• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TUYÊN QUANG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN

Ngày 22 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn, đóng góp quan trọng cho thành công rực rỡ của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc.

   Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, tạo thời cơ cho cách mạng Việt Nam giành chính quyền. Lúc này, phong trào cách mạng Việt Nam đã phát triển đến đỉnh cao. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ở nhiều địa phương nhân dân đã chớp thời cơ anh dũng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, cao trào kháng Nhật bùng nổ và ngày càng lan rộng.  Cùng với cả nước, Tuyên Quang bước vào thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền ở từng địa phương. Trước tình hình đó, Phân khu uỷ phân khu B Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm Bí thư đã triệu tập cuộc họp ngày 10 tháng 3 năm 1945 tại thôn Ao Búc, xã Trung Yên, nhận định: “Biến động tình hình địch trong khu và các vùng phụ cận cho thấy có thể Nhật đảo chính Pháp, thời cơ đã đến cần nhanh chóng mạnh dạn hành động tiến lên giành chính quyền”.
    Đêm ngày 10 tháng 3 năm 1945, cuộc khởi nghĩa Thanh La giành thắng lợi cho thấy thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến. Phân khu uỷ quyết định mở rộng địa bàn hoạt động. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3 năm 1945, đồn Đăng Châu được giải phóng. Ngày 16 tháng 3 châu Tự Do được thành lập. Đến tháng 6 năm 1945, ở Tuyên Quang hầu hết các địa phương đã khởi nghĩa giành chính quyền thành công, chỉ còn thị xã Tuyên Quang và một số vùng nhỏ xung quanh còn bị quân Nhật chiếm đóng.
   Tháng 7 năm 1945, Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Tuyên Quang được thành lập, đồng chí Tạ Xuân Thu được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ, chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt ở những vùng đã giải phóng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã và các vùng còn lại. Tháng 8 năm 1945, tại lán Nà Nưa (Nà Lừa), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

 

Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 


  Ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng đã họp tại khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra bản quân lệnh số 1 phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập và bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc - Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
  Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, các đơn vị giải phóng quân, du kích, tự vệ thị xã đã tập kết lực lượng tại đồn điền Châu Khiết làm lễ xuất quân trước khi tiến vào giải phóng thị xã Tuyên Quang dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban khởi nghĩa Tuyên Quang vừa được thành lập trong ngày. Buổi lễ xuất quân vào 2h sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, lực lượng khởi nghĩa chia làm hai hướng tấn công. Hướng tấn công thứ nhất có đơn vị của đồng chí Hồng Thái và Long Giang, do đội tự vệ, dân quân dẫn đường từ đồn điền nhà ông Châu Khiết, qua xã Tắc, tấn công xuống phía Nam thị xã, đánh trụ sở hiến binh, bao vây phía Nam thành Tuyên Quang, đồng thời khống chế đường rút lui của quân Nhật, làm nhiệm vụ chặn tiếp viện của địch từ thị xã Phú Thọ lên.
  Hướng tấn công thứ hai do đồng chí Trần Thế Môn phụ trách, từ đồn điền nhà ông Châu Khiết, dọc theo đường quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang và dọc đường bờ sông Lô, đến nhà thương (nhà máy đường Tuyên Quang ngày nay) rồi chia làm 3 cánh. Cánh thứ nhất do đồng chí Trần Thế Môn chỉ huy đánh vào trại Bảo an binh. Cánh thứ hai do đồng chí Vũ Nhung chỉ huy đánh vào dinh Tỉnh trưởng. Cánh thứ ba do đồng chí Chu Phóng chỉ huy đánh vào Kho bạc, Bưu điện, Sở cẩm. Ngoài ra các đơn vị khác có nhiệm vụ đánh chiếm các công sở còn lại, sau đó áp sát thành Tuyên Quang bao vây quân Nhật.
  Do làm tốt công tác địch vận, quân giải phóng tới đâu cũng được lính gác mở cổng cho vào. Sau mấy giờ nổ súng, quân ta đã chiếm được các vị trí trọng yếu như trại lính Bảo An, sở dây thép (Bưu Điện), nhà băng, sở cẩm, nhà đoan... Đồng chí Tạ Xuân Thu thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa tiếp nhận sự đầu hàng của Tỉnh trưởng Dương Thiệu Chinh và yêu cầu phải gọi điện cho quân Nhật đầu hàng không điều kiện, giao nộp toàn bộ vũ khí. Thị xã Tuyên Quang nằm dưới sự kiểm soát của quân giải phóng, trừ trại lính Nhật ở núi Thổ Sơn và thành nhà Mạc. 5 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, quân giải phóng dồn về vây trại lính Nhật. Quần chúng nhân dân mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng, nhân dân giơ cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu : “Việt Nam độc lập muôn năm, đả đảo phát xít Nhật”. Trước thái độ ngoan cố của phát xít Nhật đang cố chờ viện binh từ Phú Thọ, ngày 20 tháng 8 năm 1945, ta tổ chức một cuộc mít tinh tuần hành lớn, đồng thời nổ súng, đe doạ tấn công thành. Trong tình thế bị vây hãm, hoàn toàn bất lợi, không có lối thoát, quân Nhật xin đầu hàng.
Ngày 21 tháng 8 năm 1945, tại trại lính Nhật, Uỷ ban khởi nghĩa đã tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Cùng ngày, quân Nhật rời khỏi thị xã   Tuyên Quang. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang thắng lợi hoàn toàn. Ngày 22 tháng 8 năm 1945, thị xã Tuyên Quang tổ chức cuộc mít tinh lớn ở sân vận động. Trong lễ mít tinh, Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Công Bình làm Chủ tịch, đã ra mắt trước hàng vạn đồng bào trong tỉnh.
  Sau khi thị xã Tuyên Quang được giải phóng, các lực lượng giải phóng quân, đội tự vệ, đội du kích tập trung ở trại Bảo An (trại lính khố xanh) để thống nhất lại thành trung đoàn giải phóng quân Tuyên Quang. Đồng chí Bế Xuân Cương được cử làm trung đoàn trưởng. Các đồng chí trong Uỷ ban khởi nghĩa, như đồng chí Song Hào, Trần Thế Môn được lệnh tiếp tục lên đường chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang...
  Có thể nói, bằng tài chí, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vận dụng nắm bắt thời cơ cùng kế hoạch tác chiến được chuẩn bị chu đáo, hợp lý phát động được toàn dân nổi dậy, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng quân giải phóng, đội tự vệ, đội du kích, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và được các đơn vị chiến đấu chấp hành nghiêm túc là một trong những nguyên nhân giúp thị xã Tuyên Quang giành được chính quyền một cách nhanh, gọn, ít đổ máu. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn, đóng góp quan trọng cho thành công rực rỡ của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc.

Trương Đức Tiến – Phòng VH và TT thành phố Tuyên Quang
(Theo Tài liệu lưu trữ tại Bảo Tàng Tuyên Quang)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 472