bước nghề truyền thống của gia đình vươn xa.

Những vị khách đặc biệt

Đặc biệt ở chỗ, họ đều là khách quen, dẫu ông bà không thể nhớ hết tên họ nhưng họ thực sự là khách “ruột” của gia đình. Cô con dâu ông bà là Phạm Thị Hằng thực sự cảm phục bố mẹ chồng ở điều này. Có những vị khách ở mãi xa, tận miền Nam vẫn thường gọi điện cho ông bà đặt bánh Trung thu gửi vào. Rồi khách miền xuôi, miền ngược, chả thể nhớ hết nổi. Gặp ai bố mẹ cũng vồn vã như người thân nhưng thực tình thì ông bà cũng chả nhớ tên hết được. Chị Hằng cười vui vẻ. 

 

Bà Dung hướng dẫn con dâu làm bánh.

Nghề làm bánh Trung thu của gia đình đã bắt đầu cuốn hút được vợ chồng chị Hằng. Chị Hằng bảo, bố mẹ vẫn thường kể về những vị khách “nghiện” bánh của gia đình khiến chị thực sự tự hào. Chị và chồng đang làm ở một công ty ở Bắc Ninh với mức lương của hai vợ chồng là 20 triệu đồng/tháng, mỗi tháng bỏ ra được một suất lương nhưng thị Hằng bảo, tiết kiệm cả năm không bằng bố mẹ làm một tháng vào mùa Trung thu. Nhưng đó chưa phải là điều thôi thúc chị bỏ việc về theo nghiệp của gia đình. Chị ngưỡng mộ với những tình cảm của khách dành cho cha mẹ chồng mình. Mấy năm trước, chị thấy một cụ già ở mãi huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cuối tuần nào cũng đến nhà chị mua bánh về ăn. Cụ bảo, thích cái vị thơm của bánh Đức Bình, không lẫn vào đâu được. Cụ mua về cho cháu, biếu người thân. Hỏi tên cụ chả nói, cụ chỉ bảo cụ ở “phủ Đoan Hùng” thôi. Bẵng đi thời gian, không thấy cụ đến nữa, cứ nghĩ là do bánh trái nhà mình làm sao khiến cụ phật ý, nhưng không phải, tuổi già cụ ra đi thanh thản, gia đình nhớ cụ, biết ơn tình cảm cụ dành cho nhà mình.

Vào mùa Trung thu, chị Hằng lại đùm úm con nhỏ về làm bánh cùng cha mẹ. Chị chưa thạo nghề lắm nhưng từng công đoạn thì rõ cả, vấn đề còn lại là sự trau chuốt và thuần thục mà thôi. Để đạt được ngưỡng đó đòi hỏi phải tận tâm, tận lực, thế nên chị phải nghỉ việc công ty để mong ước nối nghiệp gia đình. Chả gì bằng ở nhà mình, bọn trẻ được chăm sóc tốt hơn, cái vị bánh ngấm vào con cái chị từ nhỏ, sau này lại nối nghiệp ông bà, cha mẹ, để nghề làm bánh Trung thu của gia đình lưu truyền mãi mãi.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tỉnh không tổ chức Lễ hội Thành Tuyên nhưng không vì thế mà lượng bánh của gia đình giảm sút. Khách ở mọi miền đất nước vẫn gọi điện đặt mua, chỉ là khách lẻ thôi chứ nhà chị Hằng không bán buôn. Bà Dung cho biết, nhiều đại lý lớn muốn liên kết với gia đình sản xuất bánh, đặt bánh của gia đình nhưng bà không “hợp tác”, bởi bà lo khi sản xuất ồ ạt, hương vị của bánh mai một đi, nghề truyền thống của gia đình sẽ bị đe dọa. Vậy nên, nhiều siêu thị đặt buôn, bà vẫn từ chối.

Tiệm bánh Trung thu Đức Bình tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, mức lương 200 nghìn đồng/ngày chưa kể cơm nuôi. Mỗi độ Trung thu về, bà Dung lại giục con dâu và đám thợ chuẩn bị bánh đích thân bà mang tặng trẻ nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng có người bảo, nhà bà làm “màu”, nhưng bà bỏ ngoài tai, bởi cuộc sống này chả thể nào làm hài lòng hết mọi ngươi được. Bà chỉ làm những điều thôi thúc từ trái tim mình, với bà thế là đủ...

Theo TQĐT


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 495