• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Tuyên Quang (tháng 8-1945)

Sau ngày phát xít Đức - Ý đầu hàng quân đội Đồng Minh vô điều kiện (9-5-1945), quân đội Liên Xô và các nước đồng minh liên tục tấn công vào các vị trí phòng thủ của quân Nhật. Ngày 10-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Quân đội Nhật ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, hoang mang, rệu rã tới cao độ. Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc đã chín muồi.

Ngay sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng, từ ngày 13 đến ngày 15-8- 1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang), quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Đêm ngày 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào (Sơn Dương- Tuyên Quang). Đại hội đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Uỷ ban giải phóng dân tộc giao quyền chỉ huy cho Uỷ ban khởi nghĩa toàn quyền hành động.
Ngày 16-8-1945, trên đường đến dự Đại hội Quốc dân, đồng chí Song Hào nhận được lệnh trở lại lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang. Ngay trong ngày 16-8 Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang được thành lập gồm các đồng chí Song Hào, Tạ Xuân Thu, Trần Thế Môn, Nguyễn Công Bình... do đồng chí Song Hào làm chủ tịch.
Đêm 16-8-1945, các đơn vị giải phóng quân từ các huyện Sơn Dương, Chiêm Hoá và đội du kích người Dao từ xã Kim Phú (Yên Sơn) cùng các đội tự vệ của thị xã đã tập kết tại xã Ỷ La. Lực lượng quân giải phóng vào khoảng trên 600 người, gồm các cánh quân do các đồng chí Trần Thế Môn, Hồng Thái, Long Giang, Thái Long và Nguyên Minh chỉ huy. Riêng cánh quân của đồng chí Nguyễn Công Bình, rạng sáng ngày 17-8 mới về đến thị xã.
Đúng 2 giờ sáng ngày 17-8-1945, đồng chí Song Hào - Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang. Quân khởi nghĩa được chia làm hai mũi tiến công: Mũi thứ nhất gồm các đơn vị Hồng Thái, Long Giang, Thái Long từ Ỷ La tiến qua Xã Tắc rồi vòng xuống phía Nam thị xã, vừa tấn công vừa khống chế đường rút lui của quân Nhật, đồng thời làm nhiệm vụ chặn tiếp viện của địch từ Phú Thọ lên. Mũi tiến công thứ hai do đồng chí Trần Thế Môn chỉ huy chung từ Ỷ La tiến dọc theo bờ sông Lô đến nhà thương, rồi chia làm ba hướng: Hướng thứ nhất do đồng chí Trần Thế Môn chỉ huy đánh vào trại Bảo an binh; hướng thứ hai do đồng chí Vũ Nhung chỉ huy đánh vào dinh Tỉnh trưởng; hướng thứ ba do đồng chí Chu Phóng chỉ huy đánh vào kho bạc, bưu điện, sở Cẩm...
Quân giải phóng tiến công tới đâu thì binh lính ngụy nơi đó đều hạ súng xin hàng, không dám chống cự. Ta nhanh chóng tiếp quản các vị trí trọng yếu như trại lính Bảo an, sở Cẩm, sở dây thép, bưu điện, kho bạc...Tại dinh Tỉnh trưởng, khi quân ta tiến vào, bọn lính gác vội vàng hạ súng, tỉnh trưởng Dương Thiệu Chinh hoảng sợ, xin đầu hàng. Thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa, đồng chí Tạ Xuân Thu tiếp nhận sự đầu hàng của Dương Thiệu Chinh và buộc hắn phải điện báo cho quân Nhật trong thành Tuyên Quang biết rằng: Chính quyền đã về tay Việt Minh, yêu cầu quân Nhật phải đầu hàng Việt Minh không điều kiện và giao nộp toàn bộ vũ khí, đổi lại chúng sẽ được an toàn rút khỏi Tuyên Quang .

 

