• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng kinh tế từ cây dược liệu

Những năm qua, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý mà còn giúp người dân tại nhiều địa phương của thành phố Tuyên Quang nâng cao đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

     Được thành lập vào đầu năm 2019, Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi, tổ 15, phường Đội Cấn đã liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh để trồng các loại cây dược liệu. Với diện tích hơn 40ha trồng chủ yếu là gấc, đinh lăng còn lại là sachi, giảo cổ lam, cây trồng được thực hiện chăm sóc theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó tạo ra vùng nguyên liệu sạch, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi chia sẻ: Bên cạnh việc duy trì và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, chúng tôi tiếp tục quy hoạch thêm diện tích đất để trồng. Đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá thành ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm mở rộng diện tích, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thành phố, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Đinh lăng được trồng dưới giàn gấc tại Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi, tổ 15, phường Đội Cấn

     Là 1 trong những thành viên của HTX và đã trồng gấc hơn 10 năm nay Chị Nguyễn Thị Bích Diệp, tổ 15, phường Đội Cấn hiểu được lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết. Được cùng chia sẻ lợi ích, kinh nghiệm và phát triển, mỗi năm lợi nhuận của HTX mang lại cho chị nguồn thu nhập ổn định, từ 50-70 triệu đồng/năm. Hơn nữa việc trồng đinh lăng xen dưới tán gấc cũng giúp tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình. Chị Diệp nói: Được chia sẻ kinh nghiệm từ các thành viên của HTX cũng như tìm hiểu, gia đình đã đầu tư làm giàn với các cọc bằng thép chữ T cách nhau chừng 5 đến 7 m cao 1,8 m để gấc, sachi, giảo cổ lam leo lên, che cho cây đinh lăng phía dưới. Nhờ đó, cây đinh lăng hầu như không bị sâu bệnh, cải tạo đất tơi xốp rất tốt sẽ tương hỗ tạo độ ẩm cho các loại cây khác phát triển. Để có những sản phẩm tốt nhất ra thị trường, HTX đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để làm hệ thống tưới ẩm. Cây dược liệu khi được tưới nguồn nước sạch và bón phân chuồng phát triển nhanh, năng suất cao và đảm bảo theo đúng quy trình chăm sóc. Hướng của HTX trong thời gian tới là sẽ xây dựng nhà xưởng sơ chế, đầu tư máy móc để chế biến tinh dầu gấc đảm bảo các tiêu chuẩn hướng tới mục tiêu xuất khẩu, tạo vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ sản xuất dược phẩm.

     Việc trồng phát triển cây dược liệu đang được xem là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng. Bởi vậy cùng với việc phát triển của các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan để các sản phẩm dược liệu có chỗ đứng trên thị trường./.

Bài và ảnh: Duy Khanh ( Trung tâm VH, TT và TT thành phố)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 457
Hôm qua : 546