Đến sáng ngày 17-8 quân khởi nghĩa đã kiểm soát được hầu hết thị xã Tuyên Quang và tập trung về bao vây trại lính Nhật đóng trong thành nhà Mạc và trên núi Thổ Sơn. Để tránh gây đổ máu không cần thiết, ta chủ trương kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kêu gọi quân Nhật đầu hàng. Uỷ ban khởi nghĩa đã tổ chức một cuộc mít tinh, diễu hành với sự tham gia của hàng ngàn người. Đoàn người biểu tình đã diễu hành vòng quanh thành, giương cao cờ đỏ sao vàng và hô vang các khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập vạn tuế !" , "Đả đảo phát xít Nhật !". Những người tham gia biểu tình còn mang trống, mâm đồng, chậu thau... ra gõ, nhiều nhà buôn đem pháo ra đốt. Khí thế cách mạng của quân, dân ta ngày một lên cao, làm cho quân Nhật ở trong thành hoang mang cực độ, buộc phải xin điều đình với ta.
Để tránh đổ máu không cần thiết, Uỷ ban khởi nghĩa đồng ý điều đình với quân Nhật. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 17-8, đại diện Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Tạ Xuân Thu dẫn đầu đã vào trại lính Nhật đàm phán. Trong cuộc đàm phán, Uỷ ban khởi nghĩa đưa ra 3 điều kiện:
1- Quân Nhật phải tuyên bố đầu hàng Việt Minh.
2- Quân Nhật phải giao nộp toàn bộ vũ khí và cam kết tôn trọng mọi quy định của Việt Minh.
3- Quân Nhật phải nhanh chóng rút quân khỏi Tuyên Quang và sẽ được Uỷ ban khởi nghĩa bảo đảm an toàn tính mạng trong quá trình rút quân.
Với ý đồ muốn kéo dài thời gian điều đình để chờ quân cứu viện, quân Nhật cam kết tạm thời ngừng bắn nhưng không chấp nhận nộp vũ khí cho ta, với lý do là nước Nhật đã tuyên bố đầu hàng Đồng Minh và vũ khí của quân Nhật đã được thống kê gửi về Hà Nội chờ giao nộp cho quân Đồng Minh nên không thể nộp cho Việt Minh được. Trước thái độ ngoan cố của quân Nhật, ta tiếp tục vây thành, buộc quân Nhật phải tiếp tục điều đình, xin nộp cho ta số vũ khí thu được của quân Pháp hồi đảo chính tháng 3-1945, để ta mở cửa thành cho chúng ra ngoài mua nhu yếu phẩm.
Đêm 18-8, một toán quân Nhật từ Đoan Hùng (Phú Thọ) kéo lên thị xã Tuyên Quang tiếp viện cho đồng bọn, tới Cầu Chả thì bị quân ta chặn đánh, chúng vội vàng mở đường máu chạy thoát vào thành. Sáng 19-8, cánh quân Nhật từ Hà Giang về tới Ỷ La, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định chặn đánh, không cho chúng vào thị xã hội quân với bọn Nhật ở trong thành. Được tin có tiếp viện, quân Nhật ở trong thành liền trở mặt không thực hiện lời cam kết, nổ súng bắn vào quân khởi nghĩa, đồng thời cho một bộ phận lực lượng liều mạng mở cửa thành đánh ra ngoài hòng mở đường đón quân Nhật từ Hà Giang về. Bị quân ta chặn đánh quyết liệt, chúng buộc phải quay lại cố thủ trong thành. Quân ta tiếp tục khép chặt vòng vây, nổ súng tấn công quân Nhật trong nhiều giờ đồng hồ.
Sáng ngày 20-8, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định phải hành động kiên quyết hơn. Một cuộc mít tinh, tuần hành lớn lại được tổ chức với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu "Đả đảo phát xít Nhật lật lọng", "Mặt trận Việt Minh vạn tuế", lực lượng vũ trang của ta cũng đồng loạt nổ súng tấn công vào thành. Trước tình thế hoàn toàn bất lợi, có nguy cơ bị tiêu diệt, quân Nhật lại xin điều đình. Lúc này Uỷ ban khởi nghĩa nhận được thông báo: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thành công, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật xin ta mở đường cho quân Nhật từ Hà Giang và Tuyên Quang về Hà Nội, quân đội Tưởng Giới Thạch (của Trung Hoa dân quốc) với danh nghĩa quân Đồng Minh đang chuẩn bị kéo vào miền Bắc nước ta để giải giáp quân đội Nhật, theo sau chúng sẽ là bọn tay sai phản động "Việt Nam quốc dân đảng" (Việt quốc) và "Việt Nam cách mạng đồng minh hội" (Việt cách) với âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Để nhanh chóng giải quyết vấn đề quân Nhật, sẵn sàng đối phó với quân Tưởng, Uỷ ban khởi nghĩa đã chấp thuận điều đình với quân Nhật và cho phép chúng được rút về Hà Nội có mang theo một số vũ khí tượng trưng.
Ngày 21-8, đồng chí Tạ Xuân Thu thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Cùng ngày, quân Nhật cũng rút khỏi thị xã Tuyên Quang. Khởi nghĩa giành chính quyền tại Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn. Cũng trong ngày 21-8-1945, quân giải phóng cùng các tổ chức thanh niên, phụ nữ và tự vệ chiến đấu đã huy động xe thồ và thuyền, bè, nhanh chóng di chuyển số vũ khí, đạn dược và quân lương mà quân Nhật đã nộp đến nơi cất giấu an toàn.
Sáng ngày 22-8-1945, tại sân vận động thị xã Tuyên Quang, một cuộc mít tinh đã được tổ chức trọng thể với sự tham gia của hàng vạn quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Công Bình làm Chủ tịch được thành lập, ra mắt nhân dân. Đồng chí Nguyễn Công Thành - Bí thư tỉnh Bộ Việt Minh đã công bố chính sách 10 điểm của Mặt trận Việt Minh. Toàn thể nhân dân đồng thanh hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập vạn tuế ", "Ủng hộ chính quyền Việt Minh".

                                                                                (Theo Lịch sử Đảng bộ thị xã Tuyên Quang 1940 -2008).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 486
Hôm qua : 